Đường ‘Nhuệ’ khai bị mang tiếng ‘ăn tiền trên xác chết’

[ad_1]

Thái BìnhNguyễn Xuân Đường (Đường “Nhuệ”) 5 lần nói “bị mang tiếng là kền kền ăn xác chết”, xin tòa bác cáo trạng truy tố đã cưỡng đoạt tài sản của các cơ sở dịch vụ hoả táng.

Chiều 17/11 tại TAND tỉnh Thái Bình, Đường (Đường “Nhuệ”), 40 tuổi, bị cách ly khi xét hỏi trong vụ án cưỡng đoạt gần 2,5 tỷ đồng tiền hỏa táng.

8 luật sư đã quay lại sau khi đồng loạt bỏ về trong buổi sáng vì cho rằng tòa án vi phạm tố tụng trong quá trình triệu tập. Một luật sư giải thích do “không thống nhất được với nhau về cách thức phản đối HĐXX nên phải tiếp tục tham gia phiên tòa”.

Tại phần xét hỏi, nhóm đàn em của Đường khai năm 2017, nhận chỉ đạo của Đường đã “mời” chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ hỏa táng tại Thái Bình họp 2 lần để thành lập Hiệp hội tang lễ Thái Bình. Nhóm của Đường thỏa thuận phân chia địa bàn hoạt động, thu của các cơ sở 500.000 đồng/ca hỏa táng

Bị hỏi về thoả thuận này, Nguyễn Mạnh Tiến (Tiến “Trắng”), 26 tuổi, trình bày ngắn gọn: “Bị cáo im lặng, chỉ xin 20 năm tù thôi ạ”. Tiến xin bỏ thông tin là con nuôi Đường “Nhuệ” được ghi trong cáo trạng bởi giờ đã “dứt tình cạn nghĩa, xanh chín luôn”.

Sau Tiến, Đường khai cáo trạng có nhiều điểm không đúng. Thứ nhất, thông tin về việc bị cáo Phạm Văn Úy, 32 tuổi (thư ký của vợ Đường) kiểm đếm tiền hỏa táng giúp anh ta từ tháng 5 đến 12/2019 là sai, vì “lúc đó Úy đang ở trong tù”.

Thứ hai, cáo trạng từ trang thứ 3 viết Tô Văn Sơn, 47 tuổi, giúp anh ta đe dọa đại diện Đài hóa thân Nam Định tại Thái Bình. Tuy nhiên tại phần cuối, cáo trạng ghi Sơn chỉ xuất hiện một lần ở buổi họp tại quán cà phê và “không có lời nói, hành động gì” nên không bị xử lý.

Đường cho rằng với hai “cái sai” trên, cáo trạng “làm sao kết tội được?”. Bị cáo 40 tuổi vì thế mong chủ tọa công minh sẽ bác bỏ mọi cáo buộc để không bị “cả nước nghĩ oan là kền kền ăn xác chết”. Những người được xác định là bị hại thực ra là “đối tác làm ăn”, Đường nói.

Chủ tọa sau đó nhắc nhở bị cáo Đường đây là phần xét hỏi, các quan điểm sẽ được trình bày trong phần tranh luận.

Đường Nhuệ (áo khoác đen) và các bị cáo tại tòa. Ảnh: Song Minh

Đường “Nhuệ” (áo khoác đen) và các bị cáo tại tòa. Ảnh: Song Minh

Vợ Đường, bị cáo Nguyễn Thị Dương, 41 tuổi, thừa nhận ký một số hợp đồng nguyên tắc giữa Công ty Dương Đường với các cơ sở dịch vụ tang lễ ở Thái Bình để thu 500.000 đồng/ca hỏa táng. Ngoài ký hợp đồng, Dương bị cáo buộc 2 lần nhận tiền “bảo kê” hỏa táng, tổng cộng gần 100 triệu đồng.

Dương khai chỉ kinh doanh bất động sản, không biết chồng “làm thêm dịch vụ hỏa táng”. Do tin tưởng và muốn Đường làm ăn được nên ký vào hợp đồng với các cơ sở tang lễ dù “không đọc, không biết nội dung”.

Dương do đó cho rằng chỉ vi phạm “luật doanh nghiệp, không phải tội cưỡng đoạt”. “Không có bị cáo, Hiệp hội tang lễ Thái Bình vẫn hoạt động giống như hôm nay không có luật sư thì tòa vẫn xử”.

Nữ bị cáo khẳng định “luôn đặt tâm tình lên trên công việc nên sẽ không bao giờ làm mất danh dự bản thân chỉ vì mấy chục triệu đồng”.

Cáo trạng xác định Đường cùng đồng phạm buộc các cơ sở dịch vụ tang lễ ở Thái Bình phải nộp cho anh ta 500.000 đồng/ca hỏa táng. Ai chống đối sẽ bị đe doạ, chặn xe, đánh người. Từ năm 2017 đến 2020, nhóm này thu gần 2,5 tỷ đồng tiền bảo kê hỏa táng của 25 cơ sở dịch vụ.

Đường bị bắt tháng 4/2020 và phải chịu 7 năm tù trong 3 vụ án vừa được xét xử. Trong phiên toà khai mạc hôm nay, vợ chồng Đường và Tiến “Trắng” cùng Ninh Đức Lợi, 47 tuổi; Phạm Văn Úy, 32 tuổi; Nguyễn Khắc Nin, 42 tuổi; Quách Việt Cường, 47 tuổi; bị xét xử về tội Cưỡng đoạt tài sản, theo Điều 170 Bộ luật Hình sự.

Ngày mai, phiên toà tiếp tục làm việc.

Song Minh

[ad_2]