‘Chơi’ chứng khoán quốc tế hay trò lừa đảo?: Tiền ra – vào Việt Nam quá dễ | Tài chính – Kinh doanh

Chuyển tiền qua ngân hàng, ví điện tử

Tự nhận là các sàn đầu tư chứng khoán quốc tế nhưng tiền mà người chơi chuyển vào tài khoản là tiền Việt thông qua các ngân hàng, ví điện tử trong nước. Theo hướng dẫn của Nguyên Thảo (nhân viên sàn Ugreenfx), sau khi nhà đầu tư (NĐT) mở tài khoản giao dịch trên website mới thực hiện được việc chuyển khoản vào tài khoản giao dịch mua bán chứng khoán quốc tế. NĐT chuyển tiền Việt vào tài khoản của Công ty TNHH Lead Capital Parners (có địa chỉ đăng ký thành lập tại Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) và ghi ở phần nội dung chuyển tiền thông tin tên và số tài khoản NĐT. Công ty Lead Capital Parners sẽ chuyển đổi tiền Việt sang ngoại tệ theo giá của Vietcombank tại thời điểm NĐT chuyển tiền vào. Lúc này, số tiền sẽ được chuyển vào tài khoản giao dịch chứng khoán của NĐT mở ở nước ngoài. Thông thường, những giao dịch chuyển khoản của khách hàng qua ngân hàng đều phải tốn phí chuyển tiền nhưng ở đây, việc chuyển tiền vào tài khoản đầu tư không hề tốn một đồng nào.

Thắc mắc số tiền này có được chuyển ra nước ngoài hay không, Nguyên Thảo trấn an chúng tôi: “Bình thường phí chuyển tiền khoảng 3% nhưng sàn hỗ trợ cho NĐT số phí này. Chị cứ an tâm, tiền sẽ vào tài khoản giao dịch chứng khoán quốc tế thì chị mới mua được chứng khoán. Công ty chúng em là sàn môi giới, cập nhật giá cổ phiếu của 2 sàn lớn nhất Mỹ là NYSE và Nasdaq”. Tỷ giá quy đổi được sàn Ugreenfx áp dụng theo bảng của Vietcombank quy đổi.

Khi tư vấn mời khách tham gia mở tài khoản, nhân viên môi giới sàn DK Trade cho biết khi muốn nạp tiền vào tài khoản thì sẽ chuyển qua cổng Ngân Lượng. “Đây là công ty quy đổi từ tiền Việt sang tiền “đô” và cập nhật về tài khoản giao dịch của chị luôn. Đến khi chị muốn rút tiền thì sẽ làm lệnh rút từ tài khoản giao dịch của chị. Sau đó thông qua cổng Ngân Lượng quy đổi lại tiền Việt và cập nhật về tài khoản ngân hàng cho chị. Mức phí chuyển khoản theo như thông thường của các ngân hàng”, nhân viên môi giới tên Hồng cho biết. Sau đó, Hồng cho chúng tôi xem những lệnh nạp tiền và rút tiền thành công của các NĐT khác. Chẳng hạn như có người chuyển khoản từ Vietcombank vào tài khoản nhận là Công ty cổ phần Ngân Lượng với nội dung giao dịch “Nạp mã TK 95….” lên gần cả tỉ đồng. Hoặc có người chuyển khoản từ Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) sang cho đơn vị nhận là Công ty cổ phần Ngân Lượng tại BIDV chi nhánh Đông Đô với số tiền 600 triệu đồng… Ngược lại, khi khách muốn rút tiền thì cần phải có kỹ thuật của sàn hỗ trợ và thực hiện lệnh chuyển tiền sang ngân hàng mà khách yêu cầu.

Theo các môi giới, nếu khách hàng rút tiền lần đầu thì phải xác nhận thông tin nên khoảng 1 giờ sau tiền sẽ vào tài khoản. Còn những lần rút sau đó thì sẽ nhanh hơn. Tương tự, tại một số sàn forex như FXTM, Forex4you, Yulofx… cũng cho phép NĐT kết nối và chuyển tiền thông qua các ngân hàng cũng như ví Ngân Lượng. Ngoài ra, tại một số sàn khác như UTD, Utspot… thì NĐT có thể nạp và rút tiền thông qua một số ví điện tử nước ngoài như PayTrust, PaymentAsia hay từ các thẻ tín dụng quốc tế là Visa và Master. Ở những sàn này, NĐT khi muốn rút ra thì tiền sẽ được chuyển về thẻ ATM của nhà đầu tư, hoặc chuyển về thẻ Visa Debit có chức năng nhận tiền.

Các nhân viên tư vấn sàn chứng khoán quốc tế đều khẳng định, mọi hình thức nạp và rút tiền của NĐT đều thông qua ngân hàng nội địa tại Việt Nam, có hóa đơn in sao kê hoặc hóa đơn điện tử xác nhận của ngân hàng gửi về email cá nhân. Tài khoản đầu tư liên kết với tất cả các ngân hàng nội địa Việt Nam như Vietcombank, Techcombank, VPBank, SHB, MSB, ABBank, BIDV… nên chỉ cần chuyển tiền là tài khoản sẽ giao dịch được ngay trong ngày.

Giao dịch chuyển tiền vào diện theo dõi

Một NĐT tên Thanh tại TP.HCM đã có kinh nghiệm lâu năm trên các sàn forex giải thích, các sàn giao dịch chứng khoán hay tiền tệ quốc tế đều mở văn phòng đại diện ở Việt Nam, có tài khoản ngân hàng để mở cổng thanh toán thông qua đơn vị trung gian thanh toán. Nội dung chuyển tiền mà NĐT được hướng dẫn chuyển qua Ngân Lượng thường không ghi lý do cụ thể nhằm đầu tư chứng khoán quốc tế mà chỉ ghi chung “nạp tiền vào tài khoản số 123…”, hay “chuyển tiền cho phiếu thu X, Y…”. Vậy vai trò của trung gian thanh toán mà ở đây rõ nhất là Ngân Lượng là gì? Với những lệnh chuyển tiền có giá trị lớn lên hàng tỉ đồng thì công ty này có biết các giao dịch tiền này nhằm mục đích gì hay không? Tương tự, các ngân hàng có kết nối và NĐT chuyển tiền cũng biết rõ số tiền nhưng có báo cáo theo quy định hay không?
Theo phó tổng giám đốc ngân hàng thương mại lớn có trụ sở tại TP.HCM, hằng ngày các ngân hàng sẽ phải rà soát các giao dịch chuyển tiền từ nước ngoài về tài khoản, thẻ của khách hàng. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, ngân hàng sẽ chặn để đối soát. Đối với trường hợp phát sinh nhiều giao dịch nhận tiền từ nước ngoài về 1 tài khoản, thẻ, ngân hàng sẽ chuyển sang kiểm tra đánh giá phòng chống rửa tiền (AML). Các trường hợp bất thường sẽ tạm ngưng báo có vào thẻ, tài khoản và lúc này yêu cầu khách hàng đến ngân hàng để chứng minh nguồn chuyển. Hầu hết các ngân hàng Việt Nam đều phải ký về AML và KYC (định danh khách hàng) với các ngân hàng nước ngoài, tổ chức thẻ. Không những vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thực hiện các quy định nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định của hiệp định thương mại quốc tế.


Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết đối với những giao dịch chuyển khoản giữa các công ty, cá nhân trong nước sẽ khó biết đó là tiền đầu tư chứng khoán quốc tế hay ngoại tệ. Tuy nhiên, việc chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư là phạm pháp. Các ngân hàng, ví điện tử… hiện nay đều phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống rửa tiền, một số giao dịch sẽ được liệt vào giao dịch đáng ngờ và theo dõi.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp nhận khoảng 1.300 báo cáo giao dịch đáng ngờ và chuyển giao 100 vụ cho cơ quan có thẩm quyền xử lý. Ngoài những rủi ro về biến động giá có thể dẫn đến lỗ, người chơi còn vi phạm pháp luật về việc chuyển ngân ra nước ngoài bất hợp pháp.




Nguồn