Đại học tỉnh lẻ Hàn Quốc thiếu sinh viên trầm trọng

[ad_1]

Năm 2021, hai đại học quốc gia tại Busan, Daegu tuyển hơn 4.300 chỉ tiêu nhưng 83% sinh viên trúng tuyển không nhập học.

Năm 2020, Lee Ju-young, tốt nghiệp THPT ở Gangneung, tỉnh Kangwon, được nhận vào Đại học Quốc gia Kangwon, trường danh tiếng của tỉnh. Tuy nhiên, Ju-young lựa chọn Đại học Dongguk ở thủ đô Seoul.

Nữ sinh đánh giá, là trường đại học quốc gia, Kangwon không tệ, học phí lại rẻ hơn nhiều so với Dongguk. Nếu học trong tỉnh, cô cũng có thể thăm bố mẹ thường xuyên. “Tuy nhiên, tôi quyết định không học tại đây vì không chắc liệu mình có thể xin được việc tốt sau khi tốt nghiệp đại học ở tỉnh hay không”, cô nói.

Lựa chọn của Ju-young được bố mẹ và hầu hết bạn bè ủng hộ. Cô cho rằng nhiều học sinh tại trường trung học hay khu phố của cô đều muốn hướng đến các đại học ở Seoul hơn.

Câu chuyện của Lee diễn ra phổ biến với các sinh viên sống ngoài Seoul. Do đó, nhiều đại học quốc gia ở các tỉnh lẻ, kể cả những trường danh tiếng, gặp tình trạng thiếu hụt sinh viên trầm trọng.

Theo số liệu vừa được Bộ Giáo dục Hàn Quốc báo cáo, Đại học Quốc gia Busan, một trong những trường tiêu biểu ở Busan, tuyển 4.567 sinh viên cho năm học 2021. Tuy nhiên, 83,7% người trúng tuyển đã không nhập học, có thể để đến một trường khác ở thủ đô. Con số này đã tăng rất mạnh từ 64,2% năm 2018.

Tình trạng của Đại học Quốc gia Kyungpook ở Daegu cũng tương tự, khi 86,9% trong số 4.326 sinh viên trúng tuyển không nhập học.

Học sinh lớp 12 tại trường trung học Goejeong, tỉnh Daejeon, làm bài kiểm tra vào ngày 12/10. Ảnh: Yonhap

Học sinh lớp 12 tại trường trung học Goejeong, tỉnh Daejeon, làm bài kiểm tra vào ngày 12/10. Ảnh: Yonhap

Một trong những lý do khác của xu hướng này là dân số trong độ tuổi đi học ngày càng giảm. Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc thấp, trở thành vấn đề xã hội được quan tâm rộng rãi giữa những năm 2000. Theo Bộ Giáo dục, tổng chỉ tiêu đại học trên toàn quốc năm tới lớn hơn số học sinh trung học tới 80.000.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng và nguồn lực tập trung tại các đô thị lớn như Seoul. Do đó, nếu một học sinh ở tỉnh được nhận vào hai trường, một trong tỉnh và một tại Seoul, nhiều người sẽ chọn như Ju-young. Các em cho rằng mình sẽ được học tại nơi có lợi thế về cơ sở vật chất, sinh hoạt thuận tiện (như các hoạt động văn hóa và chăm sóc sức khỏe) cũng như cơ hội việc làm cao.

Nghị sĩ Kim Byung-wook, Đảng Sức mạnh Nhân dân, cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến việc đại học tỉnh không đạt chỉ tiêu đầu vào là do cơ sở hạ tầng, nguồn lực tập trung ở Seoul. Chưa kể, các trường ở tỉnh tụt hậu hơn trong việc tiếp cận hỗ trợ tài chính của chính phủ và các khoản đầu tư khác nhau.

Các đại học tỉnh lên kế hoạch lấp đầy chỉ tiêu bằng cách tuyển sinh viên quốc tế nhưng tình hình trở nên tồi tệ vì Covid-19. Dịch bệnh cũng đẩy các trường vào tình thế khó khăn hơn nữa khi vừa thiếu sinh viên, tài chính cũng sụt giảm nghiêm trọng.

Thanh Hằng (Theo Korea Times)

[ad_2]