Động lực vào Harvard của nam sinh gốc Việt có bố mẹ khiếm thính

[ad_1]

MỹVới Cody Chou, bố mẹ là người truyền cảm hứng tích cực và mạnh mẽ, giúp cậu tiến lên phía trước và đạt được thành quả trong học tập.

Khi Cody Chou, ở thành phố Houston, bang Texas, bắt đầu nhận được thư chấp nhận của các trường đại học, cậu liên tục rơi vào trạng thái sốc và hoài nghi lẫn lộn. Vì danh sách các trường ngày càng dài. Cậu được nhận vào tất cả 8 trường Ivy League và nhiều đại học danh tiếng khác.

“Tôi nghĩ đó là sự pha trộn của sốc, hoài nghi, hạnh phúc và niềm vui bởi vì tôi đã làm được”, Cody nhớ lại.

Các trường trong nhóm Ivy League gồm Đại học Brown, Columbia, Cornell, Dartmouth, Harvard, Pennsylvania, Princeton và Yale nổi tiếng về học thuật, khả năng nhận diện tên tuổi nhanh chóng và mạng lưới cựu sinh viên có tầm ảnh hưởng sâu rộng.

Đại học Harvard, nơi Cody nhập học hồi tháng 9, có tỷ lệ chấp nhận vào học chỉ 3,4% trong kỳ tuyển sinh năm nay. Việc được tất cả trường Ivy League chấp nhận là chuyện hiếm có và thành tích này giúp Cody vào nhóm ưu tú gồm các sinh viên tài năng sẵn sàng đóng góp lớn cho thế giới sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra, Chou mới đây còn giành được học bổng Gates Scholarship – trao cho chỉ 300 học sinh trên toàn nước Mỹ mỗi năm.

Cody Chou hiện là sinh viên Đại học Harvard. Ảnh: Springisd

Cody Chou hiện là sinh viên Đại học Harvard. Ảnh: Springisd

Cody mang hai dòng máu Việt Nam và Hong Kong, là người đầu tiên trong gia đình học đại học. Với Cody, bố mẹ là những người đã truyền cảm hứng tích cực và mạnh mẽ cho cậu.

“Họ là những người khiếm thính bẩm sinh. Vì thế tôi thực sự yêu văn hóa của người khiếm thính và cộng đồng khiếm thính ở Houston”, Cody giải thích.

Theo Cody, sống trong gia đình có bố mẹ khiếm thính là một “trải nghiệm độc nhất vô nhị” bởi nhờ đó, cậu biết thế giới của họ như thế nào và thế giới của người bình thường ra sao. Việc nhìn thấy những điểm khác biệt này càng khiến Cody trân trọng bản thân khi sinh ra là một người bình thường.

Chính những trải nghiệm tại nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa – Mỹ và châu Á, người nghe và người khiếm thính, đã mang lại cho Cody sự cởi mở và niềm hy vọng, thúc đẩy cậu tiến về phía trước, luôn tìm kiếm những cách thức mới để phát triển, học hỏi và hỗ trợ những người khác.

Nam sinh cho hay cha mẹ luôn động viên và cho cậu không gian để tìm ra con đường riêng, ngay cả trong trường hợp rủi ro hoặc phạm sai lầm.

Ngôn ngữ đầu tiên của Cody là ngôn ngữ ký hiệu và cậu không học tiếng Anh cho đến khi tới trường. “Thực sự là khó khăn và thử thách với tôi khi học tiếng Anh và nói tiếng Anh bởi tôi không có bất cứ ai trong nhà để luyện tập”, Cody kể.

Rodney Schmitz, giáo viên Hóa học ở trường trung học Spring Early College Academy (SECA), người đã huấn luyện Cody bốn năm trong đội Olympic Khoa học của trường, cho biết: “Tôi nghĩ Cody xem mỗi thử thách như một ngọn núi phải đối mặt và muốn chinh phục đỉnh núi đó”.

Nhắc đến cậu học trò xuất sắc, bà Kristin Guidry, Hiệu trưởng SECA, nói: “Cody là học sinh mà bất kỳ trường nào cũng muốn có. Em ấy không ngừng tìm cách cải thiện bản thân”.

Bà cho rằng điều thực sự khiến Cody nổi bật là cậu luôn giúp đỡ người khác. Cody từng là gia sư và cố vấn cho các bạn học. Khi còn là học sinh cuối cấp, Cody đã kết hợp với bạn cùng lớp thành lập nhóm luyện thi SAT trong trường.

“Đó là vẻ đẹp của Cody. Em ấy là học sinh xuất sắc nhưng không thành công một mình mà luôn cố gắng đưa các bạn cùng lớp theo cùng và giúp họ trở thành người giỏi nhất”, hiệu trưởng nhận xét.

Guidry cũng mô tả Cody có tâm hồn tuyệt vời. “Chúng tôi sẽ nhớ em ấy. Nhưng Cody đã để lại một di sản và chúng tôi biết em sẽ tiếp tục làm những điều đáng kinh ngạc”, bà nói.

Giúp đỡ người khác cũng là điều đang định hình những kế hoạch và mục tiêu trong tương lai của Cody. Nam sinh chọn Đại học Harvard một phần vì nhận ra những phẩm chất mà cậu tôn trọng ở những sinh viên tại đó. Harvard cũng sẽ là một nơi tuyệt vời để Cody theo đuổi sở thích nghiên cứu của mình.

“Tôi thực sự muốn trả ơn cho cộng đồng đã giúp đỡ tôi, đặc biệt là cộng đồng người khiếm thính”, Cody, giờ là sinh viên ngành Kỹ thuật Y sinh, chia sẻ. “Tôi nghiên cứu học thuật, đặc biệt là nghiên cứu thính giác và khuyết tật”.

Bình Minh (Theo Fox26, KHOU11)

[ad_2]