Bằng cấp du học ngày càng mất giá

[ad_1]

Các nhà tuyển dụng ngày nay ưu tiên hàng đầu cho các ứng viên có kỹ năng mềm và kiến thức số.

Hàng nghìn công ty tham gia khảo sát về khả năng có việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên các trường đại học năm 2021 (do công ty tư vấn nhân sự Emerging của Pháp điều hành, tạp chí Times Higher Education công bố).

Khảo sát này đặt yếu tố “quốc tế hóa” vào cuối danh sách các tiêu chí xác định những cơ sở giáo dục đào tạo ra sinh viên có khả năng tìm được việc làm cao nhất.

Kỹ năng và kinh nghiệm quốc tế chỉ đạt điểm trung bình 6,4/10 về mức độ quan trọng đối với khả năng xin được việc. Các công ty có trụ sở ở một số nền kinh tế phát triển như Australia, Đức hay Canada thậm chí chỉ cho tiêu chí này mức 5,7-5,8 điểm.

Laurent Dupasquier, Phó giám đốc của Emerging, cho biết các nhà tuyển dụng có quan điểm khác nhau tùy thuộc vào các khía cạnh của quốc tế hóa. Ví dụ, kinh nghiệm chuyên môn thu được ở nước ngoài được xem là đem lại lợi ích cho sinh viên nhất khi xin việc, trong khi bằng cấp từ việc du học ở quốc gia khác lại ít hữu ích nhất.

Quan điểm như vậy, theo ông Dupasquier, có thể ảnh hưởng nhiều đến sự lựa chọn của sinh viên trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm gia tăng những lo ngại về chi phí du học.

Một yếu tố khác có thể tác động đến sự giảm sút tầm quan trọng của yếu tố du học trong mắt các nhà tuyển dụng là sự thăng hạng của đại học trong nước. Chẳng hạn ở Trung Quốc, bằng cấp du học ở các nước phương Tây không còn được coi trọng như trước.

GS Aaron Koh Soon Lee (Đại học Trung Văn Hương Cảng) nhận định trước đây các nhà tuyển dụng có xu hướng nghĩ rằng trải nghiệm một hệ thống giáo dục nước ngoài khiến sinh viên tự do và sáng tạo hơn. Họ coi du học phương Tây là tốt nhất. Điều này khiến bằng tốt nghiệp đại học ở nước ngoài giống như giấy thông hành cho sinh viên. Nhưng khi các trường đại học Trung Quốc thăng hạng trên các bảng xếp hạng thế giới, du học sinh nhận thấy họ không còn là lựa chọn hàng đầu khi về nước xin việc.

Cũng theo GS Aaron Koh Soon Lee, sinh viên quốc tế bị đối xử như những “món hàng” hái ra tiền. “Các trường đại học phương Tây phụ thuộc rất nhiều vào học phí mà sinh viên quốc tế phải trả, nhưng một số trường không cung cấp được cho sinh viên những dịch vụ tương đương số tiền họ đóng”, GS Koh chia sẻ về lý do có thể khiến bằng cấp du học ngày càng “mất giá”.

Ngoài yếu tố quốc tế hóa, khảo sát về khả năng có việc làm của sinh viên các trường đại học được đưa ra dựa trên đánh giá của nhà tuyển dụng ở 5 tiêu chí khác (sắp xếp ngẫu nhiên) gồm: Sự xuất sắc về học thuật; Am tường về kỹ thuật số; Sự chú trọng vào nghề nghiệp; Kỹ năng mềm và kiến thức số; Sự chuyên môn hóa.

Từ những ảnh hưởng của Covid-19, các nhà tuyển dụng xếp kỹ năng mềm và kiến thức số là quan trọng hàng đầu. Các vị trí tiếp theo lần lượt là sự chuyên môn hóa, sự chú trọng vào nghề nghiệpam tường về kỹ thuật số.

Dương Tâm (Theo THE, SCMP)

[ad_2]