Doanh nhân Sài Gòn kiên cường, vượt khó

Khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, doanh nhân tại TP.HCM đã kiên cường, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, duy trì sản xuất để giữ việc làm cho người lao động, đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân, duy trì chuỗi cung ứng. Đội ngũ doanh nhân đã chung sức, đồng lòng cùng chính quyền và chia sẻ với người dân gặp khó khăn để cùng đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Bà Đặng Thị Kim Oanh – Chủ tịch HĐQT Kim Oanh Group:

Đây là lúc doanh nhân chung sức, đồng lòng cùng chính quyền đẩy lùi dịch bệnh

edit-IMG02583-1-9183-1633855947.jpg

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, doanh nhân, doanh nghiệp, người dân, Nhà nước đều gặp khó. Doanh nghiệp của tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng tôi nghĩ đây là khó khăn chung và lúc này mình phải chia sẻ. Khi có lợi nhuận doanh nghiệp hưởng, khi rủi ro thì phải cùng gánh vác. Trước hết, doanh nhân phải chăm lo đời sống của nhân viên, sau đó là đồng lòng, chung sức với chính quyền để chia sẻ khó khăn với người dân.

Tôi tin cùng với sự chung sức, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp và chính quyền, dịch bệnh sẽ sớm qua đi.

Ở góc nhìn tích cực, dịch bệnh xảy đến khiến doanh nghiệp phải thay đổi, tái cơ cấu và trong cái khó sẽ ló cái khôn. Đây là lúc doanh nghiệp nhìn nhận lại mình. Kim Oanh có thời gian tăng trưởng rất nóng. Chúng tôi xác định sẽ tái cấu trúc doanh nghiệp để hoạt động hiệu quả hơn, có khả năng cạnh tranh cao, làm sao có nhiều sản phẩm tốt ra thị trường, đảm bảo được quyền lợi của khách hàng.

Dù sản xuất, kinh doanh đình trệ, nhưng Quỹ Từ thiện Kim Oanh đã rất tích cực chung tay góp sức với chính quyền chống dịch và chia sẻ khó khăn với người dân. Bốn tháng qua, bản thân tôi đã đến nhiều nơi tìm mua trang thiết bị y tế hỗ trợ các bệnh viện cứu người. Trong đó, chương trình “Tiếp nối nhịp thở – Chia sẻ yêu thương” do Kim Oanh khởi xướng đã nhận được sự góp sức của các mạnh thường quân để lan tỏa yêu thương, chỉ trong vòng một tháng chúng tôi đã hoàn thành chương trình trên với trị giá 20 tỷ đồng.

Khi đến làm việc tại các bệnh viện dã chiến để tìm hiểu nhu cầu cần hỗ trợ, tôi nhận thấy lực lượng chống dịch ở tuyến đầu hết sức vất vả, họ đúng là những chiến binh thực thụ. Càng đi nhiều, tôi càng thấu hiểu và càng thấy mình phải có trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng. Những chương trình mà Kim Oanh thực hiện thời gian qua chỉ mong được chia sẻ phần nào nỗi khó khăn của người dân và lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Trong đại dịch, tôi thấy được sự đoàn kết, sẻ chia của người Việt mình theo đúng truyền thống “bầu ơi thương lấy bí cùng”, sự giúp đỡ đong đầy tình thương yêu, trách nhiệm. Vì vậy, ở đâu đó còn những thông tin chưa đúng về công tác phòng, chống dịch thì người dân cần bình tĩnh nhìn nhận bởi những chiến binh tuyến đầu vô cùng vất vả, phải ngày đêm căng mình để giành giật sự sống cho bao người. Là một doanh nhân, khi chứng kiến tận mắt sự vất vả của các y, bác sĩ, điều dưỡng, tôi thấy sự đóng góp của mình là nhỏ nhoi.

Tôi hy vọng trong giai đoạn mở cửa trở lại, các cơ quan chức năng sẽ giảm bớt các thủ tục hành chính, điều gì chính quyền địa phương giải quyết được theo quy định của pháp luật thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Bởi khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có tích lũy thì mới có sức tiếp tục thực hiện trách nhiệm xã hội.

Ông Trần Long Trình – Công ty Thực phẩm Việt San: 

Doanh nhân phải có tâm và có tầm

Tran-Long-Trinh-7673-1633855947.jpg

Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát chưa có tiền lệ, ngoài việc phải thực  hiện quy định của Nhà nước để tổ chức sản xuất, đảm bảo an toàn cho công nhân, đảm bảo đơn hàng cho khách hàng, doanh nhân còn phải thực hiện nghĩa vụ vì cộng đồng.

Nếu chọn an toàn tuyệt đối thì doanh nhân có thể đóng cửa nhà máy, nhưng nếu ai cũng nghĩ như vậy thì ai sẽ sản xuất hàng hóa cho xã hội, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu. Muốn vậy doanh nhân phải có tâm, có tầm, dám nghĩ, dám làm.

Doanh nghiệp của tôi may mắn khi vừa xây dựng xong nhà máy cũng là lúc dịch Covid-19 ập đến, nên ngay lập tức tôi phải tổ chức sản xuất theo phương châm “ba tại chỗ” với 100 công nhân. Khi một số doanh nghiệp trong ngành gặp khó khăn không thể sản xuất được, chúng tôi phải tổ chức làm việc ba ca liên tục, công suất tăng 300% nhằm cung cấp kịp thời hàng hóa thiết yếu phục vụ khách hàng. Khi công ty có nhân viên dương tính với SARS-CoV-2, chúng tôi đã cho cách ly tại chỗ khi các bệnh viện đã quá tải và sẵn sàng kết hợp với lực lượng y tế đưa đi điều trị trong tình huống khẩn cấp. Chúng tôi xác định, phân xưởng nào có F0 thì cách ly phân xưởng đó để duy trì sản xuất. Khi người lao động khỏi bệnh thì quay lại làm việc. Do dự trữ được nguyên liệu trong 6 tháng nên chúng tôi không bị động, vẫn đáp ứng được đơn hàng trong thời gian dịch căng thẳng.

Chúng tôi hiểu rằng, song song với việc duy trì sản xuất, doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm xã hội, chia sẻ với cộng đồng trong thời điểm khó khăn này. Thời gian qua, chúng tôi đã đồng hành với Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Hội Doanh nghiệp quận 6, Câu lạc bộ Doanh nhân Nam Định, Hội Doanh nhân Cựu chiến binh TP.HCM cùng chung tay góp sức hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch.

Hiện nay, doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi khó khăn khi vừa duy trì sản xuất vừa phòng, chống dịch bệnh. HUBA đã có kiến nghị về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Tất nhiên, chúng tôi xác định việc giữ và thu hút lao động phải do doanh nghiệp làm là chính, nhưng Nhà nước nên có chính sách phù hợp tạo điều kiện liên thông với các địa phương để công nhân sớm được quay trở lại làm việc.

Ông Nguyễn Tấn Thành – Công ty Nhựa Tấn Đạt: 

Thấy nhiều người quá khó khăn, tôi không thể ngồi yên

nguyen-tan-thanh-1517-1633855948.jpg

Vào thời điểm dịch tại TP.HCM ở mức báo động đỏ, là chủ doanh nghiệp,  tôi xác định việc đầu tiên phải làm là ổn định tinh thần công nhân, chăm lo cuộc sống cho họ để họ yên tâm ở lại Sài Gòn chờ dịch được khống chế để làm việc trở lại.

Vì ảnh hưởng của dịch nên công ty tạm ngưng sản xuất, công nhân phải nghỉ việc nhưng chúng tôi vẫn trả đủ lương, đóng đủ các khoản phí cho họ. Đặc biệt, mỗi tuần công ty đều gửi đến công nhân một phần quà gồm gạo, trứng, rau củ… Trong ba tháng qua, Công ty Nhựa Tấn Đạt đã dành hơn 300 triệu đồng để hỗ trợ công nhân.

Thấy mọi người khó khăn, tôi không thể ngồi yên. Suốt đợt dịch, ngoài việc hỗ trợ công nhân của công ty, tôi còn dùng kinh phí cá nhân mua lương thực, thực phẩm, tự mình chở đến nhiều khu nhà trọ trên địa bàn quận 8, huyện Bình Chánh tặng bà con nghèo. Đang trao quà cho người này thì người khác đã liên hệ, đang dừng ở khu trọ này người ta lại giới thiệu sang khu trọ khác. Có người hỏi tôi có sợ lây nhiễm không, tôi trả lời là có. Nhưng tôi vẫn phải đi, vì tôi biết có rất nhiều người đang cần mình. Những ngày đó để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm vui buồn lẫn lộn.

Không chỉ là người điều hành doanh nghiệp, tôi còn là thành viên của Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang tại TP.HCM. Vì vậy, bên cạnh lo cho công nhân của công ty phải nghỉ việc, giúp đỡ người lao động tại các khu trọ, tôi cũng tham gia các chương trình hỗ trợ đồng hương Tiền Giang gặp khó ở TP.HCM do Ban Liên lạc đồng hương tỉnh Tiền Giang tổ chức. Thời gian qua, chúng tôi đã hoàn thành hai đợt hỗ trợ, gửi đến người dân nhiều phần quà, mỗi phần quà gồm 10 ký gạo, trứng và các nhu yếu phẩm cần thiết khác. Ngày 4/10/2021 vừa qua, Ban Liên lạc đồng hương tỉnh Tiền Giang và tôi đã triển khai chương trình hỗ trợ đợt ba.

Thấy công nhân, người lao động xa quê quá thiếu thốn cả vật chất, cả tinh thần, tôi khó cầm lòng. Vì vậy, trong khả năng và nguồn lực có thể, tôi đã và đang cố gắng hết mình để góp một phần sức lực cùng Nhà nước phòng, chống dịch. Tôi thầm ước giá như mình có thể giúp được nhiều người hơn, chăm lo cho công nhân tốt hơn nhưng sức người có hạn. Vì vậy, tôi mong tất cả doanh nhân đồng lòng. Một người có thể chỉ giúp được 10 người nhưng 10 người thì có thể giúp 100 người. Cứ như thế, chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch.

Ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh: 

Việc duy trì sản xuất trong giai đoạn này là vô cùng quan trọng

Do-Phuoc-Tong-9248-1633855948.jpg

Trong thời điểm này, doanh nhân phải sáng suốt lựa chọn cách làm sao cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển trở lại, góp phần vào sự phát triển kinh tế thành phố. Đồng thời, doanh nhân phải tích cực tham gia các diễn đàn, đóng góp ý kiến cho chính quyền các cấp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đóng góp các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả hơn.

Đối với doanh nghiệp, việc duy trì sản xuất trong giai đoạn này là vô cùng quan trọng. Phải tạo công ăn việc làm cho người lao động để họ yên tâm gắn bó lâu dài với công ty. Sản xuất vào lúc này là làm ra sản phẩm đảm bảo giữ chân khách hàng, đặc biệt là khách hàng nước ngoài, khách hàng FDI trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo niềm tin với đối tác; mặt khác, duy trì dòng tiền để tồn tại và chuẩn bị cho các bước phát triển trong tương lai gần.

Phải sản xuất theo phương châm “ba tại chỗ” là vô cùng tốn kém, nhưng chúng tôi đã nỗ lực đảm bảo an toàn, không để xảy ra ca nhiễm nào trong công ty. Dù khó khăn, chúng tôi vẫn chung tay, đồng hành với các hoạt động xã hội, như cùng Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP.HCM mà tôi đang là Chủ tịch đóng góp cho Quỹ Vaccine của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, tặng 500 giường bệnh cho Bệnh viện Dã chiến số 2, đóng góp cho HUBA trong chương trình an sinh của Thành phố. Tôi đã tham gia điều hành việc cải tạo nhà để xe ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương thành khu điều trị dã chiến bệnh nhân Covid-19.

Theo tôi, doanh nhân lúc này phải bình tĩnh, kiên nhẫn với những khó khăn trước mắt để tập trung giải quyết từng phần việc nhằm ổn định tinh thần cán bộ, công nhân viên, đảm bảo duy trì sản xuất ở mức cao nhất có thể. Doanh nhân phải tương tác với nhà cung cấp và khách hàng, cùng nhau hợp tác vượt qua giai đoạn khó khăn đặc biệt lúc này.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo – CEO TNI King Coffee:

Cộng lực để phát triển thương hiệu Việt Nam

Le-Hoang-Diep-Thao-1-4311-1633855948.jpg

Tác động của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế nước ta là rất lớn. Thật đau xót khi thấy hàng loạt doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Nhưng tôi tin rằng, khi Việt Nam sớm kiểm soát được dịch bệnh, người dân ổn định cuộc sống và quen với trạng thái “bình thường mới” thì doanh nghiệp sẽ nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, chiếm vị trí tốt hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Với sự nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng doanh nhân ngay khi Việt Nam mở cửa trở lại, tôi có niềm tin lớn vào triển vọng phục hồi kinh tế.

Nhờ đảm bảo duy trì sản xuất, giữ vững thị trường nội địa và xuất khẩu, kể cả trong thời gian dịch bệnh, TNI King Coffee đã hoàn thành được các mục tiêu của 9 tháng vừa qua, đảm bảo việc làm của cán bộ, nhân viên công ty. Chúng tôi đang đẩy mạnh hơn nữa để hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh ba tháng cuối năm. Những tháng cuối năm là mùa bán hàng cao điểm nhất của chúng tôi, bao gồm thị trường trong nước và nước ngoài.

Khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tại nước ta, TNI King Coffee đã triển khai ba đợt hỗ trợ tuyến đầu chống dịch tại các địa phương với trị giá hơn 1,7 tỷ đồng.

TP.HCM và Bình Dương đã trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn do dịch bệnh. Những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua là rất quý báu cho tuyến đầu chống dịch và người dân. Tôi nhận thấy Chính phủ đã linh hoạt khi chuyển từ “không có Covid” sang thích ứng an toàn với nCoV để thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho người dân.

“Buôn có bạn, bán có phường”. Cùng nhau sẽ phát triển nhanh hơn. Cơ hội có ở khắp nơi, với sức mạnh cộng lực mới đưa vị thế thương hiệu của Việt Nam lên cao hơn. Tôi mong muốn phát triển thương hiệu cà phê Việt trở thành thương hiệu toàn cầu.
Nguồn: Nhóm Phóng Viên – Tạp Chí Doanh Nhân Sài Gòn.