[ad_1]
Các công ty lớn như Apple, Sony, Xiaomi hiện vật lộn với tình trạng cung không đủ cầu do sản lượng không đạt kỳ vọng.
Năm ngoái, công ty có trụ sở tại Cupertino được đánh giá là nhanh nhạy do đã tích trữ lượng lớn chip khi khủng hoảng bán dẫn xảy ra. Tuy nhiên, năm nay, họ vẫn không tránh khỏi bị ảnh hưởng do vấn đề nghiêm trọng hơn dự đoán.
Apple hiện không đáp ứng đủ iPhone và iPad tại nhiều thị trường toàn cầu do thiếu linh kiện, đặc biệt là ở khu vực châu Á. Để giải quyết “cơn khát iPhone”, hãng thậm chí phải phân bổ lại linh kiện vốn dành cho smartphone đời cũ sang cho iPhone 13.
Hồi tháng 10, CEO Tim Cook thừa nhận công ty thiệt hại 6 tỷ USD do thiếu hụt chip toàn cầu và chuỗi cung ứng chậm trễ vì đại dịch. Theo Bloomberg, Apple không nhận đủ chip từ Broadcom và Texas Instruments, nên phải cắt giảm mục tiêu sản xuất từ 90 triệu iPhone 13 xuống còn 80 triệu trong ba tháng cuối năm.
Xiaomi công bố kết quả kinh doanh quý III/2021 với 43,9 triệu smartphone bán ra trên toàn cầu, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhà sản xuất Trung Quốc cho biết đã phải cắt giảm 10-20 triệu điện thoại dự kiến xuất xưởng năm nay do không đủ chip.
Xiaomi đặt tham vọng phân phối 200 triệu smartphone ra thị trường trong năm nay. Tuy nhiên, do ảnh hưởng trên thị trường bán dẫn, họ chỉ có thể xuất xưởng khoảng 180 triệu máy, tăng 30% so với 2020, nhưng không đạt mục tiêu đề ra. “Thiếu hụt chip tác động lớn đến kế hoạch của chúng tôi. Áp lực trong quý cuối năm cũng đang rất lớn”, Chủ tịch Xiaomi Wang Xiang cho biết hôm 23/11. Số liệu từ IDC cũng cho thấy Xiaomi đã mất vị trí thứ hai trên thị trường di động vào tay Apple.
Hãng điện tử Nhật Bản đã dừng nhận đơn đặt hàng một số máy ảnh kỹ thuật số, như Alpha 7 II và Alpha 6400, từ đại lý bán lẻ và khách hàng cho đến đầu năm sau. Trên website, công ty gửi lời xin lỗi: “Tác động của tình trạng thiếu chip đã trở nên nghiêm trọng hơn dự đoán”.
Sony hiện tập trung vào một số sản phẩm chủ lực nhằm phục vụ mùa mua sắm cuối năm. Ngoài ra, hãng thừa nhận tác động của Covid-19 đến các nhà máy sản xuất ở Đông Nam Á cũng là một trong những nguyên nhân khiến nguồn cung máy ảnh khan hiếm. “Chúng tôi không thể dự đoán khi nào các vấn đề được giải quyết. Mọi thứ chỉ có thể được giảm thiểu bằng cách cân đối linh kiện cho từng bộ phận, cũng như tích trữ hàng trong kho”, đại diện Sony nói thêm.
Bên cạnh máy ảnh, theo Bloomberg, Sony cũng phải giảm sản lượng máy chơi game PlayStation 5. Ban đầu, hãng ước tính có thể lắp ráp 16 triệu máy, nhưng đang điều chỉnh giảm một triệu máy. PlayStation 5 liên tục bị cháy hàng từ khi ra mắt cuối năm ngoái. Các đối tác của Sony cho biết mục tiêu sản lượng 22,6 triệu PS5 trong năm tài chính tiếp theo sẽ vô cùng khó khăn.
Theo The Elec hồi tháng 9, ông TM Roh, người đứng đầu bộ phận di động của Samsung, được cho là phải hai lần lặn lội qua Mỹ để gặp một nhà cung cấp linh kiện bán dẫn với mong muốn được ưu tiên cung cấp thêm chip. Tuy nhiên, trong hai chuyến đi vào tháng 3 và tháng 7 này, yêu cầu hãng điện tử Hàn Quốc đều bị từ chối.
Theo giới quan sát, việc “cầu cứu” một nhà cung ứng bán dẫn là điều bất thường nếu xét đến vị thế sủa Samsung trên thị trường smartphone. Tuy nhiên, vấn nạn thiếu chip đã khiến mọi thứ trở nên khó khăn.
Samsung có thể tự sản xuất chip, nhưng nhiều smartphone, tablet của hãng vẫn sử dụng vi xử lý từ bên thứ ba. The Elec cho biết, khủng hoảng chip cũng ảnh hưởng đến kế hoạch cho ra mắt Galaxy S21 FE vì nguồn cung Snapdragon 888 của Qualcomm không đủ, cũng như hãng muốn để dành linh kiện cho các model chiến lược như Galaxy Z Fold3 và Galaxy Z Flip3.
Bảo Lâm tổng hợp
[ad_2]