10 điều ít người biết về nước chủ nhà SEA Games

10 điều ít người biết về nước chủ nhà SEA Games

Từ hàng chục năm qua, người Philippines nghĩ rằng quốc gia của họ có 7.107 hòn đảo. Nhưng vào năm 2013, Cơ quan Thông tin Tài nguyên và Bản đồ Quốc gia (NAMRIA), thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Philippines, áp dụng một công nghệ mới cho phép họ tiếp cận những phần đất nổi lên giữa đại dương. Cuối cùng, NAMRIA phát hiện thêm hơn 500 hòn đảo chưa từng được biết đến. Hiện tại, người dân chỉ định cư trên khoảng 25% tổng số 7.641 hòn đảo của quốc gia này.

Năm 2018, 3 hòn đảo đẹp nhất thế giới do tạp chí Condé Nast Traveler bình chọn đều nằm ở đây là Boracay (ảnh), Cebu và Palawan. Ảnh: Publituris.

10 điều ít người biết về nước chủ nhà SEA Games

​Manila được xếp hạng là thành phố có mật độ dân số cao nhất thế giới (và tắc nghẽn giao thông tồi tệ nhất). Thực tế, Manila chỉ rộng 62 km2 nhưng có tới gần 1,7 triệu dân, tỷ lệ sinh tại Manila là khoảng 3 trẻ em trên một phụ nữ. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Ảnh: Good News Pilipinas.

10 điều ít người biết về nước chủ nhà SEA Games

Khách nước ngoài hầu như không gặp rào cản ngôn ngữ do hầu hết người dân có thể nói tiếng Anh. Có khoảng 175 ngôn ngữ ở quốc đảo này, trong đó 171 ngôn ngữ được coi là “sống”, còn 4 phương ngữ của các bộ lạc không có người sử dụng. 4 ngôn ngữ chính thức là tiếng Filipino (dựa trên tiếng Tagalog) và tiếng Anh; tiếng Cebuano và Ilocano cũng phổ biến ở một số vùng. Ảnh: Amare Stoudemire.

10 điều ít người biết về nước chủ nhà SEA Games

Đây là quốc gia có đông tín đồ Cơ đốc giáo thứ ba trên thế giới, sau Brazil và Mexico, chiếm 80% dân số. Người dân có xu hướng sùng đạo. Ví dụ, vào lễ Phục sinh hàng năm, một số tín đồ sẽ đóng vai Chúa Jesu và chịu cực hình từ bị đánh đập đến đóng đinh lên Thánh giá. Những nghi lễ tôn giáo này khá đẫm máu, song thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến để tìm hiểu. Ảnh: Reuters.

10 điều ít người biết về nước chủ nhà SEA Games

Những chiếc “jeepney” phỏng theo xe jeep Mỹ thời Thế chiến II chạy trên đường phố là hình ảnh đặc trưng của Philippines. Phương tiện này phổ biến với người dân thuộc tầng lớp trung lưu hoặc thấp hơn bởi giá vé chỉ khoảng 8 peso (4.000 đồng). Xe không có lộ trình cố định, vì vậy hành khách chỉ cần nhảy lên một chiếc jeepney chạy theo hướng cần đến, đưa tiền cho tài xế và rung chuông khi họ muốn xuống xe.

Xe jeepney là điều đáng tự hào của nhiều người Philippines. Tài xế thường vẽ những hình tôn giáo hoặc hoa văn phức tạp lên xe và mở nhạc lớn. Hiện có khoảng 50.000 xe jeepney chạy hàng ngày chỉ riêng ở Manila. Nhưng biểu tượng của Philippines lại góp phần gây ô nhiễm không khí và nguy hiểm cho giao thông, bởi những chiếc xe cũ nhả ra khói đen đặc còn tài xế thường phanh gấp khi trả khách. Từ 2018, Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố chính quyền sẽ từng bước loại bỏ xe jeepney trên đường phố, New York Times đưa tin. Ảnh: AFP.

10 điều ít người biết về nước chủ nhà SEA Games

Philippines từng là thuộc địa của Tây Ban Nha, Mỹ và Nhật Bản. Tàn dư của chế độ thuộc địa vẫn còn tồn tại tới ngày nay khi du khách có thể tìm thấy kiến trúc phương Tây tại đây. Trên ảnh là thị trấn Tây Ban Nha cổ Vigan nằm ở phía tây đảo Luzon, nơi được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Người Tây Ban Nha đến Philippines vào thế kỷ 16 và thuộc địa hóa đảo quốc này trong hơn 330 năm, dù người Anh chiếm đóng Manila trong thời gian ngắn từ 1762 đến 1764. Năm 1898, Tây Ban Nha buộc phải bán Philippines cho Mỹ sau thất bại trong Chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha. Mỹ nắm quyền cho đến khi Nhật Bản xâm chiếm Philippines trong Thế chiến II, nhưng quân đội Nhật phải rời đi sau thất bại vào năm 1945. Ảnh: Philippines Travel Site.

10 điều ít người biết về nước chủ nhà SEA Games

Từ năm 2013, Philippines dần chiếm lĩnh ngôi đầu ở Tứ đại Hoa hậu: Miss Universe, Miss World, Miss International và Miss Earth. Năm nay, 11 hoa hậu của đảo quốc này sẽ diễu hành cùng đoàn vận động viên các nước Đông Nam Á trong lễ khai mạc SEA Games lần thứ 30, trong đó có Pia Wurtzbach – Hoa hậu Hoàn vũ 2015 (ảnh). Ảnh: The Great Pageant Community.

10 điều ít người biết về nước chủ nhà SEA Games

Bóng rổ vô cùng phổ biến ở Philippines kể từ khi người dân biết đến môn thể thao này trong những năm đầu quân đội Mỹ chiếm đóng. Năm 1975, Hiệp hội Bóng rổ Philippines (PBA) được thành lập. Các vận động viên chuyên nghiệp từ khắp nơi trên thế giới, gồm cả Mỹ, tới chơi trong giải đấu này. Ảnh: Kevin Couliau/Vice.

10 điều ít người biết về nước chủ nhà SEA Games

Manny Pacquiao là một trong những võ sĩ quyền Anh được yêu thích nhất trên thế giới, nhưng ít người nước ngoài biết rằng nhà vô địch này đang phục vụ nhiệm kỳ thượng nghị sĩ đầu tiên. Năm 2010, Pacquiao dùng địa vị nổi tiếng của mình để dấn thân vào con đường chính trị. Anh được bầu làm thành viên của Hạ viện Philippines, đại diện cho tỉnh Sarangani trên đảo Mindanao. Năm 2016, Pacquiao quyết định tranh cử chức cao hơn, và cuối cùng có một ghế trong Thượng viện Philippines. Hiện thượng nghị sĩ toàn thời gian này vẫn tiếp tục đấu boxing.

10 điều ít người biết về nước chủ nhà SEA Games

Khách nước ngoài đến đảo quốc này thường được gọi là ông bà (sir hoặc ma’am), bất kể tuổi tác. Người Philippines dùng kính ngữ “ate” và “kuya” (nghĩa là anh chị) khi xưng hô với người lớn tuổi hơn mình một chút. Người già, khuyết tật và phụ nữ đang mang thai còn có hàng lối riêng khi chờ đợi tại ngân hàng, quán ăn, bến taxi để không phải đứng trong đám đông. Tuy nhiên, phép lịch sự của người Philippines có thể tạo ra những tình huống hài hước và thử thách khả năng ứng xử của khách nước ngoài. Ví dụ, bạn sẽ hiếm khi nghe thấy một người Philippines thẳng thắn trả lời “không” khi bạn hỏi điều gì đó. Ảnh: Mad Monkeys.

Bảo Ngọc (Theo Business Insider, Huffpost)

Nguồn