7 hãng hàng không nguy hiểm nhất thế giới 2019

8 năm qua, 9 vụ tai nạn máy bay chết người đã xảy ra tại Nepal, một quốc gia có địa hình núi cao hiểm trở.

Forbes công bố danh sách hãng bay nguy hiểm nhất 2019 dựa trên hệ thống đánh giá hơn 400 hãng hàng không của Airlines Rating. Những yếu tố được xét đến gồm lịch sử hoạt động, cơ sở hạ tầng, danh sách đen của các nước, giấy chứng nhận an toàn khai thác (IOSA)… Dưới đây là những hãng bay có chỉ số an toàn thấp nhất.

Tara Air

Hãng hàng không đặt trụ sở tại Nepal này nhận đánh giá nguy hiểm vì những vụ tai nạn nghiêm trọng trong năm 2010 và 2011. Đội bay của hãng chỉ có 8 máy bay, phải khởi hành và hạ cánh tới sân bay nằm giữa những rặng núi nguy hiểm của thủ đô Kathmandu.

Nepal Airlines

Trong vòng 8 năm qua, 9 vụ tai nạn máy bay chết người đã xảy ra tại Nepal, một quốc gia có địa hình núi cao hiểm trở. Hãng hàng không quốc gia Nepal hoạt động từ năm 1958 dưới tên Royal Nepal Airlines cho đến khi chế độ quân chủ bị bãi bỏ vào năm 2008. Hãng này bị cấm bay sang EU. Hồ sơ an toàn bay của hãng đã cải thiện rất nhiều trong hai thập niên qua, tuy nhiên vụ tai nạn gần nhất xảy ra vào năm 2014 khiến 18 người tử vong trên chuyến bay mang số hiệu 183.

Một chiếc máy bay nhỏ của Nepal Airlines lao xuống sông vì hỏng phanh khi hạ cánh tại sân bay Jomsom, Nepal. Nguyên nhân những vụ tai nạn máy bay tại quốc gia này được cho là do các phi công thiếu kinh nghiệm, quản lý kém và bảo trì không đúng quy trình. Ảnh: AFP.

Một chiếc máy bay nhỏ của Nepal Airlines lao xuống sông vì hỏng phanh khi hạ cánh tại sân bay Jomsom, Nepal. Nguyên nhân những vụ tai nạn máy bay tại quốc gia này được cho là các phi công thiếu kinh nghiệm, quản lý kém và bảo trì không đúng quy trình. Ảnh: AFP.

Ariana Afghan Airlines

Là hãng hàng không quốc gia Afghanistan, hiện tại Ariana chỉ có 5 máy bay trong đội bay. 19 máy bay của hãng được ghi tên trong lịch sử vì gặp nạn, bao gồm 7 sự cố nghiêm trọng gây thương vong.

Bluewing Airlines

Hãng bay này có trụ sở tại Suriname, quốc gia nhỏ bé ở Nam Mỹ. Từ 2008 đến 2010, ba chiếc phi cơ Antonov An-28 của hãng đã gặp sự cố, trong đó thảm khốc nhất là chuyến bay PZ-TSO bị đâm vào núi khi cố gắng hạ cánh xuống sân bay Lawa Antino Airport của thị trấn Benzdorp, Suriname vào năm 2008. Vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của toàn bộ 17 hành khách và 2 thành viên tổ bay. Từ năm 2010, hãng bay này bị cấm trên không phận EU, gồm cả lãnh thổ French Guiana thuộc Pháp.

Kam Air

Hãng hàng không có trụ sở ở Afghanistan này bị cấm bay vào không phận Mỹ. Khi hãng cố gắng thiết lập đường bay đến EU vào năm 2010, họ đã bị từ chối sau loạt sự cố bao gồm một tai nạn chết người và một vụ đe dọa đánh bom.

Kam Air có 13 máy bay trong đội tàu bay, trong đó có hai máy bay MD-87 của McDonnell Douglas và hai máy bay ATR 42-500. Tuổi trung bình của đội bay là khoảng 25 năm. Ảnh: Pajhwok Afghan News.

Kam Air có 13 máy bay trong đội tàu bay, trong đó có hai máy bay MD-87 của McDonnell Douglas và hai máy bay ATR 42-500. Tuổi trung bình của đội bay là khoảng 25 năm. Ảnh: Pajhwok Afghan News.

Trigana Air Service

Hãng hàng không Indonesia này để xảy ra 14 vụ tai nạn từ khi hoạt động vào năm 1991, tổn thất 10 máy bay. Nghiêm trọng nhất là vụ chuyến bay mang số hiệu TGN267 đâm vào núi tại vùng Papua thuộc Indonesia vào năm 2015. Hãng bay này bị cấm ở không phận EU và Mỹ.

SCAT Airlines

Hãng bay có trụ sở ở Kazakhstan này không có danh tiếng về an toàn hàng không. Một trong những vụ tai nạn thảm khốc của hãng xảy ra trên chuyến bay 760 khi chuẩn bị hạ cánh trong sương mù dày đặc tại Almaty, Kazakhstan vào năm 2013. Máy bay rơi khiến tất cả 16 hành khách và 5 phi hành đoàn đều thiệt mạng. SCAT không vận hành với chứng chỉ an toàn bay được quốc tế công nhận, song đang thực hiện những cải tiến lớn để được quốc tế công nhận hoạt động an toàn.

Bảo Ngọc (Theo Forbes)

Xem thêm: 10 hãng hàng không an toàn nhất thế giới

Nguồn