Giá ngoại tệ ngày 9.12: Bảng Anh tăng vụt, USD giảm | Tài chính – Kinh doanh

Eximbank mua GBP với giá lên 30.283 đồng, bán ra 30.702 đồng; giá mua GBP tại Vietcombank lên 30.091 đồng, bán ra 30.603 đồng…
Giá GBP tăng mạnh do trên thị trường thế giới đồng tiền này đang tăng cao nhất trong vòng 31 tháng qua so với euro và chạm đỉnh 7 tháng so với USD. Tỷ giá GBP/USD tăng 0,20% lên 1,3162. Thị trường đặt niềm tin Đảng Bảo thủ sẽ chiến thắng và chấm dứt tê liệt chính trị đối với Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu).
Giá USD vẫn đang neo ở mức cao, chỉ số USD-Index chiều 9.12 ở mức 97,6 điểm (giảm 0,1 điểm so với sáng 9.12). Đồng bạc xanh trong nước diễn biến trái chiều giữa trong và ngoài hệ thống ngân hàng. Một số ngân hàng thương mại giảm giá USD 5 đồng so với buổi sáng, giá mua USD tại Eximbank còn 23.105 đồng, bán ra 23.215 đồng. Trong khi giá USD tự do tăng từ 10 – 20 đồng, trong đó giá mua có chiều hướng tăng nhanh hơn so với giá bán. Giá mua USD tự do lên 23.220 đồng, bán ra 23.230 đồng.
Theo Công ty CP chứng khoán SSI, đồng tiền của các nước chịu nhiều ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc, chẳng hạn như EUR, KWR, SGD, TWD… giảm giá sau bước tăng rất mạnh vào tháng 10. Các thông tin liên quan đến thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung vẫn khó lường và vì vậy thị trường tài chính, tiền tệ vẫn có thể có biến động mạnh trong tháng 12. Trường hợp Mỹ – Trung đạt được thỏa thuận “tối thiểu” thị trường sẽ chú ý nhiều hơn đến các chỉ số kinh tế và động thái từ các ngân hàng trung ương. Với dự báo đa phần các quốc gia ngoài Mỹ đều tăng trưởng chậm lại, đồng USD nhiều khả năng sẽ được giữ giá.
Đối với thị trường ngoại tệ trong nước, SSI cho rằng dù rằng tỷ giá có biến động trái chiều ở ngân hàng và tự do nhưng biên độ dao động nhỏ và vẫn ổn định. Động thái Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm giá mua USD về 23.175 đồng, theo SSI có thể lực hút ngoại tệ về NHNN có thể giảm bớt sau khi tăng dự trữ ngoại hối lên 73 tỉ USD, gián tiếp đẩy nguồn cung ngoại tệ ở lại thị trường trong giai đoạn cao điểm cuối năm. Đồng thời, đây cũng tạo tín hiệu về chính sách quản lý linh hoạt, có tăng, có giảm không chỉ cho các thành viên thị trường mà cho cả các cơ quan nước ngoài khi đánh giá về chủ trương điều hành tỷ giá của Việt Nam.
Thời điểm cuối năm, có nhiều yếu tố tác động lên tỷ giá, như cầu ngoại tệ tăng cao phục vụ nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, thặng dư thương mại giảm mạnh, trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại cũng bớt dồi dào do đã bán một lượng lớn ngoại tệ về NHNN sẽ tạo áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, chênh lệch lãi suất VND-USD trên liên ngân hàng nới rộng, dòng kiều hối và ngoại tệ từ các giao dịch hợp tác kinh doanh, bán vốn vẫn tích cực sẽ hỗ trợ neo giữ tỷ giá. SSI dự báo tỷ giá năm 2019 sẽ thấp hơn hoặc bằng năm 2018. Qua năm 2020, tỷ giá có thể sẽ điều chỉnh từ 1 – 2%.

 



Nguồn