[ad_1]
GS Trần Ngọc Thêm đề nghị chấm dứt dùng khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” để thúc đẩy tư duy phản biện, tuy nhiên, thạc sĩ Phan Thế Hoài đưa ra góc nhìn khác.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hội thảo giáo dục với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” hôm 21/11.
Trong tham luận phát biểu tại hội thảo, GS Trần Ngọc Thêm – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP HCM – nêu quan điểm: “Xã hội muốn phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động”.
Theo GS Thêm, để có con người chủ động, cần bắt đầu từ việc thay đổi quan niệm, không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như “con ngoan trò giỏi” (ngoan theo nghĩa “dễ bảo, vâng lời”, giỏi theo nghĩa “thuộc bài”).
“Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu Tiên học lễ, hậu học văn để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo… Chừng nào còn đề cao chữ ‘lễ’ để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển”, GS Trần Ngọc Thêm khẳng định.
* Trích tham luận của GS Trần Ngọc Thêm
Trước quan điểm này, thạc sĩ Phan Thế Hoài – giáo viên Ngữ văn tại TP HCM – đưa ra nhận định khác. Theo ông Hoài, nên hiểu chữ “Lễ” theo quan điểm hiện đại.
“Chữ Lễ được đề cập đến trong các thư tịch cổ. Trong Luận ngữ, Khổng Tử nói: Hưng ư Thi, Lập ư Lễ, thành ư Nhạc. Hiểu theo nghĩa hẹp, đó là ba bước học vấn: hưng khởi tâm hồn nhờ kinh Thi, vững vàng khuôn phép nhờ kinh Lễ, thành tựu nhờ kinh Nhạc.
Trong Đạo Đức Kinh, Lão tử viết: … Thượng lễ vi chi nhi mạc chi ứng, tắc nhương tí nhi nhưng chi. Cố thất đạo nhi hậu đức, thất đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa, thất nghĩa nhi hậu lễ. Phù lễ giả, trung tín chi bạc, nhi loạn chi thủ.
Nghĩa là: Người đề cao Lễ khi giữ lễ mà không được đáp lại thì xắn tay áo, trừng mắt. Cho nên mất Đạo mới cần đến Đức, mất Đức mới cần đến Nhân, mất Nhân mới cần đến Nghĩa, mất Nghĩa mới cần đến Lễ. Lễ là lớp vỏ mỏng của sự Trung Tín và là đầu mối của hỗn loạn.
Bàn về chữ Lễ, Trần Trọng Kim đã có những kiến giải rất thâm thúy qua tác phẩm Nho giáo. Lễ đã làm cho tất cả sinh hoạt trong xã hội đều có quy củ: Đạo đức nhân nghĩa, không có lễ không thành; dạy bảo, sửa đổi phong tục, không có lễ không đủ; xử việc phân tranh kiện tụng, không có lễ không quyết; vua tôi, trên dưới, cha con, anh em, không có lễ không định; học làm quan, thờ thầy, không có lễ không thân”, ông Hoài lý giải.
Vì vậy, theo ông, Nho giáo và chữ Lễ không “trói buộc con người” như GS Trần Ngọc Thêm nêu quan điểm. Chữ “Lễ” cũng không phải là nguyên nhân sinh ra bệnh thành tích, trói buộc tư duy người học, người dạy như một số người khẳng định.
Còn về việc thúc đẩy tính phản biện, sáng tạo cho học sinh, thạc sĩ Hoài nêu ra bốn giải pháp.
Thứ nhất, người thầy cần thay đổi vị trí trong không gian lớp học sao cho gần gũi, tạo sự chia sẻ. Lớp học truyền thống của Việt Nam được thiết kế rất khác biệt so với nhiều nước có nền giáo dục phát triển. Thầy ngồi trên bàn cao, trò ngồi ở dưới ngay hàng thẳng lối theo tôn ti trật tự quy củ. Và thế là, cứ đến tiết học thì thầy giảng – trò nghe; thầy hỏi – trò nói; thầy đọc – trò chép; hiện đại hơn một chút là thầy chiếu – trò chép. Học sinh ít có cơ hội trao đổi, trò chuyện, thắc mắc mà gần như chỉ biết phục tùng thầy, nghe theo và làm theo.
Thứ hai, muốn phát huy tư duy phản biện thì cả thầy và trò phải có tinh thần phản biện qua mỗi tiết học, nghĩa là cả hai phía – người dạy và người học, phải chủ động thay đổi phương pháp. Giáo viên cần tạo được không khí dân chủ, thân thiện, cởi mở, khích lệ học sinh phản biện bằng cách cho điểm thưởng, điểm cộng thì các em sẽ hăng hái hợp tác.
Ông Hoài chia sẻ thêm kinh nghiệm giảng dạy môn Ngữ văn của mình. Chẳng hạn, khi dạy truyện cổ tích “Tấm Cám”, đa phần học sinh cho rằng dì ghẻ là người mẹ xấu. Thế nhưng, thầy Hoài không đồng tình với câu trả lời này mà yêu cầu học sinh phản biện.
Kết quả, cũng có một số em cho rằng, mụ dì ghẻ chỉ xấu với con ghẻ, không hề xấu với con ruột, vì con người thì không ai hoàn hảo cả. Qua tình huống này, học sinh sẽ rút ra được bài học, để đánh giá một người cần phải xét toàn diện, tránh áp đặt, ác cảm.
Thứ ba, trong quá trình phản biện, có thể học sinh sẽ gặp khó khăn nhất định trong việc trả lời câu hỏi. Lúc đó giáo viên hãy sử dụng phương pháp 5W và 1H nhằm giúp các em tháo gỡ vấn đề. Phương pháp này là dạng đặt câu hỏi cơ bản nhất mà ai cũng có thể làm được. Chúng là: Who (ai), What (cái gì), When (khi nào), Where (ở đâu), Why (tại sao) và How (như thế nào).
Những phản biện của học sinh có thể đúng, có thể sai; thuyết phục, không thuyết phục – điều đó chưa quan trọng. Mục đích của phản biện là giúp học sinh chủ động, tích cực, sáng tạo và luôn biết hoài nghi (bằng cách đặt ra nhiều câu hỏi) trong quá trình tiếp cận tri thức. Khi cho học sinh phản biện, giáo viên tránh áp đặt, miễn sao các em lập luận khoa học; không vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức, pháp luật (thường với các môn khoa học xã hội) là được.
Thứ tư, giáo viên có thể tổ chức lớp học theo hình thức đảo ngược (flipped learning) cũng là một trong những phương pháp khuyến khích học sinh phản biện. Đó là, học sinh xem bài giảng của giáo viên trước ở nhà, nắm được nội dung chính và định hướng của bài giảng. Khi vào lớp các em sẽ cùng giáo viên thảo luận, nghiên cứu sâu hơn về chủ đề đó.
Vậy nên, theo ông Hoài, muốn khuyến khích học sinh phản biện, không cần bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” ra khỏi trường học mà người thầy phải sử dụng nhiều phương pháp khác nhau.
[ad_2]