Dự kiến quy trình cấp giấy đi đường của Công an Hà Nội

[ad_1]

Mẫu giấy đi đường mới sẽ được nhận diện thông qua mã QR Code, do Công an thành phố Hà Nội chủ trì cấp.

Công an Hà Nội đang dự kiến về quy trình cấp giấy cho các nhóm được cấp giấy khác nhau. Cụ thể:

Với cá nhân

– Cá nhân liên hệ trực tiếp với công an xã, phường hoặc liên lạc qua cảnh sát khu vực nơi cư trú.

– Công an xã, phường sau khi tiếp nhận sẽ hướng dẫn công dân về thủ tục, hồ sơ để họ gửi văn bản đề nghị cấp giấy đi đường qua địa chỉ cung cấp.

– Công an xã, phường căn cứ vào hồ sơ của công dân gửi để xét duyệt đồng ý hoặc không đồng ý và gửi mail thông báo cho họ.

– Trưởng công an xã, phường duyệt, đóng dấu và trả kết quả thông qua cảnh sát khu vực.

Với tổ chức thực hiện nhiệm vụ công

– Các tổ chức liên hệ gửi hồ sơ cấp giấy đi đường về cơ quan chủ quản có liên quan (ví dụ, Sở Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng…).

– Cơ quan chủ quản căn cứ trường hợp được quy định để đồng ý hoặc không đồng ý rồi gửi email cho tổ chức, hướng dẫn họ gửi hồ sơ về Công an Thành phố.

– Công an Thành phố duyệt giấy đi đường, đóng dấu và chuyển giấy về cơ quan chủ quản.

– Cơ quan chủ quản chuyển giấy đi đường cho tổ chức.

Cảnh sát kiểm tra giấy đi đường ở Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

Cảnh sát kiểm tra giấy đi đường ở Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Quy trình cấp thẻ đi chợ, siêu thị

– Cảnh sát khu vực lập danh sách các hộ gia đình theo địa bàn quản lý sau đó gửi lên cho cán bộ UBND xã, phường để họ xét duyệt hoặc từ chối.

– Cán bộ UBND xã, phường sau khi duyệt sẽ gửi lại thẻ đi chợ cho Công an xã, phường đóng dấu xác nhận.

– Cảnh sát khu vực gửi lại thẻ đi chợ đã được đóng dấu cho đại diện hộ gia đình theo địa bàn quản lý.

Công an Hà Nội cũng dự kiến 6 nhóm được cấp giấy đi đường gồm: Cá nhân thực hiện nhiệm vụ chính trị, công vụ; Công nhân viên, người lao động làm việc trong cơ quan, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ công thiết yếu; Người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch; Phóng viên, biên tập viên; Người thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc; Tổ chức, cá nhân thực hiện công vụ, công ích thiết yếu.

Trong số này, 4 nhóm thẩm quyền cấp giấy thuộc về Công an phường, xã; hai nhóm là người thực hiện công vụ, người làm việc trong doanh nghiệp dịch vụ công thiết yếu sẽ do Công an thành phố cấp giấy.

Sau đợt giãn cách thứ ba (ngày 6/9), Hà Nội sẽ thiết lập ba vùng, chia theo mức độ nguy cơ và đặc điểm địa lý – dân cư – sinh hoạt – sản xuất. “Vùng đỏ” có nguy cơ rất cao sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao hơn Chỉ thị 16 với nguyên tắc “ai đâu ở đó”, dập dịch triệt để. Tại các khu vực nguy cơ cao “vùng cam” và nguy cơ thấp hơn là “vùng xanh”, thành phố điều chỉnh biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15 để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ “vùng đỏ”.

Phạm Dự