Căn hộ du lịch được cấp ‘sổ đỏ’, thời hạn thuê đất không quá 70 năm


Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) vừa có văn bản số 703 gửi các Sở TNMT hướng dẫn về việc sử dụng đất, cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở đối với một số loại hình cư trú mới như căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú.


 


Bộ nêu thời hạn cho thuê đất đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin thuê đất nhưng không quá 50 năm. Đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn cho thuê đất không quá 70 năm. Khi hết thời hạn, người sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất.


 


Công trình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch có đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản thì bên nhận chuyển nhượng được chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng (sổ đỏ).


 


Trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đối với căn hộ du lịch, biệt thự du lịch được quy định thực hiện như quy trình đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất tại Nghị định 43 của Chính phủ, Thông tư 24 và 33 của Bộ TNMT… Quy trình cơ bản gồm người sử dụng đất nộp một bộ hồ sơ gửi văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan tài nguyên và môi trường kiểm tra hồ sơ, trình các cấp có thẩm cấp ‘sổ đỏ’.


 


Bộ TNMT đã đề nghị Sở TNMT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát các dự án đầu tư đã được phê duyệt; việc thực hiện giao đất, cho thuê đất của từng dự án để xác định mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.


 


Trước đó, pháp lý về căn hộ du lịch là chủ đề tranh cãi gay gắt từ nhiều chuyên gia, đơn vị quản lý nhà nước. Trong một buổi hội thảo cuối tháng 12/2019, ông Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch nói rất bất ngờ khi không tìm thấy văn bản luật nào đề cập liên quan đến condotel, trừ Luật Du lịch. Ông Nam đề nghị không có cơ sở cấp sổ đỏ vĩnh viễn cho loại hình này. Cách giải quyết hợp lý nhất là ban hành sổ đúng tên căn hộ du lịch, biệt thự du lịch có thời hạn sử dụng. Khi không còn các cam kết lợi nhuận thì condotel sẽ ổn định giá, trở về đúng giá thị trường, không còn giá trên trời như hiện nay.


 


Trong khi đó, ông  Mai Văn Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, khẳng định về mặt pháp luật đã có đầy đủ hành lang pháp lý cho loại hình condodel. Theo Luật Du lịch, condotel là loại hình kinh doanh dịch vụ. Khi giao đất, khi làm thủ tục từ giao đất tới hình thành tài sản, condotel được xác định là đất sản xuất kinh doanh. Cấp phép xây dựng cho condotel phải căn cứ quy hoạch và mục đích cho thuê đất.


 


Đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) khẳng định condotel có căn cứ pháp luật, không chỉ ở Luật Du lịch mà còn ở Luật Đất đai. Ông Châu đặt câu hỏi tại sao các địa phương không cấp giấy chứng nhận mà khi cấp thì bị cho là sai. Do đó, ông Châu đề nghị Bộ TNMT có văn bản hướng dẫn để các địa phương thực hiện.


 


Khổng Chiêm


 



Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.



Nguồn