Đẩy mạnh học hỏi kinh nghiệm dạy trực tuyến từ nước ngoài

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho rằng hợp tác với nước có thế mạnh dạy trực tuyến giúp đại học Việt Nam nâng cao chất lượng giảng viên, nguồn học liệu.

Tại tọa đàm “Chính sách giáo dục trực tuyến và nâng cao số hoá trong giáo dục” chiều 4/9 tại Hà Nội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đánh giá năm học 2019-2020, do ảnh hưởng của Covid-19, hình thức dạy và học trực tuyến ở Việt Nam được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Thời gian tới, Covid-19 còn tiềm ẩn khó lường, hình thức dạy và học trực tuyến sẽ được áp dụng rộng rãi.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang ban hành các chính sách cần thiết để khuyến khích dạy và học trực tuyến, trực tuyến kết hợp với trực tiếp, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số ngành giáo dục”, ông Nhạ nói. Lợi ích của việc dạy và học trực tuyến hay trực tiếp kết hợp trực tuyến không chỉ nằm ở phương thức phù hợp với thực tế mà còn giúp xây dựng được cơ sở học liệu phong phú, tận dụng được những thành tựu khoa học công nghệ được chia sẻ trên toàn cầu.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại toạ đàm chiều 4/9. Ảnh: MOET.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại toạ đàm chiều 4/9. Ảnh: MOET.

Việt Nam có thế mạnh về công nghệ thông tin. Tuy nhiên, về đào tạo trực tuyến, nhiều quốc gia đi nhanh hơn rất nhiều như Australia. Theo ông Nhạ, Việt Nam muốn phát triển hình thức này thì phải hợp tác với các nước như vậy.

Bộ trưởng lấy ví dụ Đại học RMIT – trường của Australia có cơ sở tại Việt Nam. Do ảnh hưởng của Covid-19, trường này đã nhanh chóng chuyển 190 môn học sang dạy trực tuyến. Mặc dù các cơ sở của Đại học RMIT tại Việt Nam đã mở cửa đón sinh viên học trực tiếp từ tháng 6, trường vẫn cung cấp lựa chọn học trực tuyến cho khoảng 30 môn học. Tính cơ sở của trường trên toàn cầu, hơn 5.000 môn học đã chuyển sang trực tuyến.

Ông Nhạ cho rằng các đại học Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận phương pháp giảng dạy, bài giảng, cách tổ chức quản lý từ những trường như vậy, đặc biệt là việc cập nhật kiến thức. Việc hợp tác với nước ngoài còn tạo ra áp lực với các giáo viên ít đổi mới và động lực cho những giáo viên có điều kiện có thể kết nối với đồng nghiệp ở nước ngoài để phát triển. “Với việc đẩy mạnh hợp tác, tôi tin rằng 5-7 năm sau, Việt Nam sẽ có một thế hệ giảng viên đại học có trình độ quốc tế. Họ sẽ biết phát triển bài giảng thế nào, nghiên cứu ra sao, đạo đức nghiên cứu như thế nào”, ông Nhạ nói.

Trước nhiều chuyên gia của Australia có mặt tại tọa đàm, ông Nhạ bày tỏ mong muốn Australia sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác, hỗ trợ về học liệu, kết nối các bên liên quan để phát triển hình thức đào tạo trực tuyến, kết hợp trực tuyến với trực tiếp ở các cơ sở giáo dục của Việt Nam.

Ông Dương Thăng Long, Phó hiệu trưởng Đại học Mở Hà Nội, cho biết dù có hơn 20 năm nghiên cứu về đào tạo từ xa và hơn 10 năm triển khai đào tạo trực tuyến, trường vẫn mong muốn được học hỏi kinh nghiệm quốc tế nhiều hơn.

Ông Long lấy ví dụ năm 2015, lần đầu tiên nhà trường nhận được hỗ trợ quốc tế về dạy trực tuyến từ Hàn Quốc. Nhờ đó, hoạt động này của trường được “nâng cấp” lên một bậc. Các trường đại học mở, đại học trực tuyến của Hàn Quốc đến Đại học Mở Hà Nội hỗ trợ. Hàng nghìn lượt cán bộ giảng viên, kỹ thuật viên của trường được đi tập huấn ở Hàn Quốc.

“Nhờ sự đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng và sự học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài, đợt Covid-19 vừa qua, trường rất chủ động trong việc dạy và học. Mọi kế hoạch năm học hầu như không bị ảnh hưởng”, ông Long nói.

Năm học 2019-2020, học sinh, sinh viên phải nghỉ khoảng 3 tháng để phòng chống Covid-19, các trường đại học đồng loạt triển khai dạy trực tuyến. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm, việc triển khai không đồng bộ, chưa mang lại hiệu quả.

Dương Tâm