Kỳ nghỉ 6 ngày thành 6 tuần của khách Tây


Đà NẵngLần đầu tới Đà Nẵng ngày 16/1, chỉ nhìn lướt thành phố từ sân bay về khách sạn mà Konstantin đã háo hức, muốn khám phá ngay nơi này.

Konstantin, sinh ra ở Serbia, lớn lên ở Đức và hiện sống tại Tây Ban Nha, đã có chuyến du lịch Thái Lan và Việt Nam đầu năm nay. Dưới đây là chia sẻ trên Bored Panda của Konstaintin và lý do anh chỉ có ý định ở Đà Nẵng 6 ngày nhưng cuối cùng kỳ nghỉ thành 6 tuần.

Lần đầu tới Đà Nẵng

Ngày 16/1/2020, tôi đặt chân lần đầu tới Đà Nẵng – thành phố biển xinh đẹp ở miền Trung. Trước khi tới đây tôi ở Hà Nội vài ngày và tính đi đâu đó có biển để tránh xa những nơi giao thông ồn ào và ô nhiễm không khí. Ban đầu tôi không kỳ vọng nhiều, chỉ mong muốn có một nơi để tận hưởng ánh nắng và biển rồi tiếp tục đi. Lúc đó tôi đang du lịch Thái Lan và Việt Nam hơn một tháng mà chưa hề đi biển kể từ tháng 12 năm ngoái.

Thực lòng tôi không định đi, nhưng bạn bè người Việt của tôi luôn nói thành phố yêu thích nhất của họ là Đà Nẵng và rất mong tôi tới đó. Cuối cùng tôi cũng lên chuyến bay tới thành phố biển, bước ra khỏi sân bay Đà Nẵng cảm giác thật tuyệt vì trời nắng ấm đẹp hơn thời tiết lạnh và mưa ở Hà Nội. Trên xe về khách sạn tôi được thấy những hình ảnh đầu tiên về thành phố như cầu Rồng, rất nhiều xe máy và những xe đồ ăn vặt ở khắp nơi. Càng đi tôi càng háo hức hơn.

Có lẽ do Đà Nẵng quá khác biệt với Hà Nội nên tôi mới có ấn tượng mạnh ngay lần đầu tới như vậy. Quyết định bất chợt và không lên kế hoạch nên tôi có rất nhiều thời gian để tận hưởng.

Khám phá biển Mỹ Khê

Sau khi check-in khách sạn và ăn một tô phở bò thơm ngon, nóng hổi ở tiệm ăn gần đó, tôi tới Mỹ Khê, bãi biển dài 9 km rất sạch sẽ, rộng rãi, nhiều không gian để mọi người tắm nắng, chơi bóng chuyền và bơi lội. Ở biển Mỹ Khê có cả khu tập gym ngoài trời với vài món đồ cơ bản làm tôi bắt đầu mê mẩn.

Ngoài ra còn có rất nhiều cửa hàng cho thuê ván cho những người mê lướt sóng. Biển Đà Nẵng thích hợp cho người mới chơi lướt sóng hoặc ở mức trung cấp. Lúc đó còn hơi lạnh mùa đông, sóng biển Đà Nẵng vẫn mạnh và có thể cao tới 2 m, nếu mới thử chơi thì tôi khuyên bạn nên chọn học theo lớp, nhóm cơ bản trước. Còn tôi ít nhất đã từng lướt ván ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha vài năm trước nên tới Mỹ Khê tôi có thể thuê ván và tận hưởng ngay. Nửa ngày thuê ván ở Mỹ Khê chỉ tốn từ 150.000 đồng trong khi ở châu Âu tôi thường phải trả 15 – 25 euro (410.000 – 690.000 đồng) cho 1 – 2 tiếng.

Chi tiêu ở Đà Nẵng

Nhiều người thuyết phục tôi rằng Đà Nẵng là nơi cuộc sống chất lượng cao. Và thật vậy, khi ở đây bạn không tốn quá nhiều (so với Barcelona chẳng hạn) mà đời sống cũng rất ổn. Ở Đà Nẵng khoảng 1,5 tháng và tất cả chi phí ăn ở, đi lại, vui chơi của tôi là 750 euro (20 triệu đồng) so với Barcelona nơi tôi từng sống 4 năm chi phí hàng tháng ở đó là 1.200 – 1.500 euro (33 – 41 triệu đồng).

Rất nhiều người bạn sống ở Việt Nam đến từ Pháp, Phillippines, Anh, Mỹ, Nga ở Đà Nẵng nhiều năm đều nói với tôi rằng, họ yêu nơi này và không muốn chuyển đi vì đời sống rất tốt.

Ban đầu, khi mới đổi tiền Việt, tôi thực sự bị bối rối vì quá nhiều số 0, bạn nên kiểm tra kỹ mỗi khi trả tiền, ví như sẽ dễ nhầm 100.000 đồng thay vì 10.000 đồng.

Tôi hay phải rút tiền ở ATM vì hầu như thanh toán đều bằng tiền mặt, kể cả khách sạn, hay những nhà nghỉ giá rẻ cũng không nhận thẻ credit. Giá phòng khách sạn ở Đà Nẵng cũng đa dạng, từ bình dân tới cao cấp đều có. Nhưng chỉ đi một mình, với tiền tiết kiệm trong 3,5 tháng liền nên tôi phải cân nhắc và so sánh nhiều thứ. Thay vì đi các tour du lịch điển hình, tôi chọn ăn chơi như dân địa phương nên tiết kiệm được khá nhiều. Trải nghiệm đó cũng giúp tôi biết thêm nhiều về cuộc sống vốn có của người Đà Nẵng.

Tôi hay ghé các quán không có biển hiệu hay thực đơn tiếng Anh, nên chọn món lúc nào cũng là thử thách. Song nhờ vậy tôi lại có dịp kết nối với dân địa phương. Nhiều lúc phải dùng ngôn ngữ cơ thể mà hai bên vẫn không hiểu, tôi sẽ “cầu cứu” tới phần mềm dịch trên điện thoại.

Người địa phương thân thiện

Tôi thường dành những buổi chiều ngoài trời để tập gym, đi biển, chơi bóng chuyền nên hay gặp gỡ và trò chuyện với một nhóm bạn địa phương. Dù ngôn ngữ vẫn là rào cản nhưng đó không phải vấn đề, một anh bạn tên Minh đã bắt chuyện tiếng Anh và giúp tôi trao đổi với mọi người. Tôi và Minh gặp nhau nhiều lần khi cả hai đi tập thể dục, cậu còn mời tôi ăn đặc sản địa phương như các loại ốc mà tôi chưa từng thử trước đó.

Chỗ ở

Chỉ sau vài ngày đầu ở Đà Nẵng tôi đã quyết định thuê phòng ở lâu hơn. Tôi được bạn bè và người dân Đà Nẵng giúp đỡ khá nhiều, từ những người ở bãi biển, trong các quán vỉa hè tôi ăn cho tới lễ tân khách sạn tôi ở. Điểm cộng là nhân viên ở các khách sạn Đà Nẵng thành thạo tiếng Anh và luôn tươi cười chào đón du khách.

Một chỗ tôi rất muốn giới thiệu là OYO 658 Euro Gold House, lúc đầu chỉ đặt 3 đêm nhưng sau đó tôi lại ở tới 2 tuần. Ngoài việc giữ vệ sinh sạch sẽ, giường ngủ thoải mái thì khách sạn này có ban công tầng 4 rất tuyệt, thích hợp để ăn sáng hoặc thư giãn, ngắm hoàng hôn.

Sau 2 tuần, tôi chuyển tới Zalosea để ở gần biển hơn và ở một tháng. Đây là khách sạn 3 sao mới mở nên chất lượng rất ổn so với giá. Phòng rộng 20 m2 giá 200.000 đồng/đêm mà khách sạn chỉ cách biển 3 phút đi bộ, xung quanh lại nhiều nhà hàng, quán ăn và quầy bán trái cây tươi.

Nếu không ở khách sạn, các bạn có thể tìm trên các nhóm của hội ở expat (những người nước ngoài) ở Đà Nẵng) để thuê phòng hay nhà với giá 5 – 7 triệu đồng/ tháng.

Quay lại Đà Nẵng

Sau 1,5 tháng tôi mê mẩn thành phố này hơn cả Barcelona, nơi mình sống nhiều năm qua. Biển lý tưởng cho người mê lướt sóng, mùa đông nhưng tiết trời ấm áp, nhiều môn thể thao ngoài trời và đồ ăn ngon làm tôi thấy cuộc sống ở Đà Nẵng thật sinh động và đầy trải nghiệm.

Đặc biệt hơn, càng ở Đà Nẵng tôi càng nhận ra những con người nơi đây gắn kết rất bền chặt với gia đình. Ví dụ, những quán ăn địa phương đều được truyền từ đời này qua đời khác, và gia đình họ vẫn chung sống, làm việc cùng nhau. Tôi đã có thời gian rất tuyệt ở Đà Nẵng và chắc chắn sẽ sớm quay lại để khám phá thêm nơi này.

Theo Konstantin/Bored Panda

Nguồn