[ad_1]
Thông tin GoBear đóng cửa những ngày đầu năm 2021 khiến nhiều người ngạc nhiên bởi startup công nghệ tài chính Singapore vừa huy động thành công 17 triệu USD cách đây hơn nửa năm. GoBear còn là một cái tên khá đình đám tại Việt Nam khi tuyên bố doanh thu tăng trưởng 260% năm 2019.
GoBear ra mắt tại Việt Nam cuối năm 2016. Ảnh: TechInAsia. |
Định hướng sai trong Covid-19
Trong năm 2020, GoBear ra mắt một số sản phẩm bảo hiểm du lịch. Thế nhưng, khi việc di chuyển toàn cầu đóng băng, kế hoạch của GoBear cũng đổ bể. Công ty phải đẩy mạnh dịch vụ cho vay trên kênh số sau khi thâu tóm nhân hàng số AsiaKredit hồi tháng 5 năm ngoái. Cả hai khoản đầu tư trên, nếu thành công, sẽ giúp startup 6 năm tuổ trở thành một ứng dụng không chỉ dừng lại ở website so sánh.
Việc không thể gọi thêm vốn được xem là nguyên chính dẫn đến sự sụp đổ của GoBear. Các nhà đầu tư tỏ ra lo lắng khi Covid-19 tới mà startup lại muốn mở rộng. “Tôi nghĩ họ đã cố gắng làm quá nhiều thứ”, ông Vinod Nair, CEO và người sáng lập trang so sánh dịch vụ tài chính MoneySmart, nói với TechInAsia. “Công ty hoạt động ở 7 thị trường trong khu vực nhưng không đạt được vị trí số 1 hay số 2 ở bất kỳ thị trường nào”.
Argon, một nhà đầu tư của GoBear, chia sẻ: “Sau một vài cuộc thảo luận với nhau chúng tôi quyết định dừng vận hành và đóng cửa hoạt động kinh doanh”. Aegon là một công ty bảo hiểm nhân họ, hưu trí và quản lý tài sản đa quốc gia của Hà Lan.
GoBear là một trang so sánh giá, phí giống như MoneySmart, SingSaver, và ValueChampion. Họ giúp ngân hàng và các định chế tài chính có thêm khách hàng. Thông thường, công ty thu một khoảng phí cho mỗi khách hàng giới thiệu hoặc đăng ký thành công. Trong bối cảnh tình trạng thất nghiệp hoặc giảm lương, thưởng do dịch bệnh, việc mở thẻ tín dụng hoặc mua bảo hiểm là thứ cuối cùng mà nhiều người muốn làm.
Giao diện tiếng Việt ứng dụng GoBear. |
GoBear nói rằng, nhu cầu dịch vụ và sản phẩm tài chính yếu đi trong thời gian quá dài, đặc biệt là bảo hiểm du lịch khiến công ty đóng cửa. Và họ không phải cái tên duy nhất chịu ảnh hưởng. “Chúng tôi cũng gặp phải thách thức tương tự với GoBear khi nhu cầu tìm kiếm các sản phẩm tài chính giảm mạnh trong nửa đầu năm 2020”, ông Nair của MoneySmart chia sẻ.
Duckju Kang, CEO ValueChampion cũng đồng ý rằng một số sản phẩm đặc thù như thẻ tín dụng du lịch hay bảo hiểm du lịch giảm mạnh. Bảo hiểm là phân khúc chiếm một phần ba tổng doanh thu của ValueChampion. Mảng thẻ tín dụng chiếm phần tương tự, trong khi đó phần còn lại đến từ sản phẩm cho vay và đầu tư.
Các trang so sánh tài chính đòi hỏi một đội ngũ phát triển nội dung tốt để thu hút lưu lượng truy cập. Trong khi đó, đội ngũ marketing cũng cần có kinh nghiệm trong tối ưu nội dung và website cho các cỗ máy tìm kiếm. Ngoài ra, họ cần xây dựng các hệ thống giá thông minh để tối ưu biên lợi nhuận và giảm mức phí thâu tóm khách hàng về mức thấp nhất có thể. “GoBear có thể không đầu tư đủ để phát triển các năng lực này”, người đứng đầu MoneySmart nhận định.
Đúng sản phẩm nhưng sai thời điểm
Về cơ bản, GoBear giống nhiều trang so sánh giá khác, có nhiều thông tin và dữ liệu về người dùng. Nếu GoBear tận dụng các thông tin này và làm việc với các đối tác để xác định các khoảng trống của thị trường có thể tạo ra những sản phẩm hữu ích. Dù vậy, đây là chiến lược đòi hỏi rất nhiều đầu tư. Khi tung ra các sản phẩm của riêng mình, GoBear cũng đối đầu với các công ty bảo hiểm với sản phẩm tương tự.
CEO GoBear – Adrian Chng: Ảnh: GoBear. |
“Điều này không khác gì Amazon bán những dòng sản phẩm mang thương hiệu của chính mình. Để làm được, bạn cần có vị thế vững chắc trong mắt người dùng. Tôi không chắc GoBear đạt đến mức độ này”, một chuyên gia nói với TechInAsia.
“Chúng tôi tin rằng các trang so sánh tài chính sẽ biến đổi thành các nền tảng tài chính số toàn diện mà ở đó người dùng có thể dùng các công cụ so sánh để tìm các sản phẩm phù hợp trên một nền tảng duy nhất”, ông Aggarwal, CompareAsiaGroup nói.
Việc GoBear ra mắt quá nhiều sản phẩm bên ngoài mảng kinh doanh cốt lõi khiến việc chuyển đổi thêm nhiều thách thức. “Ban đầu, họ là một khu chợ tài chính kết nối sản phẩm với người dùng. Đến năm 2019, họ mở rộng sang mảng bảo hiểm và sau đó là cho vay. Theo tôi, GoBear mất đi tính tập trung”, ông nhận định.
Khi đại dịch bùng phát, các đối thủ của GoBear “nhẹ nhàng” chuyển nguồn lực vào các sản phẩm như thẻ tín dụng và cho vay. Ngược lại, GoBear ra mắt tới 2 sản phẩm bảo hiểm du lịch là Go Travel (hợp tác cùng Chubb) và Travel Buddy (hợp tác cùng Aliianz). GoBear cũng trình làng bảo hiểm làm việc từ xa để bảo vệ người dùng khỏi các rủi ro về an ninh mạng.
Hồi tháng 9, công ty sa thải 10% nhân sự đồng thời tập trung vào mảng cho vay và bảo hiểm trên kênh số để kiểm soát chi phí. Nỗ lực đã đến quá muộn.
Trong chia sẻ với truyền thông, ông Chng, CEO GoBear, nói rằng ông biết ơn tất cả những đóng góp của nhân viên và đối tác.
Thành Dương (theo TechInAsia)
[ad_2]