“Người đi trong cõi vô thường
Biết chăng thế sự còn vương nỗi lòng”
Mỗi khi Tết đến Xuân về, ai ai cũng nôn nao đợi chờ phút xuân sang. Có lẽ, mùa Xuân vốn dĩ là dịp để chúng ta gửi gắm niềm ước mơ, hy vọng và cả những hoài niệm vui buồn trong quá khứ.
Trên con phố thư pháp có thâm niên hơn 20 năm tọa lạc tại góc đường Phạm Ngọc Thạch. hình ảnh những ông đồ trẻ, xúng xính trong áo dài khăn đóng, tay run run luyện thảo bút lông cùng mực Tàu sao cho thật bay bổng để dành tặng cho khách du xuân tìm đến đặt những câu đối hoặc liễn sao cho thật hay để chuộc chữ về nhà chưng xuân đón Tết. Nghe nói, hồi lập ra khu phố này, những người tâm huyết đã gặp nhiều khó khăn khi muốn dàn dựng lại không gian Tết xưa trong bối cảnh cuộc sống hiện đại.
Từ cái thuở đầu nhiều gian khó nhưng với tinh thần tôn trọng ngày Tết quê hương, Tết cổ truyền, nét văn hóa Việt đã lan tỏa và thấm vào trái tim công chúng Sài Thành rất nhanh. Dần dà, không ai bảo ai, cứ đến rằm tháng Chạp, các nam thanh nữ tú cho đến người già đều kéo về khu phố thư pháp này, dạo chơi ngắm các ông đồ và chụp nhiều bức ảnh làm kỷ niệm..
Văng vẳng trong khu phố thư pháp rộn rịp, bỗng có tiếng hát từ một loa cất lên nghe khá du dương. Tuy nhiên câu kết của bài hát làm người viết chú ý :“ Nghiệp thư đồ con trả mãi không xong”. Với bản tính tò mò, người viết đi tìm lại lịch sử của bài hát, bất ngờ hơn khi nghe được câu chuyện đời đầy xúc động của một người thầy dạy, trình diễn thư pháp nhiều năm tại khu phố này. Đó là thầy Mặc Phương Hoa Nghiêm! Một Thư Pháp Gia nổi tiếng trong làng thư pháp Việt. Nhưng bản mệnh lại vắn số vì thầy đã an nghĩ chốn vĩnh hằng từ năm 2017.
Đi tìm tác giả làm nên ca khúc Nghiệp Thư đồ. Người viết bất ngờ khi được biết đó chính là Trường Kha Tibetan- nhạc sĩ chuyên sáng tác dòng nhạc Thiền và các ca khúc đậm phong thái nhân sinh quan. Tìm đến khuôn viên ngôi vườn xanh mướt của tư gia và thưởng trà cùng chàng ca sĩ tự đứng ra tổ chức chương trình nghệ thuật Rộn ràng Xuân vừa được công diễn tại sấn khấu Trồng đồng cách đây không lâu. Bên ly trà ngắm nhìn hàng cây cảnh điểm xuyết muôn sắc hoa. Trường Kha hồi tưởng về mối duyên bằng hữu cùng Hoa Nghiêm trong âm thanh man mác.
Nhẹ giọng; Trường Kha chia sẻ: Kha biết Hoa Nghiêm khá lâu, khi em ấy vừa chỉ đôi mươi và đang là tu học. Lý do để biết em ấy vì Kha vốn là Phật tử, hay đến các chùa để cúng dường và tặng quà cho các mảnh đời cơ nhỡ mà Chùa nhận nuôi. Vào năm 2005, Kha đã gặp Hoa Nghiêm tại Chùa. Khi ấy, em đang học viết Thư Pháp do sư Thầy trụ trì dạy bảo.
Ngồi trò chuyện cùng sư thầy và Hoa Nghiêm, Kha được biết thêm; tên thật của em là Ung Tự Do và có hoàn cảnh sống khá bất hạnh. Gia đình em vốn là người dân tộc tại vùng sâu và xa. Khi được 7 tuổi, cha mất. Mẹ của em bỏ mặc con để đi bước nữa. Trong cảnh khốn cùng không ai chăm sóc, vài người thân đã dắt em vào viện mồ côi, sống vào sự thí phát của xã hội.
Do ở vùng sâu, cảnh sống của các bé côi cút rất khó khăn cực khổ, nhờ nhân duyên đưa đẩy, cậu bé Ung Tự Do được các ni sư tại cô nhi viện Diệu Giác đón về nuôi dạy gần 10 năm. Khi tròn 18 tuổi, Em quyết định xuất gia và tu học tại chùa Vĩnh Đức.
Được sự chỉ dạy của Sư Thầy trong việc rèn dũa cách viết thư pháp tài hoa, bay bổng theo thiên khiếu cộng thêm bản thân có tố chất nghệ thuật thơ ca. Kể từ đó, sư thầy đã đặt cho em một tên mới là Mặc Phương Hoa Nghiêm. Bút danh ấy đã tỏa sáng cho em trên con đường trở thành Thư pháp Gia nổi tiếng.
Kha nói tiếp: Sau chuyến hội ngộ ấy, Kha có khuyên Hoa Nghiêm hãy vững tâm theo nghề vì khi nhìn cách em ấy lược thảo nét bút. Kha nhận ra Hoa Nghiêm có hạnh phước rất sáng trong môn nghệ thuật này. Được sự động viên của sư trụ trì. Hoa Nghiêm đã tôi luyện miệt mài. Sau bao năm tháng thăng trầm, nếm trải đủ mọi gian khổ nhọc nhằn. Nét bút thư pháp Hoa Nghiêm đã thành danh. Lúc bấy giờ, cuộc sống của vị thư pháp gia trẻ đã hái được quả ngọt. Hoa Nghiêm được công chúng mến mộ và dành được nhiều tịnh tài hậu hỉ. Từ đó, nỗi buồn riêng phần nào cũng nguôi ngoai.
Khi cuộc sống ổn định, chợt nhớ và thấu hiểu lời sư thầy dạy: “ Phải biết buông bỏ để tâm nhẹ nhàng”. Hoa Nghiêm tập quên và tha thứ nỗi đau mà mẹ đã bỏ rơi từ nhiều năm trước bằng cách quyết định đi tìm mẹ ở Quảng Nam, dù biết mẹ đã có mái ấm khác cùng ba con riêng nhưng khi hội ngộ. Hoa Nghiêm đã tiếp nhận tất cả với tình thương và lòng hiếu thảo. Em đã dồn tiền của để phụ mẹ lo cho các em ăn học chu toàn.
Từ đó, cuộc sống của Hoa Nghiêm bỗng thay đổi: ngoài việc gieo trồng, dạy cho thế hệ trẻ hiểu về thư pháp. Em mơ ước sẽ có hàng ngàn thư pháp gia ra đời để tiếp tục tặng cho nhân gian nét tài hoa của thư pháp Việt, cộng với niềm vui khi tìm lại được gia đình. Từ đó, niềm tin sống thanh lành , biết tu thân dưới bóng từ bi. Tất cả đã tiếp sức cho nét thư pháp tài hoa của vị thư pháp gia ngày càng rực rỡ.
Cứ tưởng cuộc sống sẽ tiếp nối với tràn ngập yêu thương mãi mãi. Cuối năm 2016, khi dự lễ giỗ tổ nghề sân khấu do ca sĩ Trường Kha tổ chức. Hoa Nghiêm đã xúc cảm chia sẻ tâm tình của bản thân qua những vần thơ mà em tự viết trong buổi lễ ấy với trái tim chân thành. Qua đó, vị thư pháp gia trẻ cũng cảm ơn anh Trường Kha đã có nhiều lời khuyên để giúp em phát triển bản thân và đạt được thành công nhất định.
Trân trọng sự cố gắng đầy nỗ lực của người em Phật Tử. Ca sĩ Trường Kha đã phổ nhạc thành ca khúc “NGHIỆP THƯ ĐỒ” để tặng riêng Hoa Nghiêm. Không ngừng ở đó, Trường Kha đã thể hiện tác phẩm này thật xuất sắc bởi Kha đã hát bằng tất cả niềm thấu hiểu và đồng cảm số phận một cuộc đời trong thế sự xoay vần. Ca khúc ấy cũng toát lên câu chuyện về sự nổ lực không bỏ cuộc, không khuất phục số phận và không ngừng cố gắng của thầy đồ trẻ.
Nhưng có ai ngờ! bài hát chỉ mới ra đời vào mùa xuân năm 2016 lập tức dẫn đầu bảng xếp hạng nhạc trữ tình do thính giả Zing mp3 bình chọn suốt thời gian dài, thì chưa tròn năm, Hoa Nghiêm đã rời xa nhân thế. Bây giờ, chỉ còn ca khúc này vang vọng vào mỗi dịp Xuân, như nhắc nhớ một cánh bướm hoa Xuân mang tên Mặc Phương Hoa Nghiêm. Người đã tô đẹp cuộc đời, với nét thư pháp uyển chuyển lạ lùng mang đầy hơi thở thăng trầm cuộc sống trong khu vườn nghệ thuật.