[ad_1]
Sáng nay, học sinh khối 1 toàn thành phố háo hức được gặp bạn bè và thầy cô lần đầu tiên; trong khi phụ huynh vẫn đầy âu lo.
6h, Nguyễn Hữu Hoàng Sa (7 tuổi), bật người khỏi lớp chăn ấm khi được bố đánh thức. Hôm nay Hoàng Sa đến trường, theo kế hoạch cho học sinh khối lớp 1 đi học trực tiếp của chính quyền Đà Nẵng.
Sau ít phút còn uể oải vì phải dậy sớm hơn hai giờ đồng hồ so với những ngày ở nhà học trực tuyến ba tháng qua, cậu bé tự giác đánh răng, rửa mặt, ăn sáng và được chị gái Trường Sa giúp mặc đồng phục.
Trong chiếc cặp nhỏ, ngoài sách vở, còn có hai chiếc khẩu trang dự phòng, một chai khử khuẩn nhỏ. Hoàng Sa cũng được mẹ chuẩn bị nước uống mang theo. Em là một trong số hơn 300 học sinh khối 1 trường Tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê).
7h sáng, Hoàng Sa được bố và chị gái dắt bộ đến trường học gần nhà. Theo quy định, phụ huynh chỉ đưa con đến cổng (ngoại trừ trời mưa mới vào sảnh chờ); các em sau đó được phân luồng, khử khuẩn tay và đo thân nhiệt.
Dù cả cô và trò đều phải đeo khẩu trang, nhưng Hoàng Sa nhận ra ngay cô giáo chủ nhiệm của mình đang đứng chờ sẵn trong sân trường. Cậu bé không giấu nổi niềm vui khi lần đầu gặp cô và các bạn, sau hơn 70 buổi học trực tuyến chỉ biết chào nhau qua máy tính.
Trường Tiểu học Trần Cao Vân có 9 lớp 1. Nhà trường có 3 cơ sở nên thuận lợi trong việc chia tách, ba lớp học ở một địa điểm. Để hạn chế tập trung đông người, giáo viên chủ nhiệm cũng thông báo giờ đón học sinh của mỗi lớp cách nhau 10 phút.
Tiết học đầu tiên, Hoàng Sa cùng các bạn được ôn tập lại kiến thức, bằng việc đọc to những con chữ trên một phần bảng. Phần bảng còn lại được cô chủ nhiệm vẽ bức tranh bằng phấn có nhiều bóng bay và hoa, cùng dòng chữ màu vàng Chào đón học sinh lớp 1/7.
“Đeo khẩu trang suốt buổi học, chỉ được mở khi uống nước hoặc sữa, em thấy hơi khó thở một chút. Ra chơi cũng tại chỗ, chưa được xuống sân trường. Nhưng được đi học em rất vui”, Hoàng Sa nói sau buổi học đầu tiên. Về nhà, cậu bé mãi mới chịu cởi đồng phục.
Ở bên kia sông Hàn, học sinh Nguyễn Khải Tường cũng háo hức suốt mấy hôm nay khi nghe bố mẹ thông báo được đi học. Sáng nay, cậu dậy sớm, tự giác vệ sinh cá nhân và mang áo quần, giục bố chở đến lớp trong tiết trời lạnh và mưa nhỏ. Cậu bé chạy đến ôm chầm lấy cô giáo – người cậu mới chỉ “gặp” qua các tiết học online.
Trong khi học sinh háo hức, nhiều phụ huynh vẫn lo lắng. Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết, trong sáng nay có gần 65% học sinh lớp 1 đến trường. Con số này ở học sinh khối lớp 8 và 9 (cùng đi học buổi đầu tiên), là 96%.
“Tỷ lệ học sinh lớp 1 thấp một phần do tâm lý phụ huynh, một phần do có nhiều trường tiểu học (19 trường tiểu học, chiếm 19%) chưa được tổ chức dạy học trực tuyến, do nằm trong vùng có cấp độ dịch 3 – vùng cam”, ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó giám đốc Sở nói.
Tại Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu), ba ngày trước nhà trường khảo sát có hơn 72% phụ huynh khối lớp 1 đồng ý cho con học trực tiếp, 12% không tán thành, số còn lại đang phân vân. Hôm qua, số phụ huynh đồng ý tụt xuống 49%. Nhưng sáng nay, số học sinh đến lớp là hơn 52%.
“Số học sinh đi học trực tiếp cũng chênh lệnh rõ giữa các lớp. Có lớp là 38/42, có lớp chỉ 17/42”, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Tiểu học Núi Thành, cho hay.
Dịch bệnh ở Đà Nẵng đang diễn biến phức tạp, những ngày qua số ca nhiễm mới đều tăng (ngày 6/12 là 125 ca, trong đó 101 ca có khả năng lây cho cộng đồng). “Nhưng nếu không cho con đi học thì sợ các cháu không được uốn nắn những nét chữ đầu tiên, phụ huynh còn phải đi làm chứ không thể ở nhà trông con mãi”, chị Nguyễn Thị Lan (33 tuổi, trú quận Thanh Khê), nói.
Anh Nguyễn Văn Giảng (46 tuổi, trú quận Liên Chiểu), cho biết hai vợ chồng đã thảo luận rất nhiều về việc có cho con đi học hay không. “Sáng nay chúng tôi quyết định cho con ở nhà, vì xét thấy thời điểm này chưa thực sự phù hợp”, anh nói, cho biết đã nói chuyện với con trai về lo lắng của cha mẹ, dù cháu “rất háo hức đến trường”.
Theo anh Giảng, xung quanh khu vực gia đình sinh sống những ngày qua đều phát hiện ca cộng đồng. Các ca bệnh này chủ yếu có triệu chứng và tự đến cơ sở y tế để lấy mẫu xét nghiệm. “Trước khi cho học sinh đến trường, ngành y tế thành phố nên cho xét nghiệm toàn dân từ một đến hai lần để có cơ sở đánh giá và phụ huynh cũng yên tâm hơn”, anh Giảng nói.
Một lý do lo ngại khác, theo phụ huynh này, là việc các lớp học dù đã bố trí cách lớp, học sinh đeo khẩu trang và chưa ra chơi tập trung, nhưng sĩ số 35 – 40 em chung một phòng “nếu có một ca F0 thì sẽ vất vả để xử lý”. “Nếu mỗi lớp phân chia 50% các em đi học thì phụ huynh sẽ yên tâm hơn”, anh Giảng đề xuất.
Để đảm bảo kiến thức cho những học sinh chưa đến lớp học trực tiếp, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng – Trần Nguyễn Minh Thành – cho biết Sở sẽ tuỳ theo cấp học và điều kiện của mỗi trường để đặt camera để học sinh theo dõi bài học trên lớp, gửi bài giảng hoặc gom các em lại thành một nhóm để phân công giáo viên hướng dẫn.
[ad_2]