Áp lực nợ công từ việc bù lỗ cho lọc dầu Nghi Sơn và bảo lãnh cho Vinashin

Áp lực nợ công từ việc bù lỗ cho lọc dầu Nghi Sơn và bảo lãnh cho Vinashin

Lan Nhi

(TBKTSG Online) – Việc xử lý tài chính một số doanh nghiệp nhà nước, cam kết bảo lãnh của Chính phủ đối với một số dự án quan trọng (nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Vinashin…) sẽ tiếp tục tác động không nhỏ đến NSNN và nợ công trong thời gian tới.

Con tàu SBIC (Vinashin trước đây) tiếp tục là gánh nặng cho ngân sách và nền kinh tế sau 10 năm tái cơ cấu không thành Ảnh:TL

Đó là sự nhận định của Ủy ban tài chính- ngân sách ( UBTCNS – Quốc hội) khi thẩm tra các báo cáo về lĩnh vực tài chính, ngân sách của Chính phủ về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát và thực hiện chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội.

UBTCNS cho biết: đến nay, tỷ lệ bội chi và nợ công so với GDP tuy có xu hướng giảm nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro (như năm 2020). Như trong một báo cáo thẩm tra trước đó mà Chủ nhiệm UBTCNS Nguyễn Đức Hải đọc trước Quốc hội tuần trước, dự tính mức bội chi năm nay sẽ tăng ước khoảng 4,99% (thêm 1,55% so với sự toán). Nợ công vẫn tiếp tục tăng, ước tính đến 2020 dưới mức giới hạn an toàn nhưng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu ngân sách, là dấu hiệu rủi ro.
 

Nhưng các cam kết bảo lãnh của Chính phủ cho một số dự án quan trọng như Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và các khoản nợ trái phiếu của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin (nay đổi tên là SBIC) sẽ gây tác động đến ngân sách và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.
 

Liên doanh lọc hóa dầu Nghi Sơn được cấp phép từ năm 2008 do Petro Vietnam (PVN) với 3 đối tác nước ngoài là Nhật và Kuwait, trong số này PVN nắm giữ 25% cổ phần. Dự án này ngoài chuyện đội vốn đầu tư từ 6,1 tỉ đô la Mỹ lên 9,2 tỉ đô khi hoàn thành vào năm 2008 nay vẫn là gánh nặng cho PVN. Hay nói khác đi là gánh nặng cho ngân sách do cơ chế ưu đãi quá đặc biệt của Chính phủ dành cho dự án.
 

Theo thỏa thuận giữa các bên, khi dự án đi vào vận hành chính thức từ cuối 2018, lọc dầu Nghi Sơn không chỉ được áp giá bán buôn các sản phẩm của mình tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu nhập khẩu mà còn được cộng vào giá bán thêm thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu,3% đối với các sản phẩm hóa dầu.

Trong vòng 10 năm kể từ khi nhà máy vận hành, nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống mức ưu đãi thấp hơn mức kể trên thì Chính phủ, thông qua PVN sẽ bù lỗ cho Nghi Sơn số tiền chênh lệch này. Do đó, ngay từ năm 2016, thấy sức ép từ nguy cơ phải bù lỗ do các cam kết thuế quan giảm, PVN đã lên tiếng đề nghị thay đổi cơ chế bù lỗ, nếu không sẽ phải bù lỗ cho Nghi Sơn đến 3,5 tỉ đô la Mỹ (tương đường 7500 tỉ theo tỉ giá đồng Việt Nam/đô la Mỹ năm 2016).

Tuy nhiên, đến nay chưa có câu trả lời chính thức về cơ chế chấm dứt bù lỗ cho Nghi Sơn dù các bộ, ngành đã kiến nghị nhiều năm nay. Trong kế hoạch tài chính trung hạn (2016-2020), Chính phủ đã từng dự tính đến việc thực hiện mua bán xăng dầu với Nghi Sơn theo nguyên tắc thị trường để giảm gánh nặng bù lỗ cho ngân sách. Nhưng mọi việc đến nay vẫn “treo ” lại.

Tương tự, vào đầu năm 2013, Công ty TNHH MTV mua bán nợ Bộ Tài chính  (DATC) đã phải đứng ra thay mặt Chính phủ phát hành trái phiếu quốc tế có tổng giá trị 627 triệu đô la Mỹ để đảo nợ cho SBIC sau khi Vinashin (tên gọi trước đó) bị một công ty chủ nợ là Bluecrat Mercantile BV khởi kiện tại Anh vì đến hạn không trả được nợ. Sau khi chấp nhận mất đi 70% nợ gốc cho khoản trái phiếu, các chủ nợ nước ngoài nhận nợ mới của SBIC qua DATC với thời hạn 12 năm, gốc và lãi thanh toán khi đáo hạn (2025).
 

Sau đó, DATC lại phải đứng ra phát hành trái phiếu có bảo lãnh của Chính phủ để đảo nợ tại 19 tổ chức tín dụng trong nước cho SBIC. Tổng các khoản nợ gần 15.500 tỉ đồng sau khi hoán đổi còn lại 3.574 tỉ đồng. Khoản trái phiếu này có thời hạn 10 năm và lãi tính theo lãi Trái phiếu Chính phù kỳ hạn tương đương.
 

Từ nay đến hạn trả nợ cho các trái chủ khoản vay 627 triệu đô la Mỹ, SBIC vẫn ngập trong  thua lỗ và nguy cơ trả nợ thay của Chính phủ đang hiện hữu dần. Đó cũng là mối lo mà UBTCNS cảnh báo đang gây áp lực nên ngân sách vốn đã eo hẹp và nợ công cũng đáng e ngại theo.

Quốc hội đã đặt ra một số chỉ tiêu về quản lý nợ công như: Nợ công hằng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP; Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia dưới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ; Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước hằng năm.

Mời xem thêm:

Ai sẽ giúp DATC gánh khoản nợ 20.500 tỉ đồng của Vinashin



Nguồn