‘Chuyển đổi số không nên chạy theo cơn sốt’

“Chuyển đổi số – từ cơn sốt đến thực tế” là chủ để tọa đàm E-Conference phát sóng lúc 10h ngày 18/6 trên VnExpress. Thực tế, đây là buổi trò chuyện giữa đại diện FPT – đơn vị phát triển phần mềm, Thinkzone Ventures – đại diện quỹ đầu tư và startup HeyU  – công ty khởi nghiệp. Tòan bộ sự kiện được điều phối bởi thành viên của tổ tư vấn Chính phủ – ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp, với hy vọng mang đến góc nhìn thực tế về cơ hội, thách thức cho các doanh nghiệp trước yêu cầu chuyển đổi số.

Buổi toạ đàm diễn ra trong bối cảnh nhiều công ty tại Việt Nam đang phải đối mặt với những ảnh hưởng của Covid-19. Chuyển đổi số được coi là một trong những công cụ đắc lực để vượt qua khủng hoảng, đồng thời giúp doanh nghiệp tăng năng suất, và cắt giảm tối đa chi phí.

Ba chuyên gia đại diện (từ trái qua phải): Thinkzone Venture, FPT và HeyU tham gia buổi toạ đàm về chuyển đổi số.

Các diễn giả tham gia buổi toạ đàm về chuyển đổi số. Ảnh: Cao Tuấn

Không có điểm kết thúc

Mở đầu buổi toạ đàm, ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp, người điều phối chính yêu cầu các khách mời đưa ra định nghĩa từ góc độ của mình về khái niệm chuyển đổi số.

Ông Trần Huy Bảo Giang – Giám đốc chuyển đổi số FPT cho biết có 3 mức chuyển đổi số, bước một là số hoá hoạt động, thứ 2 là số hoá quy trình và thứ 3 là tích hợp tất cả với nhau để tối ưu hoá kinh doanh, trải nghiệm khách hàng.

Từ góc độ của một nhà đầu tư, ông Bùi Thành Đô – nhà sáng lập Thinkzone Ventures nhận định, chuyển đổi số đơn giản là việc doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng những dịch vụ ở môi trường truyền thống trên nền tảng số.

Là doanh nghiệp, ông Đoàn Văn Tuấn – trưởng phòng phân tích của startup HeyU nhận định việc áp dụng chuyển đổi số để cả doanh nghiệp, đối tác và khách hàng tiết kiệm công sức và chi phí.

Tại Việt Nam, chuyển đổi số đang được áp dụng trong hầu hết các lĩnh vực với nhiều phương pháp và thành công khác nhau. Lấy ví dụ trong ngành nông nghiệp, Ông Bùi Thành Đô nhận định, nội lực của chuyển đổi số ở nước ta vẫn chưa đủ đa dạng để phục vụ. “Vấn đề của ngành nông nghiệp liên quan đến việc phân phối, xuất khẩu nước ngoài và các chuỗi cung ứng, nhưng vẫn chưa có nhiều startup tại Việt Nam đáp ứng được hết.”, ông nói.

Các chuyên gia thống nhất với một quan điểm, để chuyển đối số thành công, Việt Nam cần xây dựng một nền kinh tế số. Đại diện FPT nhận định: “Khi chuyển đổi chúng ta hướng tới một nền kinh tế số, khi đó, tất cả công ty, người dùng sẽ tương tác với nhau theo thời gian thực, thông qua các nền tảng, ko còn độ trễ, không còn rào cản”. Ông cũng cho rằng, chuyển đổi số tốt nhất là không bao giờ dừng lại và không bao giờ có điểm kết thúc.

Ông Trần Huy Bảo Giang - Giám đốc chuyển đổi số của FPT.

Ông Trần Huy Bảo Giang – Giám đốc chuyển đổi số của FPT. Ảnh: Cao Tuấn

Phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số

Để mỗi doanh nghiệp trong nên kinh tế thành công với công cuộc số hoá, các chuyên gia nhận định Việt Nam cần phải xây dựng một hệ sinh thái chuyển đổi số với đa dạng sản phẩm, có nhiều bên tham gia và giải quyết được nhiều vấn đề. Mỗi thành phần trong đó sẽ phải thực hiện tốt nhiệm vụ của mình để các doanh nghiệp khác có thể tận dụng giá trị hệ sinh thái mang lại.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đoàn Văn Tuấn lấy ví dụ từ chính doanh nghiệp mình khi HeyU cũng hướng tới xây dựng một hệ sinh thái bằng cách liên hệ với một hãng cầm đồ để hỗ trợ tài xế khi cần vay tiền, tích hợp với các nền tảng thanh toán để tài xế trả tiền, nạp tiền nhanh nhất. “Hệ sinh thái tức là phải hỗ trợ cho nhau và đồng thời với nhau thì mới có thể phát triển nhiều ngành khác cùng đi lên”, ông nói.

Ông Đoàn Văn Tuấn – trưởng phòng phân tích của startup HeyU

Ông Đoàn Văn Tuấn –  Trưởng phòng phân tích của startup HeyU. Ảnh: Cao Tuấn

Đồng tình với ý kiến trên, ông Bùi Thành Đô cũng nhận định, để một hệ sinh thái phát triển, thì các phần phải đồng nhất và phát triển đồng đều, bởi một mắt xích nhỏ chậm lại sẽ khiến cho cả hệ sinh thái ngưng trệ.

Theo các chuyên gia, các startup trẻ có rất nhiều cơ hội trong hệ sinh thái chuyển đổi số tại Việt Nam.  Các công ty khởi nghiệp có thể lựa chọn một ngành liên quan đến năng lực cốt lõi, có sức cạnh tranh để thực hiện.

Tuy nhiên, ông Bùi Thành Đô, người từng tham vào hỗ trợ vào nhiều chương trình thúc đẩy khởi nghiệp cũng cảnh báo: “Cơ hội thì có rất nhiều, nhưng trước khi bắt tay vào khởi nghiệp, đội ngũ sáng lập nên nghiên cứu khách hàng, hãy nghĩ đến cái mà khách hàng cần, đừng nghĩ đến cái mà mình có. Nhiều người thương làm trước khi nghĩ và dễ dẫn đến rủi ro cao hơn, vừa gây mất tiền, mất công sức và mất cả niềm tin của các nhà đầu tư

Không nên chạy theo xu hướng

Một trong những vấn đề nóng mà các chuyên gia dành nhiều thời gian để bàn thảo là con đường nào để chuyển đổi số cho các doanh nghiệp Việt?, Nên chịu thử thách, nắm lấy rủi ro và chuyển đối bằng mọi giá, hay nằm yên để tiết kiệm chi phí và chờ đợi sóng gió đi qua?

Ông Trần Lê Bảo Giang, người từng tham vấn cho quá trình chuyển đổi số của nhiều doanh nghiệp nhận định, có vô số chuyện sẽ xảy ra khi doanh nghiệp quyết định số hóa. Một trong những điều quan trọng là doanh nghiệp cần hiểu đang có vấn đề gì trong nội tại? Khách hàng cần gì, hiểu mình đang ở đâu và mức độ sẵn sàng như thế nào?.

Cùng chung nhận định, đại diện Thinkzone cho biết, các doanh nghiệp trước tiên phải hiểu chuyển đổi số để làm gì, đừng chạy theo cơn sốt, tránh mất tiền, mất cơ hội. “Đôi lúc thấy công nghệ rất hấp dẫn, cuốn hút nhưng cần phải nhìn lại hệ sinh thái. Nếu như chúng ta kinh doanh ở một khu vực mà các công nghệ chưa phát triển thì chuyển đổi số người dùng cũng chưa chắc có tiếp cận được”, ông nói.

Ông Bùi Thành Đô – nhà sáng lập Thinkzone Ventures.

Ông Bùi Thành Đô – nhà sáng lập Thinkzone Ventures. Ảnh: Cao Tuấn

Đối với các doanh nghiệp nhỏ, các chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi số là một cuộc đầu tư lớn và cần phải có quá trình nghiên cứu, đánh giá và chiến lược để đạt được mục tiêu. Theo ông Đoàn Văn Tuấn cho biết, doanh nghiệp phải suy nghĩ xem nỗi đau mà mình giải quyết có lớn hay không thì mới nghĩ đến chuyển đổi số. Có thể kết hợp với các bên đã có sẵn với platform, tận dụng lợi thế trong hệ sinh thái.

Các chuyên gia cũng nhận định trên chặng đường chuyển đổi số, doanh nghiệp gặp rủi ro là điều tất yếu. Trong giai đoạn Covid-19, nhiều doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ đã có tư tưởng “ngủ đông” khiến bị tụt lại phía sau. “Đây không phải giai đoạn ngủ đông mà là cơ hội vàng để nhìn lại chính bản thân mình, xem lại vấn đề của doanh nghiệp”, ông Tuấn nói tiếp.  Trong khi đó nhà sáng lập Thinkzone Ventures cho rằng, để sống sót qua giai đoạn khủng hoảng toàn cầu này, doanh nghiệp nên bổ sung hoặc thay đổi giá trị cốt lõi của mình để phù hợp với tập khách hàng trong giai đoạn mới.    

Ông Trần Huy Bảo Giang cũng đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp đang đứng trước giai đoạn chuyển đổi số: cần phải nhìn vào vấn đề và khách hàng không nên quá tập trung vào công nghệ và cần phải có một lộ trình đúng đắn để thực hiện.

Tọa đàm “Chuyển đổi số – từ cơn sốt đến thực tế” nằm trong chuỗi tọa đàm trực tuyến do VnExpress tổ chức, trong khuôn khổ chương trình bình chọn Startup Việt 2020. Chương trình chính thức khởi động từ 22/5, “hâm nóng” cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. 

Startup Việt 2020 mở đơn đăng ký từ nay đến 10/7. Dự kiến đầu tháng 2 diễn ra Gala Summit – Global Funding Camp kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp Việt với 30 nhà đầu tư quốc tế. Hàng trình 6 tháng tới quy tụ các chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp danh tiếng nhằm cung cấp cho startup tham dự góc nhìn, chiến lược, chia sẻ kinh nghiệm để tăng trưởng mạnh trong thời đại “bình thường mới”.

Startup đăng ký tham gia Startup Việt 2020 tại đây.

Nhật Hà

Nguồn