Hiệu trưởng muốn bỏ việc vì phải làm ‘cảnh sát Covid’

[ad_1]

AnhTrải qua các cuộc tranh luận độc hại với phụ huynh và đối mặt mối quan hệ rạn nứt với nhân viên, nhiều hiệu trưởng muốn bỏ việc.

Theo khảo sát 1.500 hiệu trưởng, khoảng 50% nhà lãnh đạo tiểu học và THCS ở Anh phải vật lộn đối phó với các nhóm nhỏ nhưng có tiếng nói từ phụ huynh, những người chống lại chủ trương tiêm vaccine, hoài nghi về Covid-19, hoặc không muốn cho con đi học lại. Căng thẳng này tiếp tục kéo dài sang năm học mới.

Hiệu trưởng một trường cấp hai cho biết, họ thường xuyên bị chỉ trích thậm tệ bởi những bậc cha mẹ có quan điểm cực đoan. Điều này khiến các hiệu trưởng tự hỏi liệu mình có nên tiếp tục làm việc với tư cách người đứng đầu.

Pat Thomson, một trong những tác giả của khảo sát và là giáo sư Đại học Nottingham, nhận định, đại dịch khiến tất cả căng thẳng, lo lắng, mỗi người đều giống như đang ở trong nồi áp suất, đối mặt áp lực khủng khiếp từ nhiều phía. “Nếu là người đứng đầu, bạn sẽ tự hào khi mọi thứ như một cỗ máy hoạt động trơn tru. Ngược lại, trong trường hợp không thể sắp xếp như mong muốn, điều đó sẽ làm phiền bạn”, ông nói.

Toby Greany, đồng tác giả khảo sát và cũng là lãnh đạo tại Đại học Nottingham, cho rằng cách chính phủ truyền đạt những thay đổi trong hướng dẫn phòng dịch gây ra vấn đề. “Thường thì các hiệu trưởng chỉ được tiếp cận thông tin theo cách giống như phụ huynh, nhưng các bậc cha mẹ lại muốn hiệu trưởng có thể giải đáp mọi thắc mắc cho mình”, ông nói.

Học sinh tại Anh. Ảnh: AP

Học sinh tại Anh. Ảnh: AP

Gần 1/4 số hiệu trưởng được khảo sát cho biết họ cảm thấy bị đại dịch “nhấn chìm”, và 2% cân nhắc bỏ cuộc. Những người dưới 46 tuổi được phỏng vấn thấy rằng đòi hỏi của công việc hiện tại không phù hợp với việc lập gia đình.

Claire, một hiệu trưởng ở Essex, cho biết bà làm việc tối thiểu 70 giờ mỗi tuần, từ 7h sáng đến 22h tối, không có cuối tuần và kỳ nghỉ. Do đó, Claire đã từ bỏ vai trò điều hành của mình. “Chúng tôi đã cố gắng vì muốn nhìn thấy trường học phát triển. Thế nhưng, tôi nghĩ chuyện cân bằng công việc với cuộc sống đã ở mức không ổn từ trước khi Covid xảy ra, giờ đại dịch còn khiến nó tệ hại hơn nữa”, bà nói.

Trong cuộc khảo sát của Hiệp hội giáo viên trường tiểu học tại Essex, được thực hiện vào tháng 11, 417 hiệu trưởng đánh giá mức độ cân bằng giữa công việc và cuộc sống của họ ở mức 3,6/10, và mức độ hạnh phúc trong vai trò hiện tại cũng chỉ 3,8. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc phải thông tin về dịch bệnh tới học sinh, giáo viên, trả lời phàn nàn của phụ huynh, đóng vai “cảnh sát Covid” tại các trường học.

“Mùa thu 2021 là nhiệm kỳ khó khăn nhất trong 17 năm làm lãnh đạo của tôi. Nó tồi tệ hơn bất cứ điều gì mà chúng tôi đã trải qua vào năm ngoái”, một hiệu trưởng cho hay.

Các nhà nghiên cứu tại Nottingham dự đoán sẽ có một đợt “di cư” của những người đứng đầu trong những năm tới, trừ khi chính phủ hỗ trợ nhiều hơn và ban hành các hướng dẫn một cách chuyên nghiệp, để họ cảm thấy mình có giá trị và được giảm bớt khối lượng công việc.

“Chúng ta có thể sẽ thấy một số lượng lớn hiệu trưởng giàu kinh nghiệm lựa chọn ra đi như một hệ quả sau hai năm đại dịch. Hai năm không phải là thời gian thích hợp để phán xét, đánh giá những gì họ đã cống hiến”, Greany nói.

Thanh Hằng (Theo The Guardian)

[ad_2]