Gọi là bún Thái, vì ảnh hưởng từ món lẩu Thái, chứ nếu sang Thái Lan, đố bạn tìm ra được món bún này tương tự, bởi nó chỉ có ở Sài Gòn thôi nhé.
Vậy bún Thái kiểu Hồng Kông thì “mặt mũi” ra sao? Chủ quán bún Thái kiểu Hồng Kông, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (32 tuổi) cho biết: “Cách nấu nước dùng của món này khác với bún Thái nơi khác. Nước dùng được hầm từ xương gà để có được vị ngọt mà không ngấy như heo. Chị chỉ sử dụng những gia vị đặc trưng của Thái Lan để nêm nếm”.
|
Để tìm được quán của chị Hiền, tôi đã chạy lòng vòng quanh khu chung cư cũ Nguyễn Thiện Thuật khoảng 20 phút. Nếu thực khách nào từng có trải nghiệm như tôi chắc sẽ hiểu cảm giác sung sướng đến nhường nào khi tìm được quán. Chẳng thể đợi lâu hơn, tôi gọi ngay một tô bún Thái kiểu Hồng Kông thưởng thức.
Tô bún xuất hiện với màu cam đỏ rực rỡ của nước lèo, tôm thẻ. Sắc xanh của rau muống cọng và rau thơm giúp món ăn hoài hòa, cân đối. Mỗi phần bún còn có thêm bạch tuộc, thịt bò và chả cá viên. Nhìn tô bún ngập tràn “topping” ai nấy đều đã mắt.
Những nguyên liệu trên không mấy xa lạ với những ai đã từng thử qua hay là tín đồ của bún Thái. Điều khác biệt lớn nhất giữa hai món này là hương vị nước dùng.
Với bún Thái thông thường, nước có độ trong, vị chua nhẹ. Còn bún Thái kiểu Hồng Kông tăng cấp độ cay và chua lên một bậc, nước dùng đục hơn, khi ăn có mùi thơm của tỏi phi.
|
Anh trai chị Hiền, đầu bếp của một nhà hàng chuyên các món ăn Hồng Kông đã chỉ chị công thức mà anh học được từ một đầu bếp bản xứ. “Những ngày đầu, anh nấu nước dùng để chị đem bán. Bây giờ, chị đã tự nấu được rồi”, chị Hiền nói.
Anh Lê Hoàng Nhật Minh (21 tuổi) tan ca làm, cùng bạn gái đến ăn, chia sẻ: “Lần đầu tiên, mình ăn món này thì thấy lạ và khá là ngon. So với bún Thái thường, món này chua và cay hơn. Ở đây, tôm mực tươi ngon, ăn chắc và ngọt chứ không như mấy chỗ để ươn ăn bở”.
|
Theo quan sát của tôi, quán khá đông khách, nhất là tầm tan giờ làm từ 5-6 giờ tối. Có lẽ trong thời gian tới, món bún Thái kiểu Hồng Kông sẽ trở thành món được nhiều săn đón.
|
|
|
|
|