Ông Phạm Ngọc Liên, nguyên Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM, cho rằng thủ tục cấp sổ đỏ cho các trường hợp dự án đã được bán và giao nhà cho người mua là thủ tục đơn giản nhất trong các loại thủ tục cấp sổ đỏ hiện nay.
Thủ tục đơn giản, trình tự được cắt giảm tối đa nên xây dựng kênh tự cấp sổ đỏ rất đơn giản. Như tại TP.HCM, Ban Giám đốc Sở TN-MT cho phép trưởng và phó phòng đăng ký đất đai được ký tắt trên sổ đỏ, không cần Giám đốc ký. Nếu trước đây có 1 đầu mối ký, 1 người ký thì nay có đến 5 – 6 người ký, đẩy tiến độ lên rất nhiều.
Những dự án việc duyệt pháp lý, kỹ thuật được ký hàng loạt nên chỉ làm một lần là cứ thế cấp tiếp, không có lý do gì có thể trễ được. Vừa qua có những dự án chưa hoàn thiện nghĩa vụ tài chính nên bị đình trệ chung không thể làm sổ đỏ, nhưng số này không nhiều.
Loại thứ 2 là vi phạm xây dựng, TP cũng có cơ chế cho “khoanh” lại, ưu tiên cấp sổ đỏ cho những căn hộ không vi phạm. Nên thực tế, tình trạng chậm sổ đỏ, chỉ còn lại nguyên nhân phía chủ đầu tư không làm hoặc vì lý do gì đó làm chậm cho khách hàng.
Lãnh đạo một công ty bất động sản tại TP.HCM lại cho rằng việc chậm làm sổ đỏ một phần do lỗi từ các cơ quan chức năng. Điển hình như dự án của công ty ông ở Q.Bình Thạnh từ năm 2013 bắt đầu bàn giao căn hộ. Ngay sau khi bàn giao nhà, công ty đã tiến hành các bước làm thủ tục cấp sổ đỏ cho khách hàng, nhưng mãi đến gần cuối năm 2018 mới được cấp sổ do thủ tục hành chính nhiêu khê.
“Khi làm thủ tục hoàn công đầu tiên phải làm việc với Sở Xây dựng, sau đó Sở Xây dựng làm việc với các sở ngành như Sở Tài chính, Sở TN-MT về nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư. Tuy nhiên, mỗi lần như vậy sở này lại hỏi sở kia cũng mất mấy tháng”, ông này kể và cho rằng, ngoài việc chế tài doanh nghiệp, luật cần quy định cụ thể, có chế tài đối với cơ quan chức năng, những người thực thi pháp luật trong việc cấp sổ đỏ.