Chuyên gia cảnh báo những chiêu lừa đảo mua bảo hiểm online

[ad_1]

Nhiều đối tượng xấu giả danh công ty bảo hiểm để yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân hay chuyển tiền qua tài khoản.

Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm 2020 đến nay buộc người dân phải ở nhà và chấp hành nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội khiến hình thức mua bán, giao dịch online được đẩy mạnh. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan tới không gian mạng tăng cường hoạt động với nhiều phương thức và thủ đoạn mới.

Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, đơn vị trực thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, các hình thức lừa đảo trực tuyến liên quan đến dịch Covid-19 ngày càng phát triển về quy mô và mức độ tinh vi. Từ các vụ việc xảy ra trong thực tế, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã phân loại thành 5 hình thức lừa đảo trực tuyến để khuyến cáo đến người dùng. Trong đó, có ăn cắp dữ liệu cá nhân bằng cách giả mạo nhân viên bảo hiểm để yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân như địa chỉ, chi tiết tài khoản ngân hàng, số pin thẻ ngân hàng để giúp khách hàng sửa hợp đồng bảo hiểm.

[Caption]. Ảnh: Bizenius

Khách hàng cần kiểm tra các thông tin trước khi chuyển tiền. Ảnh: Bizenius

Chia sẻ về vấn đề lừa đảo bảo hiểm – tài chính qua hình thức online, chị Nguyễn Thị Vân Anh – Phó giám đốc Ban Kế hoạch – Marketing thuộc Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cho biết thời gian gần đây, tình hình gian lận và lừa đảo trực tuyến có xu hướng diễn biến phức tạp. Trong đó, các đối tượng xấu có hành vi giả mạo thương hiệu công ty bảo hiểm để gửi tin nhắn hay gọi điện thoại với nội dung “được nhận tiền bảo hiểm” nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng.

“Các đối tượng lừa đảo sử dụng số điện thoại từ nước ngoài (+ 0099…, +00878…) hoặc trong nước giả mạo gửi tin nhắn hoặc gọi điện thông báo khách hàng được nhận tiền bảo hiểm (mặc dù có khách hàng chưa tham gia bảo hiểm). Với lý do cần xác thực thông tin, các đối tượng này yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin quan trọng như: số CMND hoặc CCCD, mật khẩu, mã PIN, mã OTP… Từ đó, chúng lấy cắp thông tin cá nhân và thực hiện các mục đích để chiếm đoạt tiền của khách hàng”, chị Vân Anh chia sẻ.

Để bảo vệ thông tin và tài sản, chị Vân Anh khuyên mọi người không nên cung cấp hợp đồng bảo hiểm, số chứng minh nhân dân, số tài khoản cá nhân hay các thông tin cá nhân khác…cho người lạ.

Một hình thức lừa đảo khác là các đối tượng này thường lập website hoặc facbook giả danh các doanh nghiệp bảo hiểm mời chào mua bảo hiểm. Do các quy định pháp lý rất chặt chẽ của Bộ Tài chính với các cổng thanh toán nên các website giả thường không thể đăng ký hình thức thanh toán online mà phải yêu cầu thanh toán vào tài khoản cá nhân. Tương tự như vậy, các trang facebook giả danh cũng sẽ không có tích xanh xác thực và yêu cầu chuyển tiền bảo hiểm vào tài khoản cá nhân.

Ngoài ra, một số đối tượng còn giả danh công ty cho vay tài chính mời chào các gói vay với nhiều điều kiện hấp dẫn. Khi khách hàng đồng ý, họ sẽ yêu cầu nạn nhân phải chuyển trước tiền bảo hiểm cho khoản vay thì mới được giải ngân. Để tăng niềm tin với nạn nhân, các đối tượng này còn làm giả giấy chứng nhận của các doanh nghiệp bảo hiểm và gửi trước cho khách. Khi nạn nhân chuyển tiền thì đối tượng sẽ chặn liên lạc.

Theo Phó giám đốc Ban Kế hoạch – Marketing PTI, đối với hình thức lừa đảo này, người dân cần tỉnh táo trước khi chuyển bất kỳ khoản tiền nào cho người lạ, đặc biệt là không chuyển tiền mua bảo hiểm vào những tài khoản cá nhân, không phải của công ty bảo hiểm. Khách hàng cũng cần kiểm tra tính xác thực của giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử bằng cách “click” vào đường link tra cứu hoặc liên hệ trực tiếp với các công ty bảo hiểm. Hiện nay, nhiều công ty bảo hiểm thường để đường link hoặc mã vạch ngay trên giấy chứng nhận điện tử để khách tiện tra cứu. Cuối cùng là quan sát các thông tin trên website, facebook. Các công ty bảo hiểm thường có đầy đủ địa chỉ liên lạc, số điện thoại hỗ trợ là số cố định hoặc tổng đài trên các kênh này trong khi các đối tượng lừa đảo thường để số điện thoại di động.

Khách hàng sau khi làm hợp đồng bảo hiểm tại Prudential sẽ nhận được tin nhắn từ công ty gửi về.

Khách hàng sau khi làm hợp đồng bảo hiểm tại Prudential sẽ nhận được tin nhắn từ công ty gửi về.

Cùng ý kiến với bà Nguyễn Vân Anh, chị Tô Linh Phương, Trưởng phòng kinh doanh khu vực TP HCM của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam cho biết các cổng thanh toán online đều có quy định rất chặt chẽ, phải được sự đồng ý của Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, khi khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm, hồ sơ sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin quyền lợi qua bảng minh họa bằng file PDF có tên tư vấn viên và chủ hợp đồng. Các bước khai hồ sơ và nộp lên đều được khách hàng xác nhận bằng mã OTP từ công ty gửi về số điện thoại.

Đồng thời, khi hồ sơ hoàn tất, chủ hợp đồng sẽ nhận được tin nhắn báo về máy “đã nhận được yêu cầu hồ sơ bảo hiểm” và đường link để đăng nhập vào PRUonline là app quản lý hợp đồng trên điện thoại. Tất cả giao dịch được sử dụng thanh toán là chuyển khoản về số tài khoản của Prudential hoặc website của Prudential Momo, và đều dùng số hợp đồng được cung cấp theo tin nhắn.

Một điểm nữa, chị Linh Phương muốn khách hàng chú ý khi nhận được cuộc điện thoại của tư vấn viên, đó là xin mã số nhân viên để xác thực. Theo đó, mọi người có thể gọi điện lên tổng đài của công ty bảo hiểm để tìm hiểu thông tin về tư vấn viên đó xem họ có trực thuộc công ty không, bằng cấp ra sao, làm việc ở bao lâu… để tăng thêm sự tin tưởng.

Trong thời buổi công nghệ hiện đại, mánh khóe lừa đảo ngày càng tinh vi, chị Vân Anh và Linh Phương khuyên người dân cần thật tỉnh táo và luôn tìm hiểu, xác thực thông tin một cách tỉ mỉ trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào để tránh “mất tiền oan uổng”.

Hải My

[ad_2]