Đề xuất công chức TP HCM mặc đồng phục khi ra đường

[ad_1]

Sở Nội vụ TP HCM đề xuất cán bộ, công chức phải đeo thẻ và mặc đồng phục của thành phố khi đi trên đường để lực lượng kiểm soát ở các chốt nhận diện.

Nội dung trên được Sở Nội vụ TP HCM đề cập trong văn bản khẩn UBND thành phố về đề xuất các giải pháp cấp bách thực hiện công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn TP HCM ngày 20/8.

Theo đó, cơ quan này đề xuất chính quyền thành phố xem xét, chỉ đạo việc kiểm soát đi lại đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan, đơn vị theo phương án “3 tại chỗ”.

Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc các cơ quan, đơn vị di chuyển bằng xe gắn máy phải đeo thẻ công chức, thẻ ngành, thẻ đi đường và mặc đồng phục của thành phố để lực lượng phòng, chống dịch nhận diện.

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ người đi đường tại một chốt kiểm soát gần ngã tư Phú Nhuận ngày 20/8. Ảnh: Quỳnh Trần

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ người đi đường tại một chốt kiểm soát gần ngã tư Phú Nhuận ngày 20/8. Ảnh: Quỳnh Trần

Nếu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đi ôtô, bên cạnh việc đeo thẻ và mặc đồng phục, phải có thẻ đi đường dán tại kính trước bên trái xe.

Theo đề xuất của Sở Nội vụ thành phố, đồng phục của thành phố là loại áo khoác, áo bib màu xanh dương, có logo nhận diện theo hướng dẫn của thành phố. Căn cứ vào số lao động được bố trí làm việc trực tiếp tại trụ sở, các đơn vị đăng ký đồng phục với Sở Công thương thành phố.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chịu trách về vi phạm của cấp dưới và việc cấp thẻ công chức, thẻ đi đường không đúng. Những người ra khỏi nhà khi không cần thiết, không đeo thẻ công chức, thẻ ngành, thẻ đi đường, không mặc đồng phục sẽ bị xử phạt.

Sở Nội vụ thành phố cũng đề xuất lãnh đạo UBND thành phố giao ngành Công an bố trí luồng đi riêng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tránh ùn tắc tại các chốt kiểm soát.

Các cơ quan, đơn vị nhà nước cần thực hiện nghiêm bố trí người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà.

Sở Nội vụ cũng đưa ra phương án tạm ngưng tiếp nhận, giải quyết trực tiếp thủ tục hành chính. Các cơ quan, đơn vị chỉ tiếp nhận thủ tục qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và trả kết quả qua mạng, dịch vụ bưu chính.

TP HCM trải qua 42 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, trong đó có 25 ngày người dân không được ra đường sau 18h. Đến tối nay, thành phố ghi nhận hơn 167.700 ca nhiễm trong đợt bùng phát dịch thứ tư. Từ ngày 23/8, TP HCM tiếp tục siết chặt giãn cách khi bắt đầu thực hiện quy định “ai ở đâu ở đó”.

Hữu Công

[ad_2]