Đề xuất dịch vụ phân loại phim

[ad_1]

Hà NộiChuyên gia đề xuất Nhà nước cho phép một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phân loại phim chiếu mạng.

Tại tọa đàm cho ý kiến Luật Điện ảnh (sửa đổi) chiều 15/10, ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông – đề xuất để tư nhân tham gia phân loại phim. Theo ông, với thiết kế của luật hiện nay, việc phân loại là cấp phép cho từng bộ phim – một quy định không khả thi khi số lượng phim trên môi trường mạng quá lớn. Quy định này sẽ tạo ra khối lượng công việc khổng lồ cho cơ quan quản lý, đồng thời hạn chế phát triển phim trên mạng. Một bộ phim đã phát hành ở nước ngoài, nếu cơ quan quản lý chưa kịp kiểm duyệt, doanh nghiệp Việt Nam chậm chân thì người dùng có thể sẽ xem phim lậu, doanh nghiệp sẽ mất doanh thu.

Ông Quang Đồng nói: “Có một mô hình tương tự có thể học hỏi là dịch vụ công chứng. Ngày xưa chỉ Nhà nước mới được công chứng giấy tờ. Nhưng sau đó, công chứng tư nhân được hoạt động và đến nay cho hiệu quả tốt”.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông. Ảnh: Đầu Tư

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông. Ảnh: Đầu Tư

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông đề xuất trao quyền cho các tổ chức, hiệp hội làm trong lĩnh vực điện ảnh hay các đài truyền hình có năng lực phân loại. Nhà nước sẽ cấp giấy phép hoạt động, để họ làm việc với các công ty nền tảng và chịu trách nhiệm dán nhãn, phân loại nội dung. Như vậy, ngành này trở thành ngành kinh doanh có điều kiện.

Khi đó, vai trò của Hội đồng phân loại và thẩm định phim quốc gia sẽ trở thành cơ quan giải quyết tranh chấp. Nếu doanh nghiệp phân loại làm sai, ví dụ dán mác phim 13+ trong khi cơ quan Nhà nước đánh giá là 18+, Hội đồng thẩm định sẽ đứng ra phân xử.

Thực tế, doanh nghiệp có xu hướng tối đa hóa lợi nhuận (ví dụ dán nhãn phim 13+ để tăng tệp người xem thay vì 18+), nên ông Đồng nhấn mạnh cần có chế tài xử lý những đơn vị vi phạm. Ví dụ, luật cần quy định doanh nghiệp làm sai 10 lần sẽ bị rút giấy phép. “Dịch vụ phân loại phim trên internet có thể đi qua bước quá độ như thế này, thay vì đi thẳng đến giai đoạn giao quyền thẩm định phim cho các nhà sản xuất như các nước Singapore, Australia”, ông Đồng nói.

Song song giải pháp trên, viện trưởng cũng đề nghị một biện pháp bổ trợ là xây dựng công cụ trực tuyến thân thiện để người dùng có thể báo cáo vi phạm thuận lợi, như Singapore đang làm. Khi đó, các ứng dụng phải có tiêu chuẩn cộng đồng, tiêu chuẩn phân biệt tài khoản người dùng là người lớn hay trẻ em…

Nhiều chuyên gia chung quan điểm Nhà nước nên chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm khi phổ biến phim trên không gian mạng. Ông Fraser Thompson (Giám đốc Điều hành Công ty tư vấn AlphaBeta) cho biết Singapore để các nhà sản xuất tự phân loại phim. Việc này nhằm giảm gánh nặng cho cơ quan quản lý nhà nước về kiểm duyệt khi mỗi ngày hàng nghìn bộ phim ra đời.

Ông đề xuất Việt Nam tham khảo mức chuẩn của quốc tế khi xây dựng dự thảo luật Điện ảnh sửa đổi. Giải pháp tự phân loại theo tiêu chí được chuẩn hóa là một cách tiếp cận kiểm duyệt hiệu quả, phù hợp hơn với thực tế và cho phép ngành mở rộng quy mô. Ví dụ, các doanh nghiệp VOD ở ASEAN đã cùng phát triển cơ chế tự kiểm duyệt theo Bộ Quy tắc Nội dung của ngành dịch vụ truyền hình theo yêu cầu (VOD) để đảm bảo nội dung an toàn và phù hợp.

Bà Lê Thị Phương Thảo – Giám đốc điều hành Công ty Thaole Entertainment – cho rằng nhà cung cấp khi mua phim bản quyền nước ngoài thì các đơn vị sản xuất, đối tác đã phân loại, dán nhãn phim. Bà nói: “Tôi cũng có con nhỏ nên kinh nghiệm của tôi là quy định các con chỉ dùng tài khoản của trẻ nhỏ và được xem những nội dung phù hợp với lứa tuổi. Cha mẹ cũng phải chịu trách nhiệm việc con mình xem phim nào chứ không nên giao hết quyền cho các nhà dán nhãn phim”.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Phan Viết Lượng. Ảnh: Media QH

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Phan Viết Lượng. Ảnh: Media QH

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Phan Viết Lượng (đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật) thừa nhận hậu kiểm là xu hướng đang được nhiều nước áp dụng, được cho là phù hợp thực tế hiện nay khi Việt Nam chưa có đủ điều kiện, năng lực đáp ứng yêu cầu tiền kiểm số lượng phim quá lớn trên mạng. Tuy nhiên, việc hậu kiểm cũng tạo nguy cơ để lọt các phim vi phạm pháp luật, không phù hợp văn hóa Việt Nam, tạo sự thiếu công bằng với việc tiền kiểm phim chiếu rạp và phim truyền hình.

Do đó, Thường trực Ủy ban đề xuất kết hợp hậu kiểm và tiền kiểm một cách hợp lý, trong đó hậu kiểm là chủ yếu, tiền kiểm đối với phim có ảnh hưởng xấu đến chính trị, tư tưởng, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và phải phù hợp điều kiện, khả năng quản lý của cơ quan nhà nước.

Ngày 14/9, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đưa hai giải pháp về phổ biến phim chiếu mạng. Phương án thứ nhất, các nhà phát hành tự kiểm định và chịu trách nhiệm, cơ quan chức năng hậu kiểm. Phương án thứ hai, phim được phổ biến khi có giấy phép phân loại do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND cấp tỉnh cấp hoặc quyết định phân loại của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình được phép phổ biến trên không gian mạng.

Dự án Luật Điện ảnh sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 sắp tới, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3, tháng 5/2022.

Hoàng Thùy