Các nước đổ tiền khắc phục ảnh hưởng của đại dịch ra sao?

[ad_1]

Theo IMF, trung bình gói hỗ trợ của các nền kinh tế chiếm 5-24% GDP và ưu tiên phân bổ cho đầu tư công hoặc kích thích tiêu dùng.

Dưới đây là bản đồ thống kê của IMF với dữ liệu dựa trên những biện pháp tài khóa chính mà các chính phủ đã công bố hoặc thực hiện để ứng phó với đại dịch tính đến 27/9. Dữ liệu này tính cả các giải pháp đã thực hiện từ tháng 1/2020 đến nay và sắp thực hiện của các nền kinh tế.

Bản đồ thống kê chi tiêu trực tiếp phục hồi do Covid-19 thế giới, với màu đỏ là chi tiêu thấp hơn 2,5% GDP. Nguồn: IMF

Bản đồ thống kê chi tiêu trực tiếp của các nước để khắc phục ảnh hưởng Covid-19. Việt Nam đang nằm trong vùng màu đỏ, tức chi tiêu ít hơn 2,5% GDP 2020. Nguồn: IMF

Số liệu của IMF cho biết, các gói phục hồi kinh tế, bao gồm cả những biện pháp dự kiến duy trì đến đầu năm 2022, dao động từ 5% đến 24% GDP 2019 ở các nền kinh tế tiên tiến. Tại thị trường mới nổi, tỷ lệ này khiêm tốn hơn, từ 1% đến 9% GDP.

Là quốc gia đầu tiên bị ảnh hưởng bởi đại dịch, Trung Quốc cũng là nơi đầu tiên công bố các biện pháp hỗ trợ tài chính quan trọng vào tháng 2/2020. Tiếp sau họ là các nền kinh tế khác ở châu Á, rồi đến phần còn lại của thế giới. Gần 2 năm qua, chính phủ các nước giàu đã chứng tỏ sự linh hoạt trong phản ứng tài khóa.

Phần lớn các biện pháp tài khóa được thiết kế với hiệu lực ngắn, thường chỉ trong vài tháng. Nhưng các đợt dịch cứ lặp đi lặp lại đã khiến họ phải mở rộng biện pháp hơn so với dự kiến ban đầu. Nhiều chương trình vẫn đang hỗ trợ đáng kể cho nền kinh tế các nước giàu.

Trong khi đó, ở các nền kinh tế mới nổi, hỗ trợ tài chính đã được tăng cường trong nửa đầu năm 2020. Nhưng bất chấp sự bùng phát đáng kể về sau, các nhà chức trách ở khu vực này lại có phần hạn chế về khả năng tiếp tục mở rộng hỗ trợ tài khóa quy mô lớn.

Vì sao quy mô gói phục hồi ở các nước khác nhau?

Quy mô hỗ trợ tài khóa trực tiếp (so với GDP) khác nhau giữa các nền kinh tế do sự khác biệt về cơ chế tự ổn định của nền kinh tế (Automatic stabilizers), dư địa tài khóa trước đại dịch và quan điểm dùng nhiều các biện pháp tài khóa gián tiếp hơn.

Chi tiêu trực tiếp (màu xanh) và gián tiếp (màu nâu) so với quy mô GDP 2019 một số nước phát triển. Nguồn: RBA

Chi tiêu trực tiếp (màu xanh) và gián tiếp (màu nâu) so với quy mô GDP 2019 một số nước phát triển. Nguồn: RBA

Trong đó, “cơ chế tự ổn định” là các chính sách tự động điều chỉnh thu chi ngân sách để hỗ trợ kinh tế qua các giai đoạn khác nhau. Ví dụ, trong thời kỳ suy thoái kinh tế, chi tiêu của chính phủ tự động tăng lên khi nhiều người nhận trợ cấp thất nghiệp hơn. Đồng thời nguồn thu có được từ thuế đánh vào hộ gia đình, doanh nghiệp và tiêu dùng có xu hướng giảm.

Những nền kinh tế càng có cơ chế tự ổn định mạnh – bao gồm sự sẵn có của mức trợ cấp thất nghiệp cao, các chương trình trợ cấp khác để duy trì mối quan hệ việc làm – sẽ cần biện pháp tài khóa bổ sung khẩn cấp ít hơn các nước có cơ chế tự ổn định thấp. Trong đó, các nền kinh tế châu Âu xu hướng có cơ chế tự ổn định cao. Vì vậy, họ ít phát tiền trực tiếp cho dân như Mỹ, nơi có cơ chế này yếu hơn.

“Dư địa tài khóa trước đại dịch” cũng đóng vai trò quan trọng, vì bất kỳ sự điều chỉnh chính sách tài khóa nào cũng góp phần làm gia tăng nợ công. Các nền kinh tế cung cấp gói kích thích lớn (so với GDP của họ) thường có nợ công trước dịch và thâm hụt tài khóa thấp. Nhóm này bao gồm Australia, Đức, New Zealand và Singapore. Khi đại dịch tiếp tục kéo dài, họ vẫn sẵn sàng mở rộng nguồn tiền hỗ trợ thông qua phát hành trái phiếu chính phủ.

Trong khi đó, ở các nền kinh tế mới nổi, các biện pháp hỗ trợ tài khóa trực tiếp có quy mô nhỏ hơn, một phần do chi phí phát hành trái phiếu mới cao. Ngoài ra, một số nền kinh tế tiên tiến lẫn mới nổi khác, do không gian tài khóa còn lại hạn hẹp, họ đặt trọng tâm là các biện pháp tài khóa gián tiếp như cho vay và bảo lãnh khoản vay. Liên minh châu Âu, Ấn Độ và Brazil là ví dụ.

Diễn biến nợ công toàn cầu so với GDP với các nước phát triển (màu xanh) và các nền kinh tế mới nổi (màu đỏ). Nguồn: IMF, RBA

Diễn biến nợ công toàn cầu so với GDP với các nước phát triển (màu xanh) và các nền kinh tế mới nổi (màu đỏ). Nguồn: IMF, RBA

Dự báo quy mô các gói phục hồi sắp tới

Theo dự báo và tổng hợp của Ngân hàng trung ương Australia (RBA), quy mô và thiết kế của hỗ trợ tài khóa giai đoạn phục hồi sắp tới sẽ khác nhau giữa các quốc gia. Mỹ dự kiến quy mô rất lớn, tương đương 9% GDP, tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng trong một thập niên.

Liên minh châu Âu sẽ triển khai kết hợp các khoản viện trợ không hoàn lại và các khoản cho vay từ năm 2021 đến năm 2026. Các biện pháp này sẽ được tài trợ bởi khoản nợ do EU phát hành, bằng 5% GDP của EU. Ở một số nền kinh tế nhỏ hơn khác, hỗ trợ tài chính cho giai đoạn phục hồi có thể sẽ lớn, tới 6% GDP năm 2019.

Tại các thị trường mới nổi, nơi không gian tài khóa thường bị hạn chế hơn, một số chính phủ mất cân đối tài chính từ trước đã phải đối mặt với áp lực giảm thâm hụt tài khóa nhiều hơn. Tuy nhiên, một số trong đó vẫn có năng lực tài khóa tốt.

Ví dụ, Ấn Độ đã công bố các biện pháp kích thích tài khóa ngay sau khi có làn sóng bùng dịch đầu tiên năm ngoái, bao gồm khuyến khích tiêu dùng và tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Tương tự, Trung Quốc bắt đầu chuyển sang các biện pháp phục hồi vào giữa năm 2020.

Nhưng hầu hết nền kinh tế mới nổi khác vẫn chưa công bố hỗ trợ đáng kể cho giai đoạn phục hồi. Theo các chuyên gia, một phần vì ưu tiên của họ vẫn là củng cố hệ thống y tế để đối phó với các đợt bùng phát và hỗ trợ triển khai các chương trình tiêm chủng.

Bài toán cho Việt Nam

Trong 14 nước đang phát triển có thu nhập thấp (LIDCs), theo tính toán của IMF, chi tiêu ngân sách (so với GDP) của Việt Nam cho dịch chỉ đứng trên Myanmar và Niger.

Tỷ lệ đã chi tiêu phục hồi Covid-19 củac 14 nước phát triển thu nhập thấp. Nguồn: IMF

Tỷ lệ đã chi tiêu phục hồi Covid-19 của 14 nước đang phát triển thu nhập thấp. LIDCs là mức chi tiêu bình quân. Nguồn: IMF

Theo bản đồ thống kê phía trên của IMF, Việt Nam nằm ở vùng màu đỏ tức chi tiêu ít hơn 2,5% GDP 2020. Theo tổ chức này tính toán, Việt Nam đã chi tổng cộng 9,4 tỷ USD để ứng phó và khắc phục ảnh hưởng bởi Covid-19, tức chiếm 2,8% GDP.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã trình Chính phủ kế hoạch về chương trình phục hồi kinh tế. Một số chuyên gia đề cập quy mô gói này có thể lên tới 800.000 tỷ đồng. Còn ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn Thủ tướng, người tham gia góp ý vào chương trình phục hồi kinh tế, khẳng định quy mô không thấp hơn nửa triệu tỷ, tương đương tổng đầu tư công hằng năm.

Với GDP Việt Nam năm 2020 (đã đánh giá lại) là 343 tỷ USD, gói phục hồi nếu đạt 800.000 tỷ đồng sẽ chiếm gần 10% GDP. Trường hợp là nửa tiệu tỷ đồng như phân tích của ông Nguyễn Đức Kiên, sẽ chiếm khoảng 5% GDP.

Ông Nguyễn Đức Kiên cũng từng phân tích với VnExpress, một đồng vốn bỏ ra có thể huy động 4-5 lần đồng vốn khác trong nền kinh tế cùng tham gia. Nếu huy động được gấp bốn lần, nền kinh tế sẽ có khoảng 4 triệu tỷ đồng để hỗ trợ trong 4-5 năm tới.

Về mặt phân bổ, các chuyên gia quốc tế dự báo, khi Covid-19 được kiểm soát và vaccine phủ rộng, trọng tâm của hỗ trợ tài chính nhiều nước sẽ thay đổi từ hướng bảo vệ việc làm, lao động sang tạo lập nền tảng.

Theo đó, các nước sẽ tập trung nhiều hơn vào đầu tư công, đặc biệt là vào các sáng kiến xanh và kỹ thuật số; khuyến khích tiêu dùng và đầu tư tư nhân; các chương trình đào tạo lại người lao động trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch. Cụ thể, hầu hết các nền kinh tế tiên tiến đều phân bổ gói phục hồi vào 4 lĩnh vực gồm: đầu tư công và khuyến khích đầu tư; khuyến khích tiêu dùng, đào tạo và lĩnh vực khác.

Kế hoạch phân bổ gói phục hồi một số nước phát triển. Trong đó, chi cho đầu tư công và khuyến khích đầu tư (xanh đậm), khuyến khích tiêu dùng (xanh nhạt), đào tạo (hồng), khác (xám).  Nguồn: IMF, RBA, Refinitiv

Kế hoạch phân bổ gói phục hồi một số nước phát triển. Trong đó, chi cho đầu tư công và khuyến khích đầu tư (xanh đậm), khuyến khích tiêu dùng (xanh nhạt), đào tạo (hồng), khác (xám). Nguồn: IMF, RBA, Refinitiv

Trong đó, hầu như các nước đều chọn phân bổ chính vào đầu tư công. Italy, Tân Ban Nha, Mỹ, Hàn Quốc là những nền kinh tế tập trung ưu tiên gói cho đầu tư công nhiều nhất. Một số nền kinh tế như Australia, Đức, Anh, Nhật Bản, Hong Kong dành một tỷ trọng đáng kể cho khuyến khích tiêu dùng. Trong khi đó Singapore, New Zealand quan tâm mạnh mẽ việc phân bổ nguồn lực cho đào tạo. Nói cách khác, đa số các nền kinh tế tiên tiến chỉ chọn 1-2 hướng tập trung để phân bổ cho gói này.

Ngoài ra, một vấn đề của Việt Nam còn là tính toán hiệu quả số tiền sẽ bơm vào nền kinh tế. Theo tính toán của một chuyên gia kinh tế, mỗi đồng tiền đưa vào kích thích cần có khả năng xoay vòng tạo ra 3-4 lần giá trị trong ngắn hạn, và 9-10 lần trong dài hạn. Vì vậy, phải nhìn vào thực tế chất lượng tăng trưởng thời gian qua.

Công nhân làm việc ở dự án cầu Mống Sến ở Sapa ngày 3/11. Ảnh: Giang Huy.

Công nhân làm việc ở dự án cầu Mống Sến ở Sapa ngày 3/11. Ảnh: Giang Huy.

TheoTổng cục Thống kế, chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) liên tục giảm từ năm 2016 tới năm 2019 – trước khi đại dịch xảy ra. ICOR cho biết một đồng sản lượng được tạo ra bởi bao nhiêu đồng vốn. ICOR càng cao tức là càng cần nhiều vốn để tạo ra tăng trưởng và việc giảm chỉ số này là một tín hiệu tốt. Bình quân giai đoạn 2016-2019, hệ số ICOR đạt 6,13, thấp hơn so với hệ số 6,25 của giai đoạn 2011-2015.

Nhưng đến năm 2020, do ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế bị đình trệ, các dự án công trình hoàn thành đưa vào sử dụng chưa phát huy được năng lực nên ICOR năm 2020 lên cao đến 14,28; khiến hệ số ICOR bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng trở lại lên 7,04.

Với việc sẽ bơm một lượng tiền lớn trên dưới 10% GDP để phục hồi trong bối cảnh hiệu suất giảm dần, theo các chuyên gia, không còn cách nào khác là phải thật sự cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất để sử dụng đồng vốn cho hiệu quả như mong đợi.

Viễn Thông

[ad_2]