Học sinh đối diện hiểm họa khó lường từ lừa bịp trực tuyến

[ad_1]

Khảo sát cho thấy 51% thanh thiếu niên tin rằng các trò lừa bịp trực tuyến là vô hại, làm dấy lên mối lo lắng cho phụ huynh và nhà trường trong quản lý và giáo dục.

Chiều 18/11, tại sự kiện “Trao quyền an toàn”, TikTok công bố báo cáo “Tìm hiểu các biện pháp ứng phó hiệu quả trong giáo dục phòng ngừa đối với những thử thách trực tuyến nguy hiểm”, được thực hiện bởi Tổ chức Bảo hộ Độc lập Praesidio Safeguarding. Hơn 10.000 thanh thiếu niên (13-18 tuổi), phụ huynh và giáo viên từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, được khảo sát về những thử thách và trò lừa bịp trực tuyến.

Thử thách trực tuyến được định nghĩa là việc mọi người ghi lại cảnh bản thân làm điều gì đó khó khăn hoặc mạo hiểm, sau đó chia sẻ và khuyến khích người khác thực hiện lại. Bên cạnh những thử thách và xu hướng tích cực, một số rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tổn hại vĩnh viễn hoặc thương tích lâu dài cho người tham gia.

Trò lừa bịp trực tuyến, đôi khi gọi là trò chơi khăm hoặc lừa đảo, là những thủ đoạn được tạo ra để khiến người khác tin vào điều đáng sợ, vốn không phải sự thật. Những thử thách lừa bịp được đánh giá rất nguy hiểm, tác động đến sức khỏe và tính mạng người tham gia, gồm Momo và Cá voi xanh (Blue Whale).

Các khách mời tại sự kiện Trao quyền an toàn, chiều 18/11. Ảnh chụp màn hình

Các khách mời tại sự kiện Trao quyền an toàn, chiều 18/11. Ảnh chụp màn hình

Trong số hơn 10.000 người được khảo sát, hơn 80% biết về các trò lừa bịp chủ yếu qua mạng xã hội và các phương tiện truyền thông. Trước câu hỏi về đánh giá tác động của những trò lừa bịp tiêu cực, 51% thanh thiếu niên tin rằng chúng vô hại, hơn 17% cho rằng việc tiếp xúc có tác động tích cực và hơn 31% nghĩ chúng tiêu cực. Việc hơn một nửa thanh thiếu niên đánh giá các trò lừa bịp là vô hại làm các chuyên gia lo ngại, các em sẽ học theo hoặc vô tình lan truyền chúng.

Lý giải việc thanh thiếu niên nhận thức chưa rõ ràng về các thử thách lừa bịp trực tuyến, PGS TS Trần Thành Nam, chuyên gia Tâm lý học lâm sàng, cho rằng ở độ tuổi 13-18, các em đang khám phá bản thân, xem mình có thể làm gì.

Ông Nam lấy ví dụ về các trò chơi cảm giác mạnh, khi ngồi trên tàu lượn siêu tốc, ai cũng hú hét, khi kết thúc trò chơi vẫn “tim đập chân run”. Nhiều người sợ và không chơi nữa, số khác lại tự hào, cho rằng mình vừa vượt qua được một thử thách và muốn trải nghiệm lại.

PGS TS Trần Thành Nam, chuyên gia Tâm lý học lâm sàng, tại sự kiện. Ảnh chụp màn hình

PGS TS Trần Thành Nam, chuyên gia Tâm lý học lâm sàng, tại sự kiện. Ảnh chụp màn hình

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững, cho rằng thanh thiếu niên thường gặp hội chứng sợ bỏ lỡ xu hướng nào đó (Fear of missing out). Các em có thể biết đây là thử thách lừa bịp, lường trước được khó khăn nhưng thấy bạn bè làm nên bất chấp hậu quả.

Một lý do khác, theo bà Linh, là việc biến đổi của các thử thách khiến thanh thiếu niên không kịp trang bị đầy đủ nhận thức. Chuyên gia này nhận định ban đầu, những thử thách dừng ở mức vui nhộn, lành mạnh nhưng khi nhiều người thực hiện, nó bị biến tướng và trở thành những trò lừa bịp. Chẳng hạn, thử thách Kiki ban đầu là bước ra khỏi ôtô và thực hiện các bước nhảy theo đoạn nhạc của thần tượng. Sau này, Kiki trở thành trào lưu lao ra ôtô đang chạy, gây nguy hiểm cho cả người tham gia và các phương tiện khác.

Theo báo cáo của Praesidio Safeguarding, số thanh thiếu niên tham gia vào các thử thách nguy hiểm tương đối thấp, chỉ 2,3%. Tuy nhiên, PGS Nam cho rằng tỷ lệ này có thể nhân lên bất cứ lúc nào, bởi không gian mạng hiện nay không còn biên giới. Trong một triệu thử thách, chỉ cần một cái lừa bịp, độc hại cũng đủ tiếp cận đến hàng triệu trẻ em.

Do đó, ông Nam nhận định phụ huynh cần là “chốt chặn” đầu tiên trong việc sàng lọc thông tin trên mạng đến với con em mình. Theo ông, trước hết, chính bố mẹ phải nâng cao năng lực về công dân số của mình, đủ hiểu biết để hỗ trợ các con. Thay vì cấm đoán, phụ huynh đóng vai trò định hướng thanh thiếu niên, giúp các em có tư duy phản biện, phân biệt thông tin tốt, xấu.

Trong trường hợp phát hiện con tham gia thử thách bất kỳ, bố mẹ không nên quá cực đoan, mắng mỏ hoặc tịch thu máy tính, cấm sử dụng Internet. Các em có thể chưa hiểu mình làm sai điều gì, sau này sẽ giấu bố mẹ để tham gia tiếp vì với thanh thiếu niên, “càng cấm thì càng làm”. Nếu mọi việc trở nên phức tạp, chuyên gia khuyên phụ huynh nên nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia, các tổ chức bảo vệ trẻ em như Tổng đài 111.

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững, tại sự kiện. Ảnh chụp màn hình

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững, tại sự kiện. Ảnh chụp màn hình

Về phía nhà trường, ông Nam cho rằng chương trình chính khóa nên bổ sung nội dung về sử dụng Internet an toàn. Hiện nay, kiến thức về không gian số học sinh đang tiếp cận chưa được hệ thống, chủ yếu tự học. Các em cần được dạy các nguyên tắc cơ bản để ứng xử trên thế giới ảo, như cách đặt mật khẩu tài khoản mạng xã hội, nhận diện nguy cơ bị bắt nạt, bảo vệ thông tin cá nhân…

Ở góc độ cung cấp nền tảng, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, nhận định các mạng xã hội cần quan tâm hơn đến việc loại bỏ các sản phẩm độc hại, dán nhãn lứa tuổi và giải quyết triệu để các khiếu nại nội dung. Chẳng hạn, thay vì chỉ cảnh báo đơn thuần “trẻ em không nên học theo”, ông Thanh cho rằng các nền tảng cần đề cập cụ thể đến những hậu quả có thể xảy ra, hiện thông báo nhiều lần.

Theo xu hướng phát triển của Internet, các thử thách lừa bịp sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, với quy mô lớn hơn. Các chuyên gia đều đồng ý với quan điểm không thể loại bỏ Internet ra khỏi cuộc sống, cũng không thể cấm thanh thiếu niên tiếp cận với những nền tảng này. “Công thức chung để người lớn đồng hành với các em là tôn trọng, đồng hành và lắng nghe”, bà Linh nói.

Thanh Hằng

[ad_2]