26.000 học sinh của TP HCM đang ở các tỉnh

[ad_1]

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết thông tin trên tại cuộc làm việc với Ủy ban Văn hóa Giáo dục ngày 5/11. “Học sinh trở lại TP HCM là điều chúng tôi mong muốn. Các trường đang khảo sát nhu cầu của học sinh và chúng tôi sẵn sàng bố trí, sắp xếp để các em quay lại trường”, ông nói.

Theo người đứng đầu ngành giáo dục TP HCM, việc dạy học trực tuyến thời gian qua đã được giáo viên chuẩn bị rất công phu. Bài giảng không bê nguyên phần dạy trực tiếp mà được xây dựng cô đọng, súc tích. Chương trình các khối lớp xây dựng video theo từng nội dung, thầy cô cũng tổ chức livestream để giải đáp thắc mắc trực tiếp.

Hồi đầu năm học, khoảng 70.000 học sinh thiếu thiết bị học tập trực tuyến. Sau khi kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ, đến nay chỉ còn 18.000 em thiếu hoặc dùng điện thoại di động (không đạt chuẩn), nên thành phố đang tiếp tục huy động xã hội hỗ trợ.

Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến 118 cơ sở giáo dục mầm non ở TP HCM phải giải thể, 50 trường tạm hoãn hoạt động, 700 giáo viên và quản lý các trường mầm non mất việc, về quê. Do đó, dự báo khi các trường được mở cửa trở lại, giáo viên mầm non sẽ thiếu.

Với dự kiến mở cửa dần trường học ở các khu vực an toàn theo nghị định 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Giáo dục, các trường mầm non đang kêu gọi giáo viên nghỉ việc về quê quay lại, thành phố sẽ tiêm vaccine và bố trí lại việc giảng dạy cho họ.

“Vừa qua, TP HCM triển khai tập huấn chuyên đề về Môi trường và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em do tác động của dịch bệnh Covid-19“, ông Hiếu nói, cho biết việc này nhằm phát triển tư vấn trường học cho đội ngũ quản lý, nhân viên y tế và giáo viên tư vấn trường học, hướng tới bảo vệ, chăm sóc học sinh không bị khủng hoảng tinh thần trước tác động của đại dịch.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian học online các trường vẫn đảm bảo theo yêu cầu của chương trình giáo dục. Hiện tại, 96% học sinh cấp 3 (từ lớp 10 đến lớp 12) đã được tiêm vaccine. Số còn lại là học sinh bị F0 không cần tiêm, và một phần về quê chưa quay trở lại.

“Ngành Giáo dục Bình Dương dự kiến ngày 15/11 cho mở lại một số trường, trong đó khối 12 ở vùng cấp độ 1 sẽ đi học trở lại. Chúng tôi sẽ nắm tình hình thực tế để tham mưu mở rộng cấp học còn lại”, bà Hằng cho hay.

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục, Bình Dương cũng sắp xếp thời gian học online cho học sinh hợp lý để cung cấp nội dung cốt lõi. Đơn cử như tiểu học học một buổi không quá 2 tiết, một tuần không quá 3 buổi, đảm bảo cung cấp kiến thức phù hợp cho học sinh tiếp thu hiệu quả.

“Đa phần giáo viên mong muốn quay trở lại trường để dạy học trực tiếp, truyền đạt hết kiến thức, kỹ năng cho học sinh trong quá trình giảng dạy”, bà Hằng nói, cho hay, từ 60.000 học sinh thiếu trang thiết bị học tập trực tuyến hồi đầu năm học, đến nay chỉ còn trên 2.000. Tỉnh ủy cũng đã yêu cầu mỗi viên chức trong tỉnh hỗ trợ một ngày lương để tiếp tục trang bị thêm thiết bị học trực tuyến, đảm bảo 100% học sinh trên địa bàn tỉnh có thiết bị học tập.

Cũng như TP HCM và Bình Dương, một số học sinh của tỉnh Bến Tre hiện nay cũng đang ở địa phương khác. Bà La Thị Thúy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này cho biết, đã có văn bản gửi các địa phương nhờ hỗ trợ học sinh. Trong số các em đang ở tỉnh ngoài, 1/3 đăng ký học trực tuyến chung với các trường ở Bình Dương, còn 2/3 đang học ở địa phương tạm trú.

“Chúng tôi đã tham mưu tỉnh Bình Dương tổ chức đón các em về địa phương học tập. Ở những tỉnh có số lượng học sinh ít thì hướng dẫn các trường, phụ huynh chuẩn bị cho việc học sắp tới”, bà Thúy cho hay.

Lãnh đạo ngành Giáo dục Bến Tre cũng khẳng định, dù việc học online đáp ứng cơ bản yêu cầu trong điều kiện dịch bệnh nhưng không thể thay thế cho hình thức dạy học trực tiếp. Học sinh THCS trở lên có thể tiếp thu kiến thức tốt, nhưng các cấp học bên dưới thì hiệu quả chưa cao.

Cũng như TP HCM, tỉnh Bến Tre đã quan tâm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Hiện tất cả các cơ sở giáo dục đều có giáo viên phụ trách tư vấn tâm lý trong trường học, được cấp chứng chỉ và bồi dưỡng thêm.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị các địa phương hỗ trợ cao nhất cho những học sinh phải chuyển từ nơi này sang nơi khác khi di cư cùng gia đình vì dịch bệnh. Ông mong các cấp cùng chung tay để việc học của các em không bị đứt gãy, được hỗ trợ điều kiện học tập tốt nhất.

Chia sẻ với những khó khăn mà ngành Giáo dục đang phải đối mặt trong điều kiện dịch Covid-19, ông Vinh cho biết, sau khi làm việc với các tỉnh, Ủy ban sẽ tổng hợp nội dung để đề xuất các giải pháp với Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, Chính phủ.

“Tôi đánh giá cao các địa phương trong điều kiện dịch bệnh đã làm hết sức để duy trì việc học cho học sinh. Khi bắt buộc phải dạy học trực tuyến, ngành Giáo dục đã cố gắng làm tốt nhất”, ông nói, đề nghị các địa phương nỗ lực hơn nữa để chất lượng giảng dạy cao nhất có thể, và khi được cho phép trở lại trường thì cố gắng bồi đắp thêm kiến thức cho học sinh.

[ad_2]