6 bài học ‘sống còn’ cho trẻ trong thời đại trí tuệ nhân tạo

[ad_1]

Theo ông Võ Hùng, cố vấn Đại học Fullbright, giáo dục không được phép chỉ dạy cụ thể một thứ mà cần phát triển tư duy, cảm xúc và kỹ năng cho trẻ.

Tại Hội nghị giáo dục thường niên “Bản hòa ca trí tuệ” (Symphony of the mind) tối 9/10, ông Võ Hùng, thành viên Hội đồng cố vấn, Đại học Fullbright chia sẻ góc nhìn về vai trò của giáo dục sáng tạo đối với thế hệ trẻ.

Theo ông, những đứa trẻ sinh ra vào khoảng năm 2020-2021 đang đối mặt với thách thức lớn khi mà 20-30 năm sau, trí tuệ nhân tạo (AI) đã tiến những bước rất xa, thay thế con người ở 80% công việc. Trong khi đó, các em vẫn phải học cách sống với những tham vọng, theo đuổi đam mê – nhiệm vụ rất kinh điển của con người. “Khi điều cốt lõi này không đổi nhưng thách thức nhiều hơn, cơ hội ít đi, thì giáo dục cần làm gì để giúp những đứa trẻ tồn tại trong thời đại trí tuệ nhân tạo lên ngôi?”, ông Hùng đặt câu hỏi.

Ông nhận định, để chuẩn bị cho những đứa trẻ được sinh ra trong thời điểm này, lớn lên khi thế giới đã bị sử dụng quá mức nguồn lực tự nhiên, giáo dục không được phép chỉ dạy cụ thể một thứ. Thay vào đó, nhiệm vụ đặt ra là cần phát triển tư duy, tâm hồn, cảm xúc và kỹ năng để trẻ có thể thích nghi, làm bất cứ việc gì trong tương lai. Đúc kết lại, ông Hùng chỉ ra 6 nhiệm vụ “sống còn” của giáo dục sáng tạo trong vai trò hỗ trợ thế hệ trẻ.

Thứ nhất, trẻ cần được dạy về niềm vui, sự hân hoan và chủ động trong sáng tạo, suy nghĩ theo cách của riêng mình. Để làm được điều này, giáo dục phải nuôi dưỡng sự tò mò, đề cao và phát huy khả năng tưởng tượng của trẻ, giúp các em tin vào bản thân.

Nhiệm vụ tiếp theo, thế hệ trẻ phải được làm quen với nhiều hình thái, khía cạnh khác nhau của cùng một chủ thể hoặc vấn đề, từ đó học sự đa dạng trong cách thể hiện, gọi là “multiple expressive”.

Bên cạnh việc học kiến thức và kỹ năng xã hội, bài học thứ ba đề cập đến vai trò của những mối quan hệ hữu ích. Trẻ cần chủ động, độc lập nhưng vẫn phải hiểu bản thân mình có kết nối và chịu sự ảnh hưởng từ gia đình, cộng đồng, quốc gia và rộng hơn là thế giới.

Thứ tư, giáo dục sáng tạo trong thời đại trí tuệ nhân tạo phải giúp trẻ học được sự kiên trì, giải quyết và vượt qua khó khăn. Ông Hùng nhận định, điều này thể hiện tương đối rõ khi thế hệ trẻ hiện nay thiếu kỹ năng, kinh nghiệm đương đầu với thử thách, rất dễ bỏ cuộc.

Cùng với đó, trẻ còn cần học cách chấp nhận. Thế giới luôn bất định, hỗn loạn và biến đổi không ngừng. Nếu làm quen và thích nghi được với điều này, thế hệ trẻ tương lai mới có khả năng làm mới cái cũ, sáng tạo cái mới.

Nhiệm vụ cuối cùng, theo ông Hùng, chính là bí quyết giúp con người tồn tại và phát triển song hành với trí tuệ nhân tạo, chính là tính nhân văn (humanity). Chỉ khi hiểu và tôn trọng tính “người”, tập trung vào cốt lõi của tình yêu, khả năng thấu cảm và lòng trắc ẩn, con người mới khác máy móc.

Cố vấn của Đại học Fullbright đánh giá, những nhiệm vụ này đều không đơn giản, nhất là khi giáo dục không thể thay đổi nhanh chóng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, việc đổi mới giáo dục là điều tất yếu, có vậy, những đứa trẻ được sinh ra trong thời điểm này mới có thể tồn tại ở tương lai.

Ông Võ Hùng tại Hội nghị giáo dục thường niên Bản hòa ca trí tuệ (Symphony of the mind) tối 9/10. Ảnh chụp màn hình

Ông Võ Hùng tại Hội nghị giáo dục thường niên “Bản hòa ca trí tuệ” (Symphony of the mind) tối 9/10. Ảnh chụp màn hình

Ở khía cạnh giải pháp, ông Bùi Vũ Thanh, Chủ tịch Tổ chức Giáo dục Embassy, cho rằng phụ huynh, thầy cô cần đặt sáng tạo là trọng tâm của nền tảng giáo dục để hỗ trợ trẻ. Nhiều người cho rằng, giáo dục sáng tạo là người thầy không làm gì cả, không cho trẻ câu trả lời có sẵn mà để trẻ tự khám phá. Tuy nhiên, ông Thanh bác bỏ quan điểm này.

Theo ông, giáo dục sáng tạo cần dựa trên nền tảng kiến thức, từ đó tạo ra một môi trường mở để trẻ có thể đặt bất kỳ câu hỏi nào mà không bị trách phạt. Ông lấy ví dụ, muốn trở thành Beethoveen thì phải biết nốt nhạc, muốn giống Elon Musk phải hiểu về công nghệ… Đó là kiến thức cơ bản đầu tiên. Sau đó, trẻ suy nghĩ, kết nối và sắp xếp thế nào thì mới là sáng tạo.

“Để làm được điều này, người lớn cần thay đổi tư duy của mình trước. Chúng ta phải tự mình trả lời câu hỏi, liệu chúng ta có đủ cởi mở trong phương pháp giảng dạy, có đang cho con kết nối đa chiều và tiếp cận vấn đề một cách đa chiều hay không, từ đó mới giúp đỡ được thế hệ trẻ”, ông Thanh khẳng định.

Hội nghị giáo dục thường niên “Bản hòa ca trí tuệ 2021” diễn ra trong hai ngày 8-9/10 với chủ đề “Sáng tạo là kỷ nguyên tiếp theo của trí tuệ”, hướng đến việc cổ vũ tinh thần và lan tỏa hoạt động giáo dục sáng tạo tại Việt Nam. Sự kiện do Embassy Education – một tổ chức hướng đến giáo dục sáng tạo,giúp thế hệ trẻ hôm nay tiếp cận nhanh chóng với thế giới thay đổi bên ngoài – thực hiện.

Thanh Hằng

[ad_2]