Vòng xoáy tử thần của ngành du lịch Trung Quốc

Khảo sát cho thấy, phần lớn người Trung Quốc đại lục nói rằng họ lo lắng về tài chính và việc đi lại vì ổ dịch mới ở Bắc Kinh.

Zhang Ban, lái xe khách cho công ty tour tại Thượng Hải, than rằng lương mình bị cắt đến hơn 50% vì Covid-19. “Chúng tôi là một trong những nạn nhân chính của nCoV. Ngành du lịch đã bị tê liệt vì đại dịch và tôi cảm thấy vô vọng”, ông nói.

Đến tháng 4, sau khi Covid-19 được kiểm soát tại Trung Quốc đại lục, phần lớn các nhà máy gia công và dịch vụ đã khôi phục hoạt động và dây chuyền sản xuất. Nhưng điều đó không xảy ra với du lịch, ngành kinh tế tiếp tục bị đe dọa khi người dân chưa sẵn sàng đi du lịch kể từ khi đại dịch tại Vũ Hán lần đầu được công bố hồi tháng 1. Khoảng 59% người phản hồi khảo sát của Tập đoàn Tư vấn Boston hồi tháng 5 nói rằng, họ lo lắng cho điều kiện tài chính của gia đình và cẩn trọng khi phải đi lại.

Tuy nhiên, khi ngành du lịch nội địa của Trung Quốc mới hồi phục, một ổ dịch mới bùng phát ở thủ đô Bắc Kinh từ giữa tháng 6 lại khiến người dân bất an hơn khi phải đi máy bay, xe khách hay tàu. Đó chắc chắn không phải điều khoảng 30 triệu lao động trong ngành du lịch của Trung Quốc đại lục mong muốn.

“Tôi có kế hoạch đưa hai con nhỏ đến Bắc Kinh để thăm thú những di tích lịch sử như Quảng trường Thiên An Môn vào kỳ nghỉ hè này, nhưng phải hủy bỏ tất cả vì Bắc Kinh lại có dịch. An toàn là trên hết”, Zhang Wenjie, chủ một xưởng bảo dưỡng ôtô, cho hay.

Hai phụ nữ đeo khẩu trang tại phố cổ Nanluoguxiang, điểm du lịch nổi tiếng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 3/5. Ảnh: AP.

Hai phụ nữ đeo khẩu trang tại phố cổ Nanluoguxiang, điểm du lịch nổi tiếng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 3/5. Ảnh: AP.

Bắc Kinh đóng cửa chợ thực phẩm lớn nhất của thành phố vào 13/6, và tuyên bố phong tỏa một quận khi phát hiện số ca dương tính nCoV tăng vọt tới hơn 50.

Zhang Ban bày tỏ sự quan ngại về tương lai nghề nghiệp, khi lương bị cắt từ tháng 2 đến nay. “Công việc ngày càng giảm khi không có du khách. Theo lẽ thường, các sếp sẽ sớm sa thải bớt nhân viên để cầm cự qua thời gian khủng hoảng của thị trường”, anh nói.

Thị trường du lịch nội địa Trung Quốc đạt doanh thu 5,73 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 809 tỷ USD) trong năm 2019, tăng trưởng 11,7% so với 2018. Khách du lịch Trung Quốc đã trở thành nguồn lực lớn nhất của thị trường du lịch toàn cầu, khi cư dân đại lục ngày càng sẵn sàng chi tiền tìm kiếm những trải nghiệm mới. Năm ngoái, 162 triệu khách du lịch Trung Quốc đã ra nước ngoài, tăng 4,6% so với năm 2018. Trung Quốc đại lục thu về 131 tỷ USD từ 65,7 triệu khách du lịch nội địa vào năm 2019, tăng 3,3% so với năm 2018.

Hiện nay Bắc Kinh vẫn cấm mọi khách nước ngoài nhập cảnh Trung Quốc đại lục, trừ các nhân viên ngoại giao và những trường hợp đặc biệt. Ước tính, lệnh phong tỏa và những biện pháp hạn chế đi lại từ tháng 2 đến tháng 4 gây thiệt hại khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 141 tỷ USD).

Công ty phát triển du lịch Hoàng Sơn – Thượng Hải, nhà điều hành danh thắng tại núi Hoàng Sơn ở tỉnh An Huy, báo cáo lỗ ròng 77,2 triệu nhân dân tệ (10,9 triệu USD) trong quý đầu năm nay, so với lợi nhuận 23,6 triệu nhân dân tệ cùng kỳ năm 2019. Doanh nghiệp này cũng cảnh báo các nhà đầu tư về mức thiệt hại trong nửa đầu tháng 6 vì lượng khách giảm mạnh.

Kể từ tháng 3, Bắc Kinh đã giới hạn chuyến bay quốc tế để tránh các trường hợp người nhiễm Covid-19 nhập cảnh và áp lệnh cách ly 14 ngày đối với công dân đại lục từ nước ngoài về nhà. 

Những hạn chế đi lại khiến khách du lịch không còn mặn mà với tour quốc tế. Quản lý cấp cao của một công ty du lịch nhà nước cho biết họ đã mất tất cả tour nước ngoài từ tháng 2. Nhu cầu du lịch trong nước chỉ chiếm một phần nhỏ trong hoạt động kinh doanh của đơn vị này trong cùng kỳ năm ngoái, cô nói thêm.

Ông Zheng Honggang, giám đốc điều hành Kate Travel có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết xu hướng sa thải hàng loạt dường như không thể tránh khỏi đối với thị trường. “Chúng tôi đã cố gắng giữ chân nhân viên bằng cách cắt giảm lương và chi phí, nhưng vẫn không thể duy trì hoạt động kinh doanh mà không cắt giảm biên chế. Các kịch bản thảm khốc trước mắt buộc chúng tôi phải đối mặt với thực tế nghiệt ngã. Đó là khoảnh khắc các doanh nghiệp du lịch phải quyết định sai thải hay là chết”, ông Zheng nói.

Đối với vô số lao động trong ngành du lịch, tin tức về ổ dịch mới bùng phát ở Bắc Kinh là giọt nước tràn ly. Scott Yin, một hướng dẫn viên du lịch tự do, cho biết: “Chúng tôi không thể trông mong mọi người lên kế hoạch du lịch khi nghe tin tức về các ca lây nhiễm mới ở thủ đô. Đã đến lúc chúng tôi cân nhắc tới những công việc khác, vì không gì có thể ngăn chặn vòng xoáy tử thần trong ngành du lịch”.

Xem thêm: Châu Á nhớ khách Trung Quốc.

Bảo Ngọc (Theo SCMP)

Xem thêm

Nguồn