Doanh nghiệp dệt may vào cuộc sản xuất khẩu trang | Tài chính – Kinh doanh

Sẽ cung cấp 400.000 khẩu trang vải mỗi ngày

Công ty cổ phần Everpia (công ty sản xuất và kinh doanh sản phẩm chủ yếu là chăn drap gối đệm) đã chính thức tham gia may khẩu trang vải tặng khách hàng. Theo bà Lê Hoàng Sâm – phụ trách phòng kinh doanh và marketing của công ty, do mặt hàng khẩu trang y tế khan hiếm nên công ty đã có ý tưởng dùng nguyên phụ liệu sẵn có để may khẩu trang tặng miễn phí cho người dân để chung tay cùng cộng đồng.



Bác sĩ Chợ Rẫy hướng dẫn cách đeo khẩu trang y tế chuẩn để phòng virus corona


Hiện nay người dân có thể sử dụng khẩu trang vải bên cạnh khẩu trang y tế Ảnh: T.Xuân

Hiện nay người dân có thể sử dụng khẩu trang vải bên cạnh khẩu trang y tế

Sản phẩm khẩu trang bằng vải 100% cotton đã có kiểm hóa và nguồn gốc xuất xứ, có thể giặt và sử dụng nhiều lần được bắt đầu sản xuất từ ngày 30.1. Số lượng dự kiến ban đầu là 50.000 chiếc được phát tặng miễn phí từ ngày 4.2 tại khu vực phía bắc và kế hoạch tiếp theo có thể sẽ là khu vực miền Trung và miền Nam.

Trong khi đó, nhiều công ty thuộc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng đã tham gia mạnh vào việc sản xuất khẩu trang. Cụ thể, từ đầu tháng 2, Công ty dệt kim Đông Xuân (Hà Nội) đưa ra thị trường loại khẩu trang được may 2 lớp từ vải chống khuẩn và thu hút quan tâm của người tiêu dùng. Ông Trần Việt, Tổng giám đốc Công ty dệt kim Đông Xuân, cho biết công ty chuyên sản xuất loại vải kháng khuẩn để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản từ nhiều năm qua, vải đã được kiểm định đáp ứng tiêu chuẩn của Nhật Bản.

Hiện nay công ty chỉ may được 50.000 khẩu trang/ngày, bán với giá 7.000 đồng/cái, bằng với giá thành sản xuất. Dự kiến trong tuần tới, công ty hợp tác với một số đơn vị gia công khác nên sẽ tăng số lượng lên khoảng 200.000 khẩu trang/ngày để cung cấp ra thị trường. Công ty cũng sẵn sàng cung cấp loại vải kháng khuẩn với giá 175.000 đồng/kg để khuyến khích nhiều đơn vị khác cùng tham gia sản xuất khẩu trang vải.



Nên đeo loại khẩu trang nào để phòng virus corona |Bác sĩ Chợ Rẫy giải đáp

Tổng công ty may Hưng Yên cũng đã triển khai may khẩu trang phục vụ thị trường từ ngày 4.2; Tổng công ty dệt may Hòa Thọ cũng đang khẩn trương sản xuất thêm khẩu trang để phục vụ nhu cầu người dân hay tại Tổng công ty May 10 cũng tiến hành sản xuất thêm khẩu trang để phát miễn phí…

Trước đó, trong buổi trao đổi với báo chí vào ngày 3.2, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc tập đoàn Vinatex, cho biết Chính phủ đã giao cho Tập đoàn về việc sản xuất một số mặt hàng khẩu trang kháng khuẩn để cung ứng cho thị trường với giá bình ổn, tránh tình trạng khan hiếm, đầu cơ nhằm trục lợi của một số nhà thuốc, đơn vị cung ứng khẩu trang y tế như thời gian vừa qua.

Vì vậy, các doanh nghiệp (DN) thành viên đã tổ chức thiết kế, xây dựng quy trình may, cũng như đào tạo công nhân, triển khai quy trình sản xuất, sử dụng một số chuyền may để sản xuất khẩu trang. Dự kiến, trong thời gian tới sẽ cung ứng được ra thị trường từ 300.000 – 400.000 sản phẩm/ngày và phục vụ ngay tại địa phương, những nơi mà DN trú đóng. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Vinatex và các DN thành viên cũng sẽ phát miễn phí gần nửa triệu khẩu trang cho các địa phương.



Khốn khổ tìm mua khẩu trang y tế trong đợt dịch do vi rút corona gây ra

Sử dụng được khẩu trang vải

Theo ông Trần Việt, khẩu trang bằng vải kháng khuẩn của công ty có thể tái sử dụng trong vòng 30 lần giặt. Theo kiểm định của phía Nhật Bản, số lần sử dụng đó vẫn còn tác dụng ngăn chặn được vi khuẩn.

Về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm và Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1 – TP.HCM), khẳng định người dân có thể xài được cả khẩu trang y tế lẫn khẩu trang vải. Đặc biệt bác sĩ Khanh lưu ý khẩu trang y tế xưa nay thường chỉ 2 lớp, loại đặc biệt dùng cho phòng mổ mới 3 lớp. Nay trên thị trường khẩu trang 4 – 5 lớp không khác so với loại 3 lớp. Để phòng dịch tiết lây lan khi tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh hoặc khu vực có tiếp xúc dịch tễ, người dân có thể sử dụng loại khẩu trang phẫu thuật 3 lớp.

Đây là loại khẩu trang có thể ngăn ngừa dịch tiết chứa vi rút Corona. Ngoài ra, các loại khẩu trang chuyên dụng như N95 và quần áo bảo hộ chỉ dùng cho nhân viên y tế làm việc trong môi trường tiếp xúc với mầm bệnh.

“Đeo khẩu trang trong mùa dịch bệnh là nhằm tránh nước bọt bắn vào. Thế nên, nếu vào khu vực tập trung đông người, nên đeo khẩu trang y tế loại thường đề phòng tránh nước bọt người lạ bắn vào mình. Nếu dùng khẩu trang vải, nên lót bên trong 2 miếng giấy ăn sạch để nước bọt nếu có, thấm vào đó, không bị bắn ra ngoài. Như vậy, khẩu trang vải có thể sử dụng như bình thường, dơ thì giặt, đơn giản vậy thôi”, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên.

Trên thị trường, khẩu trang vải được bán nhiều và giá cũng không thay đổi như trước đây. Sản phẩm được may bằng thun cotton 2 lớp giá từ 10.000 – 15.000 đồng/chiếc.

Loại trùm kín cả cổ và đầu khoảng 25.000 đồng/chiếc. Khẩu trang vải dành cho trẻ em giá từ 8.000 – 15.000 đồng/chiếc, chất liệu vải in hình 3D thường cao nhất 15.000 đồng/chiếc dành cho trẻ em.


Không thiếu nguyên liệu sản xuất

Trả lời Thanh Niên chiều 5.2, đại diện Tổng công ty may Đồng Nai cho biết không thiếu vải để sản xuất khẩu trang y tế vì nguồn nguyên liệu chính là hạt nhựa do công ty nhập khẩu từ nhiều nước.

Do nhu cầu khẩu trang y tế trên thị trường gia tăng đột ngột, vượt quá nhiều lần năng lực sản xuất của các đơn vị sản xuất nên cung không đủ cầu.

Vì vậy Tổng công ty may Đồng Nai đang nghiên cứu để đưa vào may khẩu trang dùng 1 lần bằng vải không dệt kháng khuẩn do chính mình sản xuất. Hiện có một số DN dệt may lớn đã mua thêm vải không dệt kháng khuẩn từ tổng công ty để may kèm với lớp vải cung cấp cho nhân viên sử dụng vì lượng công nhân, nhân viên của các công ty may rất đông. 



Nguồn