Nỗ lực xây dựng các cấu phần của đô thị thông minh cho thấy TP.HCM rất kỳ vọng vào mô hình này để giải quyết các bài toán dân sinh, từ y tế, giáo dục đến giao thông, chống ngập và tầm vĩ mô hơn là vận hành bộ máy hành chính thông qua những quyết định từ xa.
Trong khoảng 3 năm qua, hàng loạt quận, huyện đã ứng dụng công nghệ thông minh vào giải quyết vấn đề dân sinh, nhất là các app (ứng dụng trên điện thoại di động), khởi đầu là Bình Thạnh trực tuyến rồi đến Hóc Môn, Nhà Bè trực tuyến… Dường như mỗi sở, ngành, quận, huyện đều có một app cho riêng mình, nhưng có kết nối được với nhau thì vẫn còn bỏ ngỏ.
Lãnh đạo TP.HCM đã yêu cầu Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM làm đầu mối lập đề án kết nối các app với nhau để mang lại thuận tiện cho người dân cũng như công tác quản lý, điều hành của UBND TP.HCM. Cũng giống như trước đây, TP.HCM kêu gọi xã hội hóa trong việc gắn camera quan sát ở các khu phố để đảm bảo an ninh trật tự. Đại diện khu phố gõ cửa từng nhà dân vận động đóng tiền mua sắm camera, rồi mọi người cũng đóng vì hy vọng nhà cửa sẽ không bị bọn trộm đột nhập, hoặc có bị trộm thì cũng hy vọng tìm ra thủ phạm. Nhưng khi “đụng chuyện” cần truy xuất hình ảnh thì lắm chuyện bi hài, lúc thì hình ảnh mờ mịt, thậm chí là màu đen kịt do camera bị hỏng mà không ai biết. Mặt khác, hàng chục ngàn camera quan sát của người dân, khu phố không thể kết nối đồng bộ về chung một đầu mối nên hiệu quả đem lại chỉ về mặt tinh thần: trộm sợ camera.
Xu hướng đô thị thông minh đang được các siêu đô thị áp dụng để vận hành bộ máy trơn tru, chính xác và TP.HCM không nằm ngoài xu thế đó. Khi ra một quyết định vĩ mô trong tức thời, lãnh đạo TP.HCM cần một khối lượng thông tin khổng lồ nhưng không thể mò mẫm dữ liệu của từng sở, ngành. TP.HCM đã tốn rất nhiều tiền đầu tư cho công nghệ, nhưng nếu không kết nối chúng với nhau thì cũng giống những sản phẩm nội thất đẹp sắp đặt không theo một phong cách nào trong ngôi nhà hiện đại.