Khác biệt giữa việc làm visa Schengen Thụy Điển với các quốc gia khác | Du lịch

Tuy nằm trong khối các quốc gia châu Âu, nhưng Thụy Điển được coi là một trong các quốc gia có quá trình kiểm duyệt visa gắt gao. Sau đây là một số mẹo lưu ý về thủ tục khi xin visa Thụy Điển cho du khách.

Địa điểm nộp visa Thụy Điển

Tất cả các hồ sơ xin visa Thụy Điển sẽ được nộp về trung tâm tiếp nhận thị thực Thụy Điển tại Việt Nam (VFS), tại TP.HCM và tại Hà Nội. Sau đó những hồ sơ này sẽ được đưa về Đại sứ quán Thụy Điển tại Bangkok (Thái Lan) để xét duyệt.

Một điểm lưu ý khiến cho Thụy Điển là một trong các quốc gia nghiêm ngặt về việc cấp visa là tất cả các hồ sơ xin visa đều phải qua một bước “hợp pháp hóa lãnh sự”.

Việc hợp pháp hóa lãnh sự có nghĩa là bất kỳ hồ sơ nào của đương đơn xin visa đều phải được xác nhận của lãnh sự quán Việt Nam hoặc Sở Ngoại vụ của địa phương đóng mộc xác nhận hồ sơ.

Các thủ tục cần thiết xin visa Thụy Điển


Khác biệt giữa việc làm visa Schengen Thụy Điển với các quốc gia khác - ảnh 1

Tuy là visa Schengen nhưng các nước đều có yêu cầu xét duyệt khác nhau

Tuy là một quốc gia trong khối Schengen nhưng hồ sơ xin visa Thụy Điển được coi là yêu cầu chi tiết hơn Pháp và một số quốc gia châu Âu khác. Để nộp hồ sơ xin visa Thụy Điển, cần lưu ý những giấy tờ sau.

Bạn cần nộp một hộ chiếu gốc, còn hai trang liên tiếp trên cùng một mặt phẳng (1 trang dùng để đóng visa và 1 trang còn lại để đóng mộc xuất nhập cảnh). Thời hạn của hộ chiếu phải còn 6 tháng tính từ ngày khởi hành.

Thứ hai, bạn cần một bản sao y công chứng hộ chiếu (hộ chiếu cũ nếu không sao y công chứng được, có thể nộp bản photo), bản sao y công chứng giấy khai sinh (với những người lớn tuổi có thể không cần thiết nếu bị thất lạc).

Đây cũng là một trong những điểm khác biệt so với việc xin visa Pháp. Tiếp theo bạn cần một bản sao y hộ khẩu của tất cả các thành viên trong gia đình và một bản sao y công chứng giấy tờ chứng nhận tình trạng hôn nhân như kết hôn hay ly hôn.

Hồ sơ chứng minh công việc

Hồ sơ chứng minh công việc là một trong những điểm cần thiết không chỉ riêng cho visa Thụy Điển. Việc chứng minh công việc sẽ cho các nhân viên đại sứ quán thấy rằng bạn có một mối ràng buộc với đất nước của bạn và sẽ trở về sau chuyến đi.

Để chứng minh trong khâu này, bạn cần một bản sao y công chứng hợp đồng lao động. Tiếp theo bạn cần nộp một bản gốc giấy xác nhận công việc (trên thư cần nêu rõ vị trí công việc, thời gian công tác từ khi nào đến thời điểm hiện tại, lương hoặc thu nhập 3 tháng gần nhất) có xác nhận công ty hiện tại của bạn.
Đối với chủ doanh nghiệp, bạn cần một bản sao kê công chứng đăng ký kinh doanh, biên lai đóng thuế 3 tháng gần nhất hoặc giấy nộp ngân sách nhà nước.

Với học sinh và sinh viên, bạn cần phải có giấy xác nhận của nhà trường (đối với Thụy Điển không chấp nhận bảng điểm hay thẻ học sinh, sinh viên và bằng khen như Pháp). Ngoài ra, bạn cần có bản gốc giấy nghỉ phép nếu đang trong thời gian đi học.

Với những người nghỉ hưu, cần bản sao y công chứng giấy tờ như quyết định nghỉ hưu.

Hồ sơ chứng minh tài chính

Đây là một trong những mục quan trọng thứ hai bạn cần cụ thể nhất trong hồ sơ xin visa.

Hồ sơ bao gồm một bản gốc sao kê tài khoản ngân hàng 3 tháng gần nhất, bản gốc giấy xác nhận số dư tài khoản ngân hàng (tối thiểu bạn cần có 120 triệu đồng trong tài khoản), bạn có thể bổ sung thêm bản sao y công chứng giấy tờ nhà đất, xe hơi nếu có.

Những điểm lưu ý cần thiết với visa Schengen


Điểm khác nhau giữa việc làm visa Schengen Thụy Điển với các quốc gia khác

Đi đúng các nước có trong lịch trình để bạn được gia hạn visa vào lần sau.

Điểm lưu ý chung cho visa Schengen là khi bạn có visa ở quốc gia nào thì quốc gia đó phải là nơi đến đầu tiên của bạn và thời gian lưu trú của bạn tại nước đó phải lâu nhất.

Ngoài ra, bạn tuyệt đối không được làm giả các giấy tờ đặc biệt là các giấy tờ chứng minh tài chính. Việc làm giả giấy tờ sẽ khiến bạn có khả năng bị cấm visa Schengen.

Một điểm lưu ý nữa, tuyệt đối đi đúng lịch trình mà bạn đã khai với lãnh sự quán. Việc đi sai lịch trình trong chuyến đi đặc biệt là đi vào nước không kê khai trong lịch trình sẽ làm bạn gặp rắc rối với lực lượng hải quan tại quốc gia bạn đến, và khả năng bạn sẽ không được xét lại visa Schengen trong các lượt sau.

Châu Âu là một điểm du lịch mà nhiều du khách mong ước được đặt chân tới với nhiều địa điểm nổi tiếng. Việc nắm rõ những quy tắc xin visa của các nước sẽ làm tăng tỷ lệ đậu visa của bạn cũng như mở ra cho bản thân một chuyến đi thú vị đến châu Âu.


Bài viết được thực hiện với sự phối hợp của công ty Du lịch Tugo.

 

 



Nguồn