Chàng trai nói dối bố mẹ để xuyên Việt 22 ngày

Ấp rủ giấc mơ xuyên Việt 5-6 năm nay, Đào Huy Hoàng khẳng định: “Mình có thể bỏ ngang việc hay chia tay người yêu nếu cản trở chuyến này”.

Hoàng muốn chứng minh rằng, những khó khăn trên đường sẽ chẳng hề hấn gì và nhất định phải vượt qua. Quả thực, thủng săm 4 lần, nhiều lần đi lạc, chui vào đường bụi rậm, suýt đâm vào ôtô vì đường hẹp, một mình phóng xe từ biên giới Campuchia về TP HCM trong đêm, hết xăng giữa sa mạc Bàu Trắng… những gian nan trong lần đầu xuyên Việt chẳng khiến chàng trai 25 tuổi này bỏ cuộc giữa chừng.

Sáng 18/6, Hoàng cùng 3 người khác xuất phát từ Hà Nội. Ngày đầu tiên cũng ngày Hoàng chạy quãng đường dài nhất trong chuyến đi: một mạch hơn 500 km đến Đồng Hới, Quảng Bình. Đoàn bỏ qua những điểm tham quan dọc đường vì từng ghé thăm.

Đi xe phân khối nhỏ hơn, và bản thân thích dừng lại đây đó để chụp ảnh, Hoàng bị tụt lại. Cuối cùng, chàng trai này độc hành, cho rằng đây là quyết định đúng đắn để có nhiều thời gian trải nghiệm hơn.

“Có những lúc rất mệt, vì tiết trời miền Trung mùa hè, mình chẳng dám nghĩ đến việc quay về. Xe càng lăn bánh gió sẽ thổi càng mát, mình nghĩ thế và cứ đi tiếp”, Hoàng kể.

[fdsfdsf]

Đào Huy Hoàng đã dừng chân ở 16 tỉnh thành trong chuyến xuyên Việt từ 18/6 đến 22/7. Ảnh: NVCC.

Đà Lạt mát mẻ chính là nơi chàng trai ấn tượng và thích thú nhất, trong chuyến đi mùa hè. Cuối tháng 6, đầu tháng 7, Đà Lạt có những cơn mưa ngắn, Hoàng vùi ngủ trong chăn ấm tại một homestay, coi đây là nghỉ dưỡng đích thực. “Ngủ cả ngày cũng không thấy phí”, chàng trai trẻ cười nói.

Hành trang suốt 22 ngày vẻn vẹn khoảng ba bộ quần áo dài tay mặc đi đường, còn lại là vài chiếc áo phông và quần cộc để tiện tắm biển. Nghỉ chân dài ngày hơn ở Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, TP HCM hay Cần Thơ, Hoàng mới mang quần áo đi giặt ủi.

[fdsff]

Hành trang xuyên Việt hơn 20 ngày của chàng trai 25 tuổi là chiếc xe máy 110 phân khối, máy ảnh và 7 kg hành lý. Ảnh: NVCC.

“Gần 2 năm làm shipper (nhân viên giao hàng) giúp ích nhiều cho chuyến xuyên Việt”, Hoàng bộc bạch. Không bị gò bó về thời gian và áp lực chỉ tiêu, anh có thời gian thoải mái để đi đây đi đó. Chàng trai Hà Nội tâm sự rằng mình làm việc khá chăm chỉ, hàng tháng vừa phụ giúp bố mẹ một khoản, vừa chi tiêu cá nhân và tích góp để cho sở thích du lịch, trong đó có chuyến đi này.

Đã quen dầm mưa dãi nắng hàng ngày, Hoàng cho rằng điều đó giúp mình bớt áp lực chạy xe đường dài, cảm thấy “khỏe re” suốt chuyến đi. Đồng thời, khi đến các địa phương, Hoàng được anh em trong cộng đồng shipper hỗ trợ rất nhiều.

Bên cạnh nghề chính là shipper, Hoàng còn đam mê nhiếp ảnh. Thỉnh thoảng, chàng trai này vắng nhà vài ngày đến cả tuần để đi chụp ảnh dịch vụ. Trong 22 ngày qua, gia đình Hoàng còn tưởng con đi chụp ảnh ở xa, vì cậu nói dối để “xin đi trót lọt”.

Bình thường, ngày nào phụ huynh cũng biết lịch trình đi làm của con trai. Nhưng lần này thấy con vắng nhà lâu hơn mọi khi, bố mẹ Hoàng bắt đầu nghi ngờ, gặng hỏi mãi tới cuối cùng cậu mới thú thực.

Ngày con trai về, bố Hoàng đùng đùng nổi giận khi cậu vừa xách balo bước vào nhà trên phố Lạc Trung (Hà Nội). Sau đó, Hoàng phải hứng một bài “giáo huấn” dài chưa từng thấy từ bố – người vừa vừa tức giận vừa ngạc nhiên. Dù hơi sợ, Hoàng khấp khởi mừng thầm vì đã hoàn thành mục tiêu và an toàn về với gia đình.

[fdsffdsf]

Bản đồ trực tuyến luôn hiện diện trên chiếc điện thoại gắn ở đầu xe, như một ngày đi làm của Đào Huy Hoàng. Ảnh: NVCC.

Suốt 22 ngày đêm, Hoàng chạy tổng quãng đường khoảng 3.400 km, trong đó khoảng cách di chuyển ngắn nhất trong ngày là 93 km, dài nhất hơn 500 km. Tổng chi tiêu hết 6,7 triệu đồng, trong đó tiền ăn uống tốn khoảng 1,5 triệu đồng, tiền lưu trú khoảng 1,8 triệu đồng, còn lại là phí xăng xe, giá vé tham quan, vui chơi.

Chuyến xuyên Việt được Đào Huy Hoàng chia sẻ lên các cộng đồng du lịch trên mạng xã hội. Bài đăng ghi chi tiết lịch trình, chi tiêu, điểm đến, quán ăn, trải nghiệm, đa phần nhận được lời động viên, khen ngợi của mọi người.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng số tiền Hoàng bỏ ra quá ít, nghi ngại chàng trai này đi kiểu “hành xác”. Hoàng đã biết trước sẽ có những ý kiến như vậy nên chỉ nhẹ nhàng phản hồi: “Do tài chính không dư dả nên tôi chọn cách đi tiết kiệm, và mỗi người có cách trải nghiệm khác nhau, miễn là bản thân thấy thoải mái”.

Hoàng chia sẻ, chuyến đi có kinh phí rẻ như vậy vì nhận được nhiều sự trợ giúp của cộng đồng shipper tại các tỉnh. Chàng trai này cũng ăn uống giản dị, chỉ thưởng thức đặc sản bình dân, thuê phòng dorm (giường tập thể) giá 50.000 – 60.000 đồng một đêm nên không tốn kém nhiều. Hoàn thành chuyến đi xa đầu tiên, Hoàng vẫn muốn đi xuyên Việt vài lần nữa, thậm chí mỗi năm một lần, và sẵn sàng dành thêm tiền để trải nghiệm và thưởng thức nhiều đặc sản hơn.

Tâm Linh

Xem thêm

Nguồn