Giáo sư ngành Y lấy bằng tiến sĩ Vật lý ở tuổi 89

[ad_1]

MỹĐã có bằng bác sĩ Y khoa, tiến sĩ Hóa sinh sau nhiều thập kỷ cống hiến, ở tuổi 89, Manfred Steiner trở thành nhà vật lý như ông mong muốn.

Ngày 15/9, Steiner bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ tại khoa Vật lý, Đại học Brown. “Tôi luôn muốn trở thành nhà Vật lý. Đó là giấc mơ từ thơ ấu”, ông nói.

Steiner sinh ra ở Vienna, Áo. Tốt nghiệp trung học, ông biết đam mê thực sự của mình là Vật lý. Và dù học xuất sắc môn này, Steiner quyết định theo ngành Y như lời khuyên của chú và mẹ. Chú ông là bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng, từng dạy học ở Mỹ. Cả chú và mẹ ông đều cho rằng ngành Y là lựa chọn tốt nhất trong những năm tháng đầy biến động sau chiến tranh. Chính Steiner cũng tự thuyết phục bản thân với ý nghĩ “họ lớn tuổi hơn và khôn ngoan hơn” để rồi đã làm theo lời khuyên đó.

Học ngành Y và lấy bằng bác sĩ y khoa vào 1955 tại Đại học Vienna, ngay sau khi tốt nghiệp, ông đến Washington D.C để hoàn thành khóa đào tạo ban đầu chuyên về nội khoa. Tiếp đến, ông làm thực tập sinh, học chuyên sâu về huyết học tại Đại học Tufts dưới sự hướng dẫn của TS William Damashek, người được Hiệp hội Huyết học Mỹ mô tả là “nhà huyết học lâm sàng ưu việt của Mỹ” thời bấy giờ. Trong thời gian đó, ông tham gia khóa đào tạo ba năm về sinh học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và đã lấy bằng tiến sĩ Hóa sinh vào 1967.

Steiner chuyển đến Rhode Island khi được mời giảng dạy về huyết học trong chương trình Y khoa mới được thành lập tại Đại học Brown (nay là trường Y Warren Alpert). Năm 1968, ông được bổ nhiệm làm Assistant Professor (giáo sư phụ tá, nhưng vẫn nghiên cứu độc lập), rồi được bổ nhiệm làm giáo sư chính thức sau đó 10 năm.

Năm 1985, Steiner làm trưởng khoa huyết học của trường Y và giữ vị trí này đến 1994. Khi sắp nghỉ hưu, một cộng sự, trưởng khoa Huyết học tại Đại học Bắc Carolina, Greenville đề nghị ông tham gia thiết lập chương trình nghiên cứu về huyết học. Vì vậy, đến năm 2000, khi nghỉ việc, ông mới trở lại Rhode Island.

Manfred Steiner, 89 tuổi, vừa lấy bằng tiến sĩ Vật lý từ Đại học Brown. Ảnh: Nick Dentamaro/Brown University

Manfred Steiner, 89 tuổi, vừa lấy bằng tiến sĩ Vật lý từ Đại học Brown. Ảnh: Nick Dentamaro/Brown University

Nhiều thập kỷ học tập và làm việc trong ngành Y, nhưng đam mê vật lý của Steiner chưa bao giờ nguôi ngoai. “Ngay cả khi còn học Y, tôi đã thỉnh thoảng đến nghe các bài giảng của nhà vật lý nổi tiếng Walter Thirring. Những bài giảng của ông luôn làm tôi mê mẩn. Tôi bị thu hút bởi vật lý lượng tử và ước mình có thể đi sâu hơn vào vấn đề này”, Steiner nói.

Dù đam mê âm ỉ, Steiner không thể theo Vật lý như mong muốn bởi ý nghĩ “không thể bỏ y học giữa chừng, phải thực sự phải cống hiến cuộc đời mình cho ngành này”.

Nhưng trong suốt sự nghiệp y khoa lâu dài, Steiner chưa bao giờ ngừng nghĩ về Vật lý để rồi lúc sắp tuổi 70, ông quyết định bước chân vào thế giới này bằng cách theo học ở MIT. Sau đó, do vấn đề đi lại, Steiner quyết định chuyển sang chương trình Vật lý tại Đại học Brown, nơi ông từng làm việc.

Steiner ghi danh vào Brown với tư cách sinh viên đặc biệt vào năm 2000. “Tôi đã giới thiệu bản thân với các giáo viên và họ nói tôi thậm chí lớn tuổi hơn cả họ. Họ rất vui khi có tôi trong lớp”. Steiner chia sẻ. Dù hơn nhiều tuổi so với các bạn, Steiner cho biết sinh viên khác cũng rất yêu quý và đối xử tốt với ông.

Steiner không có ý định lấy bằng tiến sĩ Vật lý khi bắt đầu theo học ở Brown mà chỉ muốn thỏa đam mê và giúp đầu óc luôn minh mẫn. Tuy nhiên, đến mùa xuân năm 2007, ông hoàn thành đủ các lớp để được nhận vào học bậc tiến sĩ.

“Tôi mất khá nhiều thời gian để hoàn thành bậc đại học bởi chỉ học được một hoặc hai lớp mỗi kỳ do vấn đề về sức khỏe, nhưng cuối cùng tôi đã hoàn thành tất cả yêu cầu”, Steiner nói.

Sau khi nhập học chương trình tiến sĩ, Steiner bắt đầu tìm kiếm người hướng dẫn làm luận văn. Ban đầu, ông xem xét lĩnh vực vật lý hạt nhân nhưng nghĩ rằng nó có thể khiến ông phải xa gia đình. Vì vậy, ông gặp Brad Marston, một nhà khoa học trong lĩnh vực vật lý vật chất ngưng tụ, để đề đạt nguyện vọng.

Marston nhớ lại, ban đầu đã tỏ ra nghi ngờ khi được một sinh viên cao học lại lớn tuổi nhờ hướng dẫn. “Thành thật mà nói, tôi đã nghi ngờ vì mọi người không thường làm Vật lý, đặc biệt là Vật lý lý thuyết ở tuổi cao như vậy. Nhưng trong một phút yếu lòng, tôi đã đồng ý. Tôi biết câu chuyện của ông ấy và rất đồng cảm với mong muốn thực hiện ước mơ cả đời của Steiner”, Marston nói.

Cái gật đầu của Marston không khiến ông phải hối hận khi Steiner vượt qua được đề tài nghiên cứu đầy thách thức mà ông giao cho. Hiện, cả hai cùng làm việc với nhau để có thể công bố một số kết quả trong luận văn của Steiner.

GS James Valles, người tham gia vào quá trình đọc luận văn của Steiner, coi ông là nhân vật truyền cảm hứng. “Tôi nhớ đã gặp Steiner ở hành lang khi ông học đại học. Ông ấy không hề nao núng về việc muốn làm nhà vật lý. Sự hào hứng của ông ở lĩnh vực này, với tư cách là người đã có sự nghiệp xuất sắc trong một lĩnh vực khác, như một khẳng định ước mơ cả đời đó”, Valles nói và mô tả làm việc với Steiner “thực sự thú vị”, “lý thuyết mà ông ấy đang làm liên quan đến các kỹ thuật cực kỳ tiên tiến và đầy thách thức”.

Đã bảo vệ thành công luận văn và hoàn thành tất cả yêu cầu đối với bằng tiến sĩ Vật lý, Steiner cảm thấy “thực sự tuyệt vời”. Bất chấp những thành tựu đã đạt được trước đó, Steiner cho rằng bằng tiến sĩ Vật lý là điều mà ông trân trọng nhất vì đó là thứ ông phấn đấu cả đời.

“Dù đã lớn tuổi, tôi vẫn muốn tiếp tục với Vật lý. Ngay cả sau khi viết và xuất bản bài báo về một số kết quả trong luận văn, tôi muốn tiếp tục những nghiên cứu của mình. Tôi luôn cố gắng giữ cho bộ não nhạy bén và Vật lý chắc chắn giúp tôi làm được điều đó”, Steiner nói, tin rằng mình vẫn còn nhiều điều để cống hiến.

Khi được hỏi về quyết định học ngành Y trong quá khứ, Steiner thừa nhận đôi khi ông cũng tự hỏi liệu cuộc đời mình có thể khác đi như thế nào nếu bỏ qua lời khuyên của chú và mẹ. Tuy nhiên, ông không hối hận. “Đó là lựa chọn tốt và tôi đã có nhiều người bạn tuyệt vời. Tôi đã rất hạnh phúc khi làm trong ngành Y. Nhưng Vật lý luôn ở trong tôi”, Steiner nói.

Cho rằng những người sắp nghỉ hưu nên làm những gì tùy thích, Steiner không thể tưởng tượng được bản thân sẽ dành những ngày tháng về già để đi chơi golf. Ông khuyên những người lớn tuổi không nên lãng phí thời gian, kinh nghiệm mà cần làm gì đó để mang lại lợi ích cho thế hệ trẻ. Với những người trẻ, Steiner khuyên nên theo đuổi ước mơ để không phải hối tiếc.

“Nếu có một ước mơ, hãy theo đuổi nó”, Steiner nói.

Dương Tâm (Theo Brown University)

[ad_2]