Giải bài toán nhân lực, ‘lấp’ khoảng trống chính sách cho Fintech

Giải bài toán nhân lực, ‘lấp’ khoảng trống chính sách cho Fintech

Vân Phong

(TBKTSG Online) – Ngân hàng, đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước phải sở hữu những nhân sự đáp ứng được ba yếu tố – hiểu biết về tài chính, có kỹ năng công nghệ thông tin và ngoại ngữ – mới có thể giải bài toán về khoảng trống chính sách, giúp thị trường Fintech Việt Nam phát triển, theo các chuyên gia.

https://www.thesaigontimes.vn/
Tổng quan hệ sinh thái Fintech Việt Nam năm 2019. Nguồn: Ngân hàng Nhà nước.

Khoảng trống chính sách Fintech

Chia sẻ tại một hội thảo, TS Hà Huy Tuấn – Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia – đã đề cập tới các tác động của Fintech có khả năng biến đổi ngành dịch vụ tài chính và đồng thời đem đến rủi ro nhiều chiều không chỉ đối với ngân hàng mà còn với những cơ quan giám sát và người tiêu dùng.
Để hạn chế các rủi ro, nhiều quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia đã chấp nhận Fintech và liên tục ban hành các khung khổ pháp lý cụ thể về thử nghiệm, quản lý, cơ chế phối hợp và bảo vệ người tiêu dùng từ năm 2015.

Nhưng theo ông Tuấn, chính sách về Fintech của Việt Nam vẫn đang dừng ở việc xác lập định hướng chung và đưa ra nguyên tắc, chứ chưa có quy định pháp lý cụ thể, chi tiết. Theo đó, mới chỉ có một số đề án mang tính vĩ mô và quy định về thanh toán, gồm: Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến  2025; Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 – 2020; Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo

Còn khung khổ pháp lý nhằm quy định rõ các nội dung, gồm: Bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn của sản phẩm/dịch vụ; Mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, các điều kiện thành lập và hoạt động của công ty Fintech; Bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm tài chính, bảo vệ thông tin cá nhân hiện gần như chưa có.

Vì vậy, ông Tuấn cho rằng việc quan trọng nhất trước mắt là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho Fintech – đặc biệt ưu tiên xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho các doanh nghiệp Fintech hiện có.

Ông Nghiêm Thanh Sơn – Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước – cho biết, dự kiến các fintech sẽ được tham gia thử nghiệm hoạt động trong lĩnh vực thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng, hỗ trợ định danh khách hàng, giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), các giải pháp ứng dụng đổi mới sáng tạo như blockchain, các dịch vụ khác hỗ trợ hoạt động ngân hàng, gồm: chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn – theo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng sắp được NHNN trình Thủ tướng.
“Công tác xây dựng pháp luật về hoạt động thanh toán đang bám sát kế hoạch”, ông Sơn chia sẻ tại buổi họp báo mới đây.

Từ góc nhìn của một chuyên gia công nghệ trong lĩnh vực tài chính, ông Lý Văn Bảo – Giám đốc Công nghệ của ZeroTech – cho rằng, cơ sở pháp lý luôn đi sau công nghệ bởi công nghệ thay đổi rất nhanh – chỉ cần từ sáu tháng tới một năm đã tạo ra một sự thay đổi lớn. Còn pháp luật sinh ra là để trợ giúp, tạo hành lang pháp lý cho công nghệ phát triển chứ không phải để ngăn chặn công nghệ. Vì vậy, cơ sở pháp lý sẽ dần tạo hành lang là điều kiện để những ứng dụng có ích cho xã hội, phát triển cộng đồng và đóng góp cho nền kinh tế.

Nhưng từ góc độ kinh doanh, ông Bảo nhận định doanh nghiệp không thể chờ có khung pháp lý mới đi làm công nghệ vì nếu như vậy sẽ không bao giờ có khung pháp lý hoàn thiện cho công nghệ.

Thiếu nhân lực hiểu về tài chính, giỏi ngoại ngữ và IT

Ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng thuộc Ngân hàng nhà nước – cho biết, theo khảo sát, nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho ngành Fintech từ các ngân hàng cũng như cơ quan quản lý nhà nước là rất lớn.
“Nhân sự Fintech phải đáp ứng ba yêu cầu: hiểu biết về tài chính, có kỹ năng IT và ngoại ngữ. Nhưng số lượng nhân sự đáp ứng được cả ba yêu cầu hiện rất ít”, ông Hoè chia sẻ với TBKTSG Online.

Thậm chí, ngay chính các cơ quan xây dựng khung pháp lý cho Fintech cũng thiếu nhân sự cũng không am hiểu nhiều về lĩnh vực này. Vì vậy dù muốn, họ chưa thể bắt kịp với những mô hình sáng tạo mới, dẫn tới tư duy “không quản được thì cấm” từng xuất hiện ở một số cơ quan, đơn vị, theo ông Hoè.

Chuyên gia này đưa ra các đề xuất trong vấn đề đào tạo nhân lực theo hướng tiếp cận từ cả hai phía – một bên là ngân hàng và các định chế tài chính cần chủ động đào tạo, đào tạo lại để thích nghi với những biến đổi vô cùng lớn của ngành. Một bên là các trường đại học cần nắm bắt xu hướng thay đổi mạnh mẽ của thị trường để điều chỉnh định hướng, chương trình đào tạo. Đồng thời, cả hai bên cần thiết lập mối quan hệ liên kết gần gũi hơn để có hiệu quả nhân lực cao hơn.

Ông Hoè dự báo, thị trường Fintech Việt Nam sẽ phát triển nhanh chóng trong 3-5 năm tới, nếu có thể giải hai bài toán về khung chính sách và nguồn nhân lực chất lượng cao cho Fintech.
Tương tự, TS Ngô Tự Lập – Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội – cho biết, Việt Nam thiếu ba yếu tố để phát triển thị trường Fintech, gồm: công nghệ, nhân sự và khung pháp lý.

“Nhân sự cho thị trường là vấn đề khó giải quyết nhất vì chúng ta phải truyền đạt kiến thức và tinh thần đổi mới, sáng tạo tới họ – những người làm việc tại khu vực công, ngân hàng, doanh nghiệp – từ đó tạo ra tác động tới hàng lang pháp lý của Fintech”, ông Lập chia sẻ.

Nhằm giải quyết bài toán nhân sự cho thị trường Fintech Việt Nam ông Lập cho biết Viện Quốc tế Pháp ngữ sẽ triển khai chương trình đào tạo thạc sĩ Fintech nhằm cung cấp cho người học những kiến thức chuyên sâu ở lĩnh vực ngân hàng và tài chính, cùng kỹ năng ứng dụng các công cụ Fintech trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng và tinh thần khởi nghiệp.

“Người học sẽ được đào tạo theo giáo trình của các trường đại học ở Anh – một trong những những trung tâm tài chính của thế giới. Kinh nghiệm, kiến thức và tinh thần của họ sẽ tạo ra những nhân sự đủ sức kiến tạo, phát triển thị trường Fintech Việt Nam những năm tới”, ông Lập kỳ vọng.

Trước đó, Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) đã ra mắt phòng thí nghiệm chuyên ngành Fintech Lab (Financial Technology Lab) với định hướng trở thành phòng thí nghiệm trọng điểm của Đại học Quốc gia Hà Nội, tập trung vào phát triển một số lĩnh vực, gồm: Nghiên cứu ứng dụng; Đào tạo ngắn hạn, dài hạn chương trình Thạc sĩ Ngân hàng, Tài chính và Công nghệ tài chính; Tư vấn-chuyển giao công nghệ.

Thị trường Việt Nam có khoảng 150 công ty Fintech đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau tính tới cuối năm 2019, theo Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, lĩnh vực thanh toán (Payment) thu hút 60,526% tổng số công ty Fintech trên thị trường Việt Nam tham gia, tiếp đến lĩnh vực Crowdfunding với tỷ trọng 10,526%. Còn các lĩnh vực Bitcoin/Blockchain, POS/mPOS Management, Data Management, Personal Fiance, Lending và Comparision sites chiếm tỷ trọng tương ứng là 7,895%, 5,263%, 5,263%, 5,263%, 2,632% và 2,632%.

 



Nguồn