Máy móc về tới cửa khẩu rồi bất động
Dự án Nhà máy luyện đồng Bản Qua có tổng vốn đầu tư hơn 3.900 tỉ đồng với công suất 20.000 tấn/năm của Tổng công ty khoáng sản TKV (thuộc Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam) đặt tại tỉnh Lào Cai theo kế hoạch sẽ chạy thử trước 30.6 để vận hành chính thức quý 3 năm nay.
Đó chỉ là một trong rất nhiều dự án đang đình trệ do vi rút dịch Covid-19 gây ra. Cũng ngay chính tại địa phương này, một trong những dự án công nghiệp lớn là Nhà máy gang thép Lào Cai của Công ty CP VTM (một liên danh Tổng công ty thép Việt Nam cùng đối tác Trung Quốc) với công suất 500.000 tấn/năm cũng có nguy cơ dừng sản xuất trong 1 tuần tới vì thiếu than cốc vốn phải nhập từ Trung Quốc.
Ngày 4.3, trả lời Thanh Niên, lãnh đạo nhà máy cho hay nếu mỗi lần dừng sản xuất, khởi động lại thì thiệt hại sẽ lên đến cả trăm tỉ đồng. Do vậy, thay vì mỗi ngày phải nhập từ 800 – 1.000 tấn than cốc từ bên kia biên giới thì nhà máy đang phải mua vét từ các bạn hàng trong nước với số lượng rất nhỏ nhằm hoạt động cầm chừng, để tránh việc phải ngừng chạy máy.
Trong khi đó, theo phản ánh của hàng loạt đại diện hiệp hội ngành hàng tại cuộc họp với lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) diễn ra hôm qua (4.3) thì tình hình cũng không khá hơn. Bà Hoàng Ngọc Ánh, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may, cho biết ngoại trừ các doanh nghiệp (DN) lớn thuộc khối FDI đang được chủ nhãn hàng (là các tập đoàn đa quốc gia) đảm bảo nguyên phụ liệu đều đặn thì các DN trong nước, nhất là các công ty vừa và nhỏ đang đứng trước nguy cơ dừng hoạt động vào cuối tháng này.
“Ông lớn” đa quốc gia cũng khốn đốn
Trong khi đó, lãnh đạo Cục Công nghiệp cho biết với ngành điện – điện tử, tình hình còn bi đát hơn. Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu khoảng 40 tỉ USD các mặt hàng linh kiện điện tử, trong đó nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản lên đến 31,3 tỉ USD, chiếm hơn 80%. Đây cũng chính là 3 quốc gia đang có dịch bùng phát mạnh nên DN càng ảnh hưởng nặng. Hiện nay, các DN điện tử chỉ còn đủ lượng linh phụ kiện phục vụ cho sản xuất nhiều nhất là tới cuối tháng này.
|
Theo đại diện Hiệp hội DN điện tử Việt Nam, các DN trong ngành sẽ chịu ảnh hưởng chủ yếu ở các lô hàng linh phụ kiện nhập khẩu trong thời gian tới (do nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc) – đặc biệt là các DN sản xuất để tiêu thụ trong nước đã bắt đầu chịu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Các DN sản xuất theo chuỗi cung ứng đa quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng muộn hơn nhưng mức độ ảnh hưởng là tương đương, bởi nguồn linh kiện nhập khẩu từ các quốc gia khác cũng sử dụng nhiều nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc.
Dự kiến cuối tháng này, nếu dịch bệnh còn tiếp diễn, ảnh hưởng của tình hình trên sẽ trở nên rõ rệt với ngành sản xuất các sản phẩm điện tử như điện thoại và ti vi ở trong nước, khiến sản lượng suy giảm. “LG Việt Nam cho biết hãng đang phải đối mặt với việc không có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Đặc biệt, theo Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, ảnh hưởng của việc kiểm soát biên giới nhằm phòng ngừa dịch bệnh có thể sẽ ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất một số model chiến lược đời mới của hãng do một số linh phụ kiện sản xuất các dòng này được nhập khẩu từ Trung Quốc, mà chủ yếu qua cửa khẩu Lạng Sơn”, báo cáo của Cục Công nghiệp lo ngại.
Báo cáo hồi cuối tháng 2 của Cục Công nghiệp gửi Bộ Công thương cũng cho biết tình hình sản xuất khó khăn xảy ra cả với các thương hiệu như Toyota, Honda, Ford…
Lý giải điều này với Thanh Niên vào hôm qua, ông Ninh Hữu Chấn, Thư ký Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cho hay do các DN ô tô thường có kế hoạch dài hạn hơn, nguồn dự trữ nguyên liệu cũng dồi dào hơn nên ảnh hưởng lên ngành này có “độ trễ” hơn các ngành khác. Bên cạnh đó, do phần lớn linh phụ kiện được các hãng nhập qua đường biển nên mức độ ảnh hưởng do các yếu tố kiểm dịch cũng đỡ khắt khe hơn đường bộ.
Cục Công nghiệp dẫn báo cáo của Bộ KH-ĐT cho biết, các chỉ tiêu tăng trưởng của công nghiệp phụ thuộc rất lớn vào tình hình khống chế dịch bệnh, cụ thể: Trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý 1/2020, dự kiến giá trị gia tăng ngành công nghiệp quý này chỉ tăng 5,18% so với cùng kỳ 2019; trong đó, ngành chế biến, chế tạo – là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các ngành công nghiệp – chỉ tăng 6,28% trong quý 1 (so với dự kiến 10,47% trước đây). Trường hợp dịch bệnh kết thúc cuối quý 2, dự kiến giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong quý 2 tăng 5,33% so với cùng kỳ 2019; trong đó, ngành chế biến, chế tạo chỉ tăng 6,23% trong quý 2 (so với dự kiến 11,21% trước đây).
|
Ngưng thanh tra để hỗ trợ DNNgày 4.3, tại cuộc họp với các hội, hiệp hội nhằm giải cứu DN ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông Lương Công Tuấn, Phó chánh thanh tra TP.Đà Nẵng, cho biết Thanh tra TP.Đà Nẵng đã tạm dừng các cuộc thanh tra theo kế hoạch trong năm 2020. Chủ trương này áp dụng cho 2 đối tượng DN và các cơ quan đơn vị; mục tiêu nhằm tạo điều kiện DN làm ăn xoay xở trước các khó khăn và để các tổ chức phòng chống dịch. “Riêng trường hợp cần tiến hành để đảm bảo công tác quản lý nhà nước, Thanh tra TP báo cáo Chủ tịch UBND TP quyết định, và đối với DN có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì phải thực hiện”, ông Tuấn nói. Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cũng yêu cầu chỉ trừ trường hợp DN có dấu hiệu vi phạm, thì các đơn vị khác như quản lý thị trường, thuế… mới thực hiện thanh kiểm tra đột xuất. Nguyễn Tú
|