‘Đổi mới đánh giá học sinh tốt, nhưng chưa đi vào bản chất’

[ad_1]

Nhiều nhà giáo ủng hộ bỏ môn chính – phụ, cách xếp loại học tập, hạnh kiểm theo thông tư 22, nhưng cho rằng việc này chưa làm thay đổi chất lượng giáo dục.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Cố vấn chuyên môn Hội đồng quản trị trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), đánh giá thông tư 22 có nhiều điểm mới, phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. Việc bỏ tính điểm trung bình tất cả môn học, học sinh được nhìn nhận ở từng môn học, có thể được đánh giá cao dù học chưa tốt Toán, Ngữ văn hay Ngoại ngữ – những môn vốn được hiểu là môn chính bởi được đặt làm tiêu chí riêng trong xếp loại học sinh.

Việc coi các môn như nhau trong đánh giá học sinh sẽ giúp hạn chế tư tưởng môn chính – phụ, từ đó giảm thiểu việc học lệch. Thực tế cho thấy có những em không giỏi Toán, Ngữ văn vẫn rất thành công khi ra xã hội. Thay đổi được tư tưởng “chính – phụ” giúp thầy cô thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá học sinh, hạn chế đưa ra những nhận xét mang tính cào bằng và khuyến khích được các em phát huy năng khiếu, theo đuổi đam mê.

Từng là hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, thầy Bình nhớ mãi một học sinh lớp tiếng Nhật đam mê hội họa, học không tốt Toán, Văn, bị thầy cô phê bình rất nhiều, đến mức bố phải đến gặp hiệu trưởng để nói về sở thích của con. “Tôi nói với thầy cô tạo điều kiện để em đạt mức trung bình, chứ không nên yêu cầu em phải giỏi như học sinh khác. Sau này, em vào học tại Học viện Thiết kế và Thời trang London, giờ là nhà thiết kế như mơ ước”, thầy Bình kể và khẳng định sự cần thiết của việc loại bỏ được tư tưởng môn chính, môn phụ.

Học sinh trường THCS Nguyễn Du (Nam Từ Liêm , Hà Nội) đeo khẩu trang, đo nhiệt độ trong ngày trở lại trường đầu tiên sau nhiều tháng nghỉ học, tháng 5/2020. Ảnh: Ngọc Thành

Học sinh trường THCS Nguyễn Du (Nam Từ Liêm , Hà Nội) đeo khẩu trang, đo nhiệt độ trong ngày trở lại trường đầu tiên sau nhiều tháng nghỉ học, tháng 5/2020. Ảnh: Ngọc Thành

Một điểm mới khác khiến thầy Bình tâm đắc là việc bỏ xếp loại học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu, kém và thay bằng đánh giá theo 4 mức tốt, khá, đạt, chưa đạt. Trước đây, việc xếp loại “yếu, kém” tạo ra sự phân biệt rất lớn, khiến học sinh tự ti, nay dùng các từ “đạt, chưa đạt” là “rất khoa học, mang tính sư phạm hơn”, giúp học sinh cảm thấy vẫn có cơ hội để phấn đấu, đồng thời giảm thiểu bệnh chạy theo thành tích trong nhà trường.

Cũng liên quan đến giảm bệnh thành tích, thầy Bình cho rằng việc bỏ danh hiệu “học sinh tiên tiến” là cần thiết trong bối cảnh đánh giá, xếp loại trong trường học thời gian qua có phần dễ dãi. Các trường vẫn thường chạy theo tỷ lệ giỏi, khá nên học sinh giỏi và tiên tiến rất nhiều, nhưng thực chất không như vậy. Điều đó khiến học sinh ảo tưởng, sa vào tình trạng ì, không phấn đấu.

“Nhìn chung, tôi đánh giá cao những điểm mới trong thông tư 22. Tất nhiên, việc thay đổi cách đánh giá, xếp loại đã áp dụng lâu nay không phải dễ dàng. Bộ đã đưa ra lộ trình cụ thể, năm sau chỉ áp dụng với lớp 6 và sẽ dần dần với các khối lớp khác. Điều này sẽ giúp thầy cô rút kinh nghiệm và dần dần đánh giá theo quy định mới tốt hơn”, thầy Bình nói.

Giáo viên một trường THCS công lập tại Hà Nội cho rằng những điểm mới trong thông tư 22 là phù hợp với yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông mới. Vừa là giáo viên, vừa là phụ huynh, cô đặc biệt ủng hộ việc đánh giá học sinh theo 4 mức tốt, khá, đạt, chưa đạt, thay thế từ “xếp loại hạnh kiểm, học lực” bằng “đánh giá kết quả rèn luyện, học tập”. “Những thay đổi về mặt từ ngữ cho thấy sự nhân văn”, cô nhận định.

Tuy nhiên, cô giáo cho rằng việc thực hiện thông tư mới trong những năm tới sẽ gặp nhiều khó khăn do giáo viên đã quen với cách đánh giá cũ. Nếu không có hướng dẫn cụ thể dễ hiểu sai, việc đánh giá bằng nhận xét dễ sa vào sử dụng hình thức không phù hợp, theo lối mòn khiến việc này trở nên không thực chất.

Nhà giáo Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, đồng tình rằng thông tư mới sẽ bỏ được lối suy nghĩ môn chính, môn phụ, học sinh được giáo dục, đánh giá toàn diện hơn. Ông tán thành sự thay đổi của thông tư 22 về cách đánh giá học sinh về học tập, rèn luyện với tên gọi mới và đánh giá sự thay đổi này là nhân văn.

Việc bỏ xếp loại học tập “kém” hay đánh giá rèn luyện hạnh kiểm “yếu” giúp nhiều học sinh bớt tâm lý tự ti, áp lực đè nặng lên bản thân và gia đình. Theo kinh nghiệm của ông, với học sinh còn yếu cả học tập lẫn rèn luyện, lại bị xếp loại với thứ hạng như cách cũ khiến nhiều em buông xuôi. Đánh giá “chưa đạt” vừa phản ánh được năng lực, phẩm chất học sinh để giúp các em nhận ra phải nỗ lực nhiều hơn, vừa tế nhị, nhân văn hơn.

Đánh giá cao sự thay đổi song ông Ngai cho rằng chưa thể thay đổi được vấn đề cốt lõi của giáo dục là học thật, thi thật. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần những thay đổi mang tính bản chất, đi sâu vào cách dạy, cách học và đổi mới thi cử. “Nếu không thay đổi được cốt lõi vấn đề, học tập, đánh giá không thực chất, xuề xoà, thậm chí có cả tiêu cực thì sự đổi mới trên cũng không ý nghĩa”, ông Ngai nói.

Một điểm khác ông Ngai trăn trở là thông tư 22 và 26 vẫn chưa hiểu đúng về giáo dục toàn diện. Đó phải là hoạt động tổng thể, cân bằng giữa thể chất và trí tuệ, năng lực và phẩm chất, phát huy được năng khiếu cá nhân. Điều này hoàn toàn không có nghĩa học sinh cái gì cũng phải biết, phải giỏi. Nhà trường, thầy cô phải phát hiện được sở trường, năng khiếu của học sinh để vun đắp.

“Việc đánh giá, xếp loại của chúng ta hiện vẫn dựa trên các môn văn hóa, bỏ qua nhiều phẩm chất về thể thao, nghệ thuật hay một số năng khiếu đặc biệt của học sinh. Ở bậc trung học, quan trọng nhất là phải cho các em phát huy được sở trường, năng khiếu để có thể giỏi chuyên sâu lĩnh vực nào đó. Với các lĩnh vực khác, cần có quy chuẩn thế nào là tương đối, vừa đủ, không nên ôm đồm”, ông Ngai nói.

Nam sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Du (quận 1) làm bài tập Toán trong giờ ôn thi tuyển sinh lớp 10, tháng 5/2021. Ảnh: Mạnh Tùng

Nam sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Du (quận 1) làm bài tập Toán trong giờ ôn thi tuyển sinh lớp 10, tháng 5/2021. Ảnh: Mạnh Tùng

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành thông tư 22 quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT với rất nhiều điểm mới sẽ được áp dụng từ ngày 5/9, ngay với lứa học sinh lớp 6 trong năm học 2021-2022.

Thông tư mới bỏ việc chấm điểm ở nhiều môn. Các môn Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp sẽ được nhận xét “đạt” hay “chưa đạt” chứ không cho điểm. Với các môn học còn lại, nhà trường đánh giá kết hợp giữa nhận xét và điểm số thay vì chỉ chấm điểm như trước đây.

Thông tư mới chỉ tính điểm trung bình theo từng môn chứ không yêu cầu cộng điểm trung bình tất cả môn học để cho ra một mức điểm xếp loại học lực như trước. Kết quả học tập của học sinh trong một học kỳ hay cả năm học sẽ theo một trong bốn mức, gồm: Tốt, khá, đạt và chưa đạt.

Theo lộ trình, thông tư 22 sẽ áp dụng với học sinh học chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu với lớp 6 năm học 2021-2022, lớp 7 và 10 năm học 2022-2023, lớp 8 và 11 năm học 2023-2024, lớp 9 và 12 năm học 2024-2025.

>>So sánh sự khác nhau giữa thông tư 22 và thông tư 26

Mạnh Tùng – Dương Tâm