Vốn cho 3 dự án PPP thuộc cao tốc Bắc – Nam gặp khó

[ad_1]

Ba dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đang khó đàm phán vốn với các ngân hàng.

Nội dung này được nêu trong báo cáo Chính phủ vừa gửi Quốc hội về thực hiện Nghị quyết 52, chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Theo báo cáo, tháng 3 năm nay, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi với 2 dự án thành phần là dự án Quốc lộ 45 – Nghi Sơn và Nghi Sơn – Diễn Châu từ hình thức PPP sử dụng một phần vốn ngân sách sang đầu tư công dùng toàn bộ vốn ngân sách. Như vậy, trong 11 dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc Nam, có 3 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP, 8 dự án còn lại đầu tư công.

Tổng mức đầu tư 11 dự án thành phần sau điều chỉnh là 97.666 tỷ đồng, giảm khoảng 9.033 tỷ đồng so với trước đây, chủ yếu nhờ giảm vốn đầu tư tại 3 dự án đầu tư theo PPP sau đấu thầu.

Công trường thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh:Võ Thạnh.

Công trường thi công cao tốc Cam Lộ – La Sơn. Ảnh: Võ Thạnh

Đến tháng 7, cả 3 dự án thành phần này đã hoàn thành chọn nhà đầu tư, thương thảo, đàm phán và ký kết hợp đồng dự án với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án. Đã giảm vốn sau đấu thầu, nhưng hiện việc huy động vốn tại 2 dự án thành phần được đầu tư theo hình thức hơp tác công – tư (PPP) gồm đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm và Cam Lâm – Vĩnh Hảo đang gặp khó dù các nhà đầu tư tích cực đàm phán với ngân hàng để thu xếp tài chính.

Vướng mắc chủ yếu được nêu ra, là phía ngân hàng đề nghị áp dụng điều khoản chia sẻ doanh thu tại Điều 82 Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Luật PPP có hiệu lực từ 1/1/2021 nên thời gian đàm phán, ký hợp đồng tín dụng theo quy định luật này bị kéo dài. Vì thế, ngoài việc tìm vốn từ phía ngân hàng, các nhà đầu tư đang huy động từ các nguồn khác, như phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tăng vốn chủ sở hữu…

Cũng theo báo cáo, ngoài 3 dự án thành phần theo hình thức PPP vẫn đang vướng về vốn, hiện 8 dự án thành phần đầu tư công của dự án cao tốc Bắc – Nam đã khởi công xây dựng và đang thi công được khoảng 25% khối lượng công việc. Số vốn giải ngân cho 8 dự án thành phần này đến cuối tháng 8 đạt 79% kế hoạch, trên 26.171 tỷ đồng.

Ngoài khó khăn vốn, đợt dịch thứ tư bùng phát và giãn cách xã hội kéo dài tại các tỉnh phía Nam cũng khiến các dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc – Nam bị chậm tiến độ. Huy động nhân lực, thiết bị, tổ chức thi công tại hiện trường của các nhà thầu gặp khó khăn; một số công trình đã phải dừng thi công do có cán bộ, công nhân lây nhiễm Covid-19, phải cách ly.

Chưa kể, giá một số loại vật liệu xây dựng chủ yếu tăng cao, nhất là giá thép xây dựng tăng đột biến, đã gây nhiều khó khăn về tài chính cho các nhà thầu thi công xây dựng.

Giải phóng mặt bằng tại các dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam cũng đang “tắc” khi vẫn còn gần 10,5 km chưa được bàn giao. 3/4 dự án thành phần qua địa bàn 11 tỉnh, thành vướng mắc về nguồn vật liệu đắp nền đường… Theo tính toán, các dự án thành phần còn thiếu khoảng 23 triệu m3 vật liệu đất đắp nền đường, trong đó 15,8 triệu m3 tại các mỏ chưa được cấp phép khai thác và 7,2 triệu m3 nằm tại các mỏ đã cấp phép nhưng chưa được giải phóng mặt bằng mỏ, cự ly vận chuyển quá xa nên cần phải cấp phép bổ sung thêm các mỏ đất.

Theo Chính phủ, các dự án đường bộ cao tốc nói chung thường có quy mô và tổng mức đầu tư lớn. Thực tế triển khai cho thấy, thời gian chuẩn bị và hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật để khởi công dự án (phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, đền bù giải phóng mặt bằng…) mất tối thiểu khoảng 3 năm, cần 2-3 năm để thi công công trình đáp ứng yêu cầu kỹ thuật dự án.

Như vậy, với yêu cầu về trình tự thủ tục theo quy định và tiến độ thực hiện các dự án như hiện nay, phần lớn các dự án đường bộ cao tốc khó có thể hoàn thành trong một kỳ trung hạn.

Để đạt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá và đề xuất các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Bộ Giao thông được yêu cầu báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết thực hiện thí điểm.

Tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông từ Hà Nội đến Cần Thơ dài 1.799 km, trong đó 654 km đi qua 13 tỉnh thành, thuộc 11 dự án đang được xúc tiến xây dựng. Sau khi hoàn thành 11 dự án, cùng với hơn 300 km cao tốc đã được khai thác, tuyến cao tốc Bắc Nam sẽ có hơn 1.000 km, đáp ứng nhu cầu vận tải, khắc phục tình trạng ách tắc và tai nạn trên quốc lộ 1. Để nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc Nam, ngành giao thông sẽ đầu tư 659 km còn lại đến năm 2025.

Anh Minh

[ad_2]