Mỗi khi hoàng hôn vắt qua những xóm chài ven biển Cửa Đại (TP.Hội An, Quảng Nam), ngư dân rủ nhau đi hái rong bìm bìm, bởi thời điểm này thủy triều dần rút, lộ rõ đám rong bám trên những rạn đá ngoài xã đảo Tân Hiệp.
Sáng nay, lang thang chợ cảng, đảo mắt tìm quanh chỉ có một sọt rong biển đặt bên những thau cá, thau tôm. Chị bán hàng bảo tiết trời đã bắt đầu vào thu, rong bìm bìm tuy vẫn xuất hiện nhiều nhưng biển động, người dân không thể ra những gành đá xa bờ để hái nên hiếm dần.
“Hôm nay được chừng này là nhất rồi, bán cho em nửa ký thôi nhé!”. Nhìn bàn tay chị cẩn thận cho từng cọng rong vào bao, tôi nhận ra một tình yêu nâng niu chị dành cho rong biển, dẫu đã rất quen thuộc này.
|
Cũng như bao loại rong biển khác, bìm bìm có tính mát, thanh nhiệt, giải độc, nhuận tràng, giàu dưỡng chất. Đám trẻ con làng chài suốt ngày đầu trần chân cát lặn lội ngoài biển nhờ cháo rong biển nấu với khoai lang mà vẫn tươi da thắm thịt. Người già nhức mỏi tay chân vẫn ngon lành giấc ngủ trưa hè, đấy là do mới được tẩm bổ bởi tô canh rong bìm bìm.
Chất “xúc tác” quan trọng phối vị cho món gỏi chính là nước mắm và nước cốt chanh được pha theo tỷ lệ vừa ăn, có vị chua, mặn và ngọt hòa quyện cùng đường, tỏi, ớt… Sau đó, cho tôm, nước mắm vào rong bìm bìm trộn đều, thêm rau thơm như ngò, húng quế… cùng mè rang lên trên.
Mất chừng mươi lăm phút chế biến là đã có được đĩa gỏi rong bìm bìm bắt mắt. Từng cọng rong thân tròn, rẽ nhánh như những cành san hô, xanh trong trộn lẫn giữa những cọng húng quế. Ai lần đầu thưởng thức rong biển trộn có thể chưa quen với vị nhân nhẩn và mùi nồng hơi biển của rong, nhưng chỉ cần gắp vài đũa sẽ thấy khó lòng quên được vị cay, chát, chua của ớt, rau và nước mắm chanh hòa với vị ngọt, bùi, sừn sựt từ rong biển, tất cả như hòa làm một.