Hỗn loạn và bạo lực vây hãm sân bay Kabul

[ad_1]

Dòng người đổ đến sân bay Hamid Karzai ở Kabul ngày một tăng lên, cùng với đó là tình trạng bạo lực sau khi Taliban tiến vào thủ đô Afghanistan.

Ban đầu chỉ là vài trăm gia đình tập trung ở bùng binh bên ngoài cổng chính của sân bay Hamid Karzai khi Taliban bắt đầu tiến vào Kabul ngày 15/8. Hơn một tuần sau, hàng nghìn đàn ông, phụ nữ và trẻ em tuyệt vọng chờ đợi quanh trạm xăng, bãi đất hoang, các lùm cỏ và gần như bất cứ chỗ trống nào gần các cổng vào khu vực dân sự của sân bay.

Các tay súng Taliban tuần tra trên những tuyến đường dẫn đến sân bay Hamid Karzai, trong khi quân đội Mỹ và đồng minh, cùng các cựu thành viên lực lượng an ninh Afghanistan, canh gác cổng vào sân bay.

Con đường đầy bụi bị tắc nghẽn bởi những chiếc ôtô và xe kéo cùng những người đang cố áp sát cổng vào. Dòng người bất tận đang kêu gọi giúp đỡ từ binh sĩ nước ngoài, cựu binh sĩ Afghanistan và thậm chí cả Taliban. Phần lớn những lời kêu gọi không được lực lượng an ninh Afghanistan hoặc Taliban đáp ứng, thay vào đó là vũ lực.

Dân Afghanistan ngồi chờ bên ngoài sân bay Hamid Karzai ở thủ đô Kabul ngày 23/8. Ảnh:  Al Jazeera.

Dân Afghanistan ngồi chờ bên ngoài sân bay Hamid Karzai ở thủ đô Kabul ngày 23/8. Ảnh: Al Jazeera.

Taliban bị cáo buộc ngăn người dân Afghanistan tới sân bay, bắn chỉ thiên và dùng dùi cui buộc mọi người phải xếp hàng. Những người tìm cách tiếp cận lực lượng an ninh Afghanistan bị đẩy lùi một cách quyết liệt. Một số giơ súng bắn chỉ thiên hết đợt này đến đợt khác để giải tán đám đông. Các thành viên lực lượng an ninh Afghanistan được cho là vẫn chịu sự kiểm soát của quân đội Mỹ.

Một số nhân viên an ninh dùng ống nhựa màu vàng vụt vào những người đến quá gần hoặc ở đó quá lâu. Khi một nhóm nam giới đến gần và hỏi cần phải đi đâu, họ được đáp rằng “tiếp tục ra cổng”. “Chúng tôi đã làm vậy, họ bảo chúng tôi quay lại đây”, những người đàn ông này đáp.

Nhiều người liên tục di chuyển từ cổng này sang cổng khác bên ngoài sân bay, chỉ để hứng những trận đòn, nghe những tiếng súng chỉ thiên dưới ánh nắng mùa hè. Dòng người ngày càng đông, chen kín khoảng đất vài km vuông nằm giữa trụ sở Bộ Nội vụ Afghanistan và các cổng vào sân bay, làm nơi này dần trở nên giống các trại tị nạn.

Nhiều người đưa xe đẩy, xe bán tải và xe tải đến khu vực để bán nhiều thứ từ nước lạnh, soda đến cơm palow Afghanistan giá 0,58 USD một suất, bánh mì nhồi tỏi và khoai tây giá 0,12 USD một chiếc.

Sherzai là một trong những người bán hàng như vậy, người đàn ông này 5 ngày qua biến xe tải của mình thành cửa hàng di động phục vụ những người đang đói khát và mệt mỏi bên ngoài sân bay.

Khi dòng người kéo đến sân bay ngày càng đông, các thương nhân cũng đổ tới làm ăn. “Trước đây chỉ có vài người chúng tôi, song giờ nơi này đã trở thành một Mandawi thu nhỏ”, Sherzai nói, đề cập đến khu chợ trời lớn nhất thủ đô Kabul.

Các binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ (bên phải) đứng gác dọc theo hàng rào ngoài sân bay Hamid Karzai ở Kabul ngày 20/8. Ảnh: USMC.

Các binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ (bên phải) đứng gác dọc theo hàng rào ngoài sân bay Hamid Karzai ở Kabul ngày 20/8. Ảnh: USMC.

Song lợi nhuận đi kèm với những rủi ro. Sherzai và những người bán hàng nói rằng một trận đấu súng đã diễn ra chiều 22/8. Họ không chắc về nguyên nhân, song nói rằng dường như đó là trận đọ súng giữa lực lượng nước ngoài và người Afghanistan.

Ít nhất 7 người chết trong một vụ giẫm đạp ngày 22/8. Tới nay, tổng cộng khoảng 19 người đã thiệt mạng tại khu vực sân bay Hamid Karzai. Một số người cho biết đã xảy ra một vụ nổ súng rạng sáng 23/8, khiến một binh sĩ Afghanistan thiệt mạng, song có ít nhân chứng và chi tiết về những gì đã xảy ra.

Những sự cố trên là ví dụ điển hình cho những nguy hiểm rình rập các gia đình, gồm phụ nữ và trẻ em, đang hy vọng bằng cách nào đó rời khỏi Afghanistan.

Một người đàn ông hoảng loạn cho biết vợ con mình bị bỏ lại bên ngoài cổng phía bắc sân bay, trong khi một con gái của ông đã vào được bên trong. Một người đàn ông khác vẫy một tập tài liệu và nói rằng “tôi có thị thực, tại sao họ không cho tôi vào?”.

Taliban, lực lượng phụ trách an ninh vòng ngoài sân bay, nói rằng dân Afghanistan đang bị phương Tây đánh lừa. “Họ đổ xô đến vì nghe được rằng có thể đến Mỹ và châu Âu mà không cần giấy tờ, thị thực hay hộ chiếu. Họ đang bị lừa và tự hạ thấp bản thân vì điều hư cấu đó”, một nguồn tin Taliban cho biết.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 22/8 nói nỗ lực sơ tán dân thường khỏi Kabul là “một chiến dịch đáng kinh ngạc”, đề cập nguy cơ xảy ra một vụ tấn công của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gần sân bay.

Biden nói tiến trình sơ tán sẽ “rất khó khăn và đau đớn” song không còn cách nào khác, cho biết các chuyến bay của Mỹ từ 14/8 đưa khoảng 28.000 người ra khỏi Afghanistan. Biden không loại trừ việc gia hạn sơ tán sau thời hạn 31/8, dù Taliban cảnh báo về hậu quả nếu Mỹ làm vậy.

Người di tản ngồi trong khoang máy bay của không quân Đức tại sân bay ở thủ đô Kabul ngày 17/8. Ảnh: AP.

Người di tản ngồi trong khoang máy bay của không quân Đức tại sân bay ở thủ đô Kabul ngày 17/8. Ảnh: AP.

Bất chấp Taliban tuyên bố phương Tây đang “lừa dối”, nhiều người Afghanistan vẫn nuôi hy vọng có thể thoát khỏi cuộc sống ở Tiểu vương quốc Hồi giáo với một nền kinh tế đang suy thoái nhanh chóng. Nhiều người tuần qua đổ tới khu phố Wazir Akbar Khan, nơi có nhiều cơ sở ngoại giao nước ngoài, hỏi đường tới đại sứ quán Anh, Pháp và Canada.

Shirzai cho rằng hàng nghìn người đang xếp hàng chờ đợi bên ngoài sân bay đều là những người nghèo khổ nhất, đang cố gắng làm bất cứ điều gì để thoát khỏi nơi họ không nhìn thấy tương lai.

“Những người có tiền và quan hệ đều đã rời đi”, Shirzai nói, khi một vận tải cơ C-17 bay qua trên đầu. “Ở đất nước này, chỉ có người nghèo là phải trả giá”.

Nguyễn Tiến (Theo Al Jazeera)

[ad_2]