[ad_1]
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần tăng thu nhập thực tế để giáo viên mầm non gắn bó, yên tâm với công việc vốn nặng nhọc, áp lực.
Ý kiến trên được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu ra trong hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non. Ông Sơn nhấn mạnh bậc học mầm non cần phấn đầu ba chữ “yên”, gồm “để trẻ tới lớp được yên vui, thầy cô công tác được yên tâm, cha mẹ gửi con được yên lòng”.
Với giáo viên, bày tỏ sự cảm thông bởi đặc thù công việc nặng nhọc, thời gian làm việc dài, áp lực lớn, yêu cầu cao trong khi thu nhập lại thấp, Bộ trưởng cho rằng cần có nhiều cách thức để tháo gỡ việc này, làm sao tăng thu nhập thực tế để giáo viên gắn bó, yên tâm với công việc; tăng hệ thống trường tư thục với yêu cầu giáo viên cũng phải có quyền lợi để đảm bảo tốt công việc.
Tăng thu nhập mong mỏi của giáo viên mầm non, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 phức tạp, trường học đóng cửa, nhiều giáo viên trường tư mất việc, phải làm thêm nhiều nghề kiếm sống, từ giúp việc, bán hàng lề đường đến bán hàng online.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu trong hội nghị trực tuyến ngày 18/8. Ảnh: MOET.
Với trẻ mầm non, Bộ trưởng nhấn mạnh cần quan tâm phát triển toàn diện, coi trọng yếu tố nhân cách và con người bởi những yếu tố này được hình thành nhanh chóng ở cấp mầm non và những năm đầu tiểu học. Trong điều kiện dịch bệnh, việc dạy học cần được xem xét sao cho linh hoạt. Những nơi trẻ em không thể đến lớp, nhà trường cần phối hợp với gia đình để có biện pháp hỗ trợ.
Bộ trưởng giao Vụ Giáo dục Mầm non tập hợp các video bài giảng, kho học liệu mở trong nước và thế giới; xây dựng, biên soạn nguồn học liệu mới. “Đây là việc cấp bách, bình thường đã cần nhưng trong năm học mới càng cần hơn, để trong trường hợp các cháu không đến trường, phụ huynh vẫn có nguồn học liệu hỗ trợ con tại nhà”, ông Sơn nói.
Người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên về cấp phép hoạt động các nhóm trẻ vì đây là nơi giải quyết được nhu cầu lớn về giữ trẻ song lại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Theo Vụ Giáo dục mầm non, năm học 2020-2021, toàn quốc có hơn 5,3 triệu trẻ em tại 15.480 nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non, hơn 21.230 điểm trường lẻ. So với năm học trước, số trường tăng 19, điểm trường lẻ giảm hơn 2.700.
Tổng số đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên là gần 530.000 người, bình quân 1,84 giáo viên mỗi lớp. Tỷ lệ giáo viên mầm non đạt trình độ chuẩn đào tạo trở lên theo Luật Giáo dục 2019 đạt 78,9%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục mầm non trong năm học qua gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của Covid-19. Trẻ em mầm non phải ở nhà trong thời gian dài, ảnh hưởng đến nền nếp, thói quen sinh hoạt. Chuyển đổi phương pháp giáo dục trong thời điểm dịch còn hạn chế. Cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp nhiều khó khăn, nguy cơ giáo viên mầm non chuyển đổi nghề nghiệp, bỏ việc, nhiều đơn vị phải dừng hoạt động và có nguy cơ giải thể.
[ad_2]