Hiệp hội BĐS TP HCM kiến nghị không tăng khung giá đất 2020 – 2024


Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) vừa có văn bản đề nghị Chính phủ sớm ban hành khung giá đất giai đoạn 2020 – 2024. HoREA đề nghị Chính phủ xem xét, ban hành khung giá đất giai đoạn 2020 – 2024 trên cơ sở giữ nguyên mức giá giai đoạn 5 năm trước. Trong trường hợp buộc phải tăng, Hiệp hội đề nghị Chính phủ xem xét quyết định chỉ tăng khoảng 15% để không tác động nhiều đến môi trường thu hút đầu tư và nghĩa vụ của các cá nhân, hộ gia đình.


 


Hiệp hội đề nghị Chính phủ ban hành khung giá đất 2020 – 2024 vào giữa tháng 12 để các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có căn cứ pháp luật và đủ thời gian để xây dựng, ban hành bảng giá đất. 


 


Hiệp hội phân tích, điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất sẽ làm giá nhà ở sẽ tăng theo. Tiền sử dụng đất chiếm khoảng trên dưới 10% giá thành căn hộ nhà chung cư; trên dưới 30% giá thành nhà phố; trên dưới 50% giá thành biệt thự. Giá thành là căn cứ để chủ đầu tư quyết định giá bán sản phẩm nhà ở ra thị trường. Do vậy, khung giá đất, bảng giá đất tăng tất yếu sẽ tác động trực tiếp làm cho giá nhà tăng, dẫn đến khả năng người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.


 


Ngoài ra, khung giá đất, bảng giá đất còn tác động đến nghĩa vụ tài chính của cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp; quy mô giao dịch của thị trường bất động sản và môi trường đầu tư.


 


Khung giá đất được xây dựng 5 năm một lần. Đối với giai đoạn 2020 – 2024, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã có thông tin xem xét mức tăng. UBND TP Hà Nội đề xuất xem xét mức tăng bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024 bình quân 15% so với giai đoạn 5 năm trước thay vì 30% như kiến nghị ban đầu. Theo Cục Thuế Hà Nội, bảng giá các loại đất điều chỉnh tăng sẽ làm tăng thu cho ngân sách đối với các loại thuế, phí, tiền thuê đất tương ứng khoảng 3.810 tỷ đồng.


 


Còn TP HCM muốn ban hành bảng giá các loại đất bằng 41% giá thị trường sẽ được áp dụng trong giai đoạn 2020 – 2024. Giai đoạn 5 năm trước đó, bảng giá đất này chỉ bằng 15% giá thị trường, các loại đất phi nông nghiệp được xây dựng tương ứng 25% so với giá thị trường. Như vậy, bảng giá đất mới đã tăng gần gấp 3 so với ngưỡng cũ.  Mức tăng của bảng giá đất tại TP HCM cũng thấp hơn một số tỉnh thành khác như Long An, Bình Dương, Đồng Nai đều trên 70% so với giá thị trường. 


 


Khổng Chiêm


 




Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.



Nguồn