Rao bán khách sạn vì ế khách

Tìm kiếm các từ khóa “rao bán khách sạn”, “cần bán khách sạn gấp”… trên Google, hàng triệu kết quả hiện ra trong chưa đến 1 giây.

Tại TP HCM, hàng loạt khách sạn ở khu vực trung tâm như quận 1, 3, 5 hay các quận huyện vùng ven như quận 9, quận 12, Tân Bình… đang được rao bán. Một số khách sạn ở khu vực quận 1 nằm trên đường Phạm Ngũ Lão, Trần Nhật Duật, Trần Đình Xu, Nguyễn Thái Bình, Đồng Khởi, Lê Thị Riêng, Sương Nguyệt Ánh… được rao bán với giá khoảng 30 tỷ đến cả nghìn tỷ đồng, tùy vị trí, hạng sao và diện tích sử dụng. Đơn cử như một khách sạn 4 sao nằm trên đường Sương Nguyệt Ánh, phường Bến Thành, có diện tích 970 m2, 12 tầng (trong đó có 2 tầng hầm), 84 phòng đangđược chào bán với giá 1.170 tỷ đồng. Một khách sạn 4 sao khác nằm trên đường Thi Sách có diện tích 836 m2, 2 hầm và 14 tầng với 110 phòng được chào bán với giá 980 tỷ đồng.

Không có khách lưu trú, nhiều chủ đầu tư khách sạn quyết định đóng cửa hoặc rao bán. Ảnh: Nguyễn Nam

Không có khách lưu trú, nhiều chủ đầu tư khách sạn quyết định đóng cửa hoặc rao bán. Ảnh: Nguyễn Nam

Phó giám đốc một khách sạn 3 sao tại TP HCM, có 13 năm kinh nghiệm trong ngành, cho hay: “Đối với một khách sạn 3 sao, chi phí vận hành trung bình mỗi tháng khoảng 500 triệu đến 700 triệu đồng, chưa kể lương cho nhân viên. Để doanh nghiệp hoạt động ở mức hòa vốn, khách sạn phải đạt công suất phòng tối thiểu 30%, trong khi hiện nay công suất của các khách sạn chỉ đạt khoảng 3 – 5%”.

Người này phân tích, chi phí để duy trì hoạt động trong ngành lúc này trở thành vấn đề đau đầu với các doanh nghiệp. Vì thế, không ít chủ đầu tư chọn phương án đóng cửa, rao bán khách sạn để giải bài toán dòng vốn.

Một số chủ khách sạn vay ngân hàng để đầu tư, nhưng cũng quyết định bán để giải quyết nợ. Ví dụ, chủ một khách sạn 4 tầng ở Tăng Nhơn Phú B, quận 9, có diện tích khoảng 400 m2, đang thế chấp tài sản tại ngân hàng Á Châu. Tình hình kinh doanh không như mong đợi nên chủ đầu tư muốn bán với giá 35 tỷ đồng để thu hồi vốn.

Chị Ngọc, một nhân viên tư vấn bất động sản, cho biết với những khách sạn có giá trị lớn khoảng vài trăm tỷ đồng trở lên, chủ nhà cần người mua xác minh khả năng tài chính. “Chỉ cần được giá, chủ nhà sẽ bán ngay. Tuy nhiên, khách sẽ phải chứng minh được nguồn tài chính đầu tư để tránh mất thời gian của các bên. Mức giá này, cơ bản đã rẻ hơn nhiều so với trước Covid-19”, chị nói.

Không riêng TP HCM mà tại các thành phố có thế mạnh về du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng hay Hà Nội, Phú Quốc, hàng loạt khách sạn cũng đang được rao bán vì kinh doanh ế ẩm.

Một nhân viên môi giới nhà đất, bất động sản cho biết, từ đầu năm đến nay, nhiều khách sạn ở Nha Trang đã đóng cửa. Dọc các tuyến đường như Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Phú…, khách sạn mini và các cơ sở lưu trú khoảng 3 sao được rao bán nhiều. “Với các khách sạn mini, giá thường dao động từ khoảng 20 tỷ đồng trở lên. Các khách sạn cao cấp có giá cao hơn”, người này nói.

Phú Quốc, một khách sạn 3 sao với 86 phòng, mặt tiền đường Trần Hưng Đạo được chủ đầu tư rao bán với giá 420 tỷ đồng. Khách sạn khác, 7 tầng với 22 phòng ngay biển Bãi Trường được rao bán với giá 13,3 tỷ đồng.

Chủ các khách sạn cao cấp 4 - 5 sao cũng bắt đầu rao bán, cho thuê lại ngày càng nhiều. Ảnh: Nguyễn Nam

Chủ các khách sạn cao cấp 4 – 5 sao cũng bắt đầu rao bán, cho thuê lại ngày càng nhiều. Ảnh: Nguyễn Nam

Trên các website mua bán bất động sản, không khó để thấy nhiều khách sạn nhỏ từ 2 – 3 sao, nhất là tại khu vực phố cổ Hà Nội. Một khách sạn 7 tầng mặt phố Hàng Quạt, đầy đủ nội thất, đang chào giá bán 158 tỷ đồng; khách sạn khác ở phố Nhà Thờ được chào 150 tỷ đồng… hay một khách sạn ở phố Hàng Thiếc đang có giá bán 74 tỷ đồng…

Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, giám đốc công ty tư vấn, đào tạo và quản lý khách sạn Chez Mimosa, có nhiều yếu tố tác động đến giá bán như vị trí, diện tích, chất lượng cơ sở vật chất hay quy chuẩn loại phòng. “Khách sạn có nhiều phòng cao cấp thường sẽ có giá bán cao hơn các khách sạn đồng hạng”, bà Tâm nói. Tuy nhiên, ai cũng hiểu sẽ bị lỗ, bị mất giá khi bán khách sạn trong giai đoạn này.

“Không có khách nhưng lương nhân viên và chi phí bảo trì, duy tu vẫn phải trả. Đó là chưa kể tiền lãi vay ngân hàng cũng phải trả hàng tháng. Khách sạn đóng cửa, ngừng hoạt động sẽ khiến trang thiết bị nhanh xuống cấp… Nhiều áp lực về nguồn tiền khiến chủ khách sạn phải rao bán là dễ hiểu”, phó giám đốc một khách sạn tại TP HCM lý giải.

Nguyễn Nam

Nguồn