Làng nghề sản xuất dây keo ở An Giang

[ad_1]

Không phải vận động viên nhưng những người làm nghề dây keo ở An Giang mỗi ngày phải vừa đi vừa chạy bộ chừng 15 km để se sợi. Vì thế ở đây người dân tự đặt cho tên ấp của mình là “xóm chạy”.

Hình thành từ năm 1995, nghề sản xuất dây keo tại ấp Mỹ Thành (xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang) đang tạo kế sinh nhai cho hàng trăm lao động địa phương.

Theo người dân ở làng nghề, dây keo được sử dụng làm dây neo cho tàu ghe, dây kéo lưới, dây cột động vật và phổ biến trong lĩnh vực công nghiệp.

Dây làm ra không chỉ bán trong vùng mà còn xuất đi cả Campuchia. Từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch, dây keo được tiêu thụ mạnh. Người làm nghề phải làm việc từ 12-13 tiếng mỗi ngày mới đủ hàng bán.

Cả làng sống khỏe nhờ nghề... chạy - 1

Anh Hồ Thanh Bình đã gắn bó với nghề làm dây keo hơn 15 năm.

Trao đổi với PV, anh Hồ Thanh Bình – một người thợ có 15 năm trong nghề làm dây keo – cho biết: “Quá trình làm dây keo gồm nhiều bước, nhiều công đoạn. Các xưởng lớn phụ trách nấu nhựa và se nhựa thành sợi nilon. Sau đó cuộn sợi nilon thành từng ống. Những gia đình trong ấp sẽ nhận các ống sợi về, se thành dây to nhỏ tùy theo kích thước được đặt hàng”.

Công đoạn se sợi thành dây lại gồm nhiều bước nhỏ. Người lao động buộc các sợi nilon vào một cái cào, sau đó kéo căng dài hàng trăm mét, cài vào một cái giá để sẵn gọi là “ngựa”. Các sợi mảnh, rời rạc sau đó được se tròn và bện lại với nhau thành những dây lớn. Dây càng lớn, người kéo sợi càng phải đi nhiều.

Để thực hiện công việc, người làm nghề ở ấp Mỹ Thành còn phải chạy bộ dọc theo đường đê hay giữa các cánh đồng, kéo theo phía sau là một cái cào có buộc những sợi dây dài. Người ta cứ chạy tới rồi chạy lui liên hồi không ngừng nghỉ.

Cả làng sống khỏe nhờ nghề... chạy - 2

Người thợ phải cầm cào di chuyển dây ra bãi đất trống đi qua các “ngựa” để những sợi dây đơn được căng ra, khi ấy máy sẽ se dây lại với nhau.

Anh Hồ Thanh Bình chia sẻ: “Nghề này lúc trước làm cực lắm, do chủ yếu làm bằng tay nên mỗi ngày chỉ làm được 2-3 ống dây. Nhưng những năm gần đây, nhờ có máy hỗ trợ nên làm dây keo nhẹ công, từ đó thu nhập cao hơn”.

Do tính tiền công theo thành phẩm, nên ai cũng cố gắng làm. Một ngày, nếu chịu khó làm khoảng 12-13 tiếng cũng kiếm được khoảng 300.000-400.000 đồng. Ở đây, nhiều người thợ se dây keo không có ngày nghỉ mà chỉ dừng tay khi trời mưa lớn hoặc cúp điện.

Còn theo ông Hồ Văn Ngoạn, một thợ đã “chạy” gần 20 năm nay, người ta gọi ấp là “xóm chạy” vì công việc chủ yếu của mọi người là chạy để kéo dây. Mỗi ngày, một người đi lại từ 10-15km.

Cả làng sống khỏe nhờ nghề... chạy - 3

Trung bình một người thợ có thể đi từ 10-15 km mỗi ngày.

Công việc của ông Hồ Văn Ngoạn bắt đầu từ 7-12h, tranh thủ nghỉ trưa đến 14h lại bắt đầu công việc tới gần tối mới ngừng tay. Ngày nào mệt mỏi hoặc mưa gió lớn có thể nghỉ.

“Dù tốn sức đi bộ nhiều nhưng bù lại nghề se dây mang đến thu nhập ổn định và cao hơn so với một số nghề khác. Bình quân một kg dây thành phẩm, chúng tôi được trả công từ 1.800-5.000 đồng. Tính ra một ngày, người làm nghề có thu nhập từ 300.000-400.000 nghìn đồng”, ông Hồ Văn Ngoạn cho biết.

Cả làng sống khỏe nhờ nghề... chạy - 4

Dây keo sẽ được bó thành từng lọn để giao lại cho xưởng.

Theo ông Nguyễn Bảo Lộc, Phó Chủ tịch xã Mỹ Hội Đông, thống kê đến năm 2021 toàn xã có hơn 500 lao động làm nghề dây keo, mức thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng. Những người làm giỏi và liên tục các ngày trong tháng sẽ có thu nhập cao hơn nhiều.

“Làng nghề sản xuất dây keo phát triển là tín hiệu đáng mừng cho công tác an sinh của địa phương. Thay vì trước kia người dân phải đến các thành phố lớn bon chen mưu sinh thì nay chính tại quê nhà họ vẫn có được cuộc sống ổn định. Tuy thu nhập không quá cao nhưng bù lại người lao động được làm việc gần nhà”, ông Lộc nhận xét.

(Theo Dân Trí) 

Kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng từ nghề... thổi, cuốn thủy tinh

Kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng từ nghề… thổi, cuốn thủy tinh

Dù vất vả và nguy hiểm, những người thợ thổi thủy tinh (Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội) vẫn gắn bó với công việc vì mưu sinh và tình yêu với nghề truyền thống quê hương.

[ad_2]

Source link