Có 50-60 người đến nhà hàng Trung Quốc của Veronica Li ở Rome để ăn mỗi tối, nhưng cuối tuần qua, nơi đây chỉ có hai khách.
Veronica Li chỉ vào chồng hóa đơn tại nhà hàng Trung Quốc của cô gần Colosseum, Rome, Italy rồi nói: “Tôi vừa mới phải cho ba nhân viên nghỉ việc. Nếu điều này vẫn tiếp tục diễn ra, tôi chắc sẽ phải đóng cửa vào tháng tới”.
“Điều này” mà Li nhắc tới chính là việc sụt giảm du khách đáng báo động, sau khi Trung Quốc cấm công dân đi du lịch nước ngoài, nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch viêm phổi do virus corona gây ra. Li xin chủ nhà giảm tiền thuê vì kinh doanh khó khăn, nhưng bị từ chối. Hiện tại, mỗi tháng cô phải trả 8.500 Euro tiền thuê mặt bằng.
Li có 21 năm sinh sống và làm việc ở Italy. Ảnh: BBC. |
Li nói con gái cô đang bị bạn bè xa lánh ở trường cũng vì dịch viêm phổi lạ. “Con bé không muốn tới lớp, nhưng nếu con ở nhà, mọi người sẽ nghĩ con bị nhiễm virus”, Li nói. Trong khi cô đang trò chuyện với phóng viên, hai du khách Trung Quốc bước vào xin sử dụng nhờ nhà vệ sinh. Họ đã đi nhiều nơi và đều bị từ chối.
Cách nhà hàng của Li khoảng 100 m là khách sạn Palatino, nơi có hai khách du lịch Trung Quốc nhiễm virus corona đang ở. Quản lý khách sạn từ chối trò chuyện, nhưng nhân viên thừa nhận năm nay họ đã có những tháng ngày “yên tĩnh” vì khách đến ít. Nhiều người đặt phòng, rồi hủy.
Ở Italy và các nơi khác, sự hoảng loạn còn lan nhanh hơn so với tốc độ lây của virus. Các cơ sở kinh doanh phục vụ khách Trung Quốc vắng tanh, nhiều quầy hàng phải đóng cửa và du khách mang quốc tịch Trung Quốc đang dần bị nhiều người xa lánh.
Một quầy bar gần đài phun nước Trevi đã treo biển không tiếp du khách mang quốc tịch này. Một trường âm nhạc ở Rome yêu cầu sinh viên đến từ Đông Á không đi học. Bốn thống đốc kêu gọi trẻ em trở về từ các chuyến du lịch Trung Quốc không đến trường trong 14 ngày.
Sự việc này bị chính quyền Italy lên án. Thủ tướng Giuseppe Conte khiển trách các thống đốc vì họ không đủ thẩm quyền để thực hiện những lời kêu gọi như vậy, và khẳng định không thể biện minh rằng đó là vì sợ hãi. Nhưng sau khi có hai ca nhiễm virus corona, chính phủ nước này buộc phải phát đi thông báo khẩn.
Cùng là “nạn nhân” của dịch viêm phổi cấp còn có những du khách bị cách ly – người vô tình tiếp xúc hoặc bị nghi ngờ lây virus từ người nhiễm. “Chuyện gì tiếp theo sẽ xảy ra với chúng tôi” là câu hỏi mà David và Sally Abel, hai du khách Anh đã trăn trở suốt những ngày qua.
Họ đã có mặt trên tàu du lịch Diamond Princess đang đậu ngoài khơi bờ biển Yokahama, Nhật Bản. Con tàu đang bị chính quyền nước này phong tỏa. 20 thủy thủ và hành khách nhiễm virus corona. Nhiều người trong số 3.700 hành khách được cho là có triệu chứng lây nhiễm và đang trải qua quá trình sàng lọc nghiêm ngặt.
Vợ chồng David và Sally thực hiện cuộc phỏng vấn với phóng viên từ tàu Princess Crusie. Ảnh: ITV. |
Dù vậy, David và Sally vẫn còn may mắn vì vẫn có thể ngồi trên ban công và hít không khí trong lành. Những người khác thậm chí còn không được làm điều đó. Sau khi cách ly khách trong phòng, thuyền trưởng thông báo họ được phép lên boong tàu. Những hành khách bị giới hạn này được phát khẩu trang và có thể đi bộ xung quanh để tập thể dục, hít khí trời trong thời gian ngắn. Đây là những thông báo duy nhất từ thuyền trưởng mà họ nhận được.
Trong buổi phỏng vấn gần nhất qua điện thoại với Good Morning Britain, cả hai lo lắng cho tương lai: “Điều gì sẽ xảy ra với chúng tôi? Chúng tôi có được kiểm tra sức khỏe lại không? Thời hạn cách ly 14 ngày sẽ bắt đầu kéo dài từ hôm nay, hay khi nào”?. Họ không biết sau khi cách ly trên tàu và trở về quê nhà, họ có bị cách ly tiếp? Không ai trả lời họ những câu hỏi đó.
Tàu du lịch Diamond Princess mới đây thông báo, các hành khách được cung cấp mạng internet, điện thoại miễn phí để liên lạc với người thân trong gia đình. Các thuyền viên trên tàu vẫn làm việc để phục vụ hành khách, tạo cho mọi người cảm giác thoải mái nhất.
Anh Minh (Theo BBC)