Thẻ chip tích hợp: Việt Nam đi muộn nhưng sẽ không lỡ nhịp
Trang Nguyễn
(TBKTSG – Online) – Khi nhiều ngân hàng đang trong quá trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, ứng dụng của loại thẻ này được kỳ vọng sẽ đảm nhận được nhiều vai trò từ tiêu dùng, thương mại đến các tiện ích cuộc sống, góp phần thúc đẩy một nền kinh tế không dùng tiền mặt, đồng thời giúp kinh tế phát triển lên một tầm cao mới.
Thay đổi hay thụt lùi
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử 2019 (EPF) với chủ đề “Chuyển động cùng công nghệ chip” tổ chức tại Hà Nội trong ngày hôm nay (10/12), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã một lần nữa nhấn mạnh tính cấp thiết của công tác chuyển đổi thẻ chip nội địa nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế Việt Nam, với sự tham gia của khối ngân hàng và doanh nghiệp trong lộ trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip và mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ chip để theo kịp xu thế phát triển kinh tế số của thế giới.
Hơn 20 ngân hàng hiện đã sẵn sàng cho việc chuyển đổi thẻ chip |
Lấy chiếc thẻ chip điện thoại được sử dụng phổ biến trong 3 thập kỷ trước làm ví dụ, Phó thủ tướng nhấn mạnh công nghệ thẻ chip đã thay thế việc gọi điện thoại trả tiền mặt tại quầy và sau đó là những chiếc thẻ điện thoại từ sử dụng tại các bốt điện thoại tại Việt Nam từ những năm 90. Và thẻ chip ngân hàng của ngày hôm nay cũng đang trong một hoàn cảnh tương tự khi sẽ thay thế hết thế hệ thẻ từ được nhiều ngân hàng tại Việt Nam sử dụng trong giai đoạn trước.
“Việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ đơn thuần là việc tăng luân chuyển đồng vốn trong xã hội, huy động vốn của người dân, hay vấn đề minh bạch, chống rửa tiền, và chống tham nhũng. Nếu làm tốt ngay từ bây giờ, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp thúc đẩy kinh tế internet”, ông Đam khẳng định.
Thừa nhận việc Việt Nam đang đi sau các nước khác khi áp dụng các công nghệ tiên tiến của thẻ chip, Phó thủ tướng cho rằng nếu có đủ quyết tâm mạnh dạn tiến thẳng lên phía trước một bước, Việt Nam sẽ không bị lỡ nhịp trong xu hướng toàn cầu, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế số và thúc đẩy thanh toán điện tử, đảm bảo hầu hết người dân Việt nam đều sử dụng thẻ chip trong thanh toán nhu cầu của cuộc sống.
Chuyển đổi và đầu tư vào cơ sở hạ tầng thẻ chip, theo ông Đam, chắc chắn sẽ tốn nhiều chi phí nhưng nếu sự tốn kém đó có lợi về mọi mặt cho cộng đồng và đất nước thì sự đầu tư đó hoàn toàn xứng đáng, để đổi lại những lợi ích kinh tế lâu dài trong tương lai.
Chiếc thẻ tích hợp
Chi phí chuyển đổi thẻ chip có thể lớn bởi phía ngân hàng và công ty phát hành thẻ sẽ phải đầu tư lại hệ thống và công nghệ mới để thay thế công nghệ thẻ từ cũ. Điều này có thể tạo ra một thử thách không hề nhỏ đối với nhiều ngân hàng, doanh nghiệp và cả người sử dụng thẻ ngân hàng.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienvietPostbank và ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Vietinbank đều cho rằng việc chuyển đổi, thay thế hay nâng cấp hệ thông POS, ATM đều rất lớn, chưa kể chi phí chuyển đổi và phát hành thẻ chip cho khách hàng cũng tốn kém và mất nhiều thời gian.
Tuy nhiên, các ngân hàng đều nhận thấy việc chuyển đổi là cần thiết khi nhìn thấy rõ lợi ích vượt qua giá trị của một chiếc thẻ chip ngân hàng dùng để thanh toán hay rút tiền bình thường: một chiếc thẻ có thể tích hợp được các tiện ích cuộc sống từ thanh toán dịch vụ y tế, giáo dục đến giao thông công cộng.
Một khảo sát trong diễn đàn cho thấy mức độ mong đợi của người tham gia mong muốn sử dụng thẻ chip tích hợp như vé điện tử |
“Chúng ta muốn dùng đồ hiện đại (thẻ chip) thì chi phí sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên tất cả các ngân hàng đều nhận thấy chúng tôi cần phải chuyển đổi và quyết tâm với việc chuyển từ thẻ từ sang thẻ chip và chúng ta biến thách thức này thành cơ hội. Thẻ chip có thể làm rất nhiều việc, không chỉ đễ giữ tài khoản ATM, mà nó có thể thu giữ được nhiều thông tin của khách hàng. Thế thì làm sao chúng ta có thể đồng bộ được các ngành ngân hàng, giao thông, y tế, giáo dục để làm sao cùng một cái chip đấy mà chúng ta có thể thu được nhiều thông tin”, ông Lân chia sẻ.
Đánh giá về thực trạng chuyển đổi thẻ chip của hệ thông ngân hàng Việt Nam, ông Nguyễn Quang Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) nhìn nhận phía ngân hàng đã có những chuyển động tích cực, với hơn 20 ngân hàng hiện đã sẵn sàng cho việc chuyển đổi thẻ chip.
Sang tới quí 1 năm 2020, con số sẽ nâng lên 26 ngân hàng và 10 công ty cung cấp thẻ chip, theo ông Hưng.
Cần sự hợp tác nhiều bên
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán tại NHNN cho rằng hệ sinh thái thanh toán số sẽ không thể thực hiện được nếu chỉ có bên ngân hàng tham gia. Sự phối hợp và kết nối giữa ngành ngân hàng và các bên liên quan như các bộ, ngành và doanh nghiệp sẽ là cần thiết để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thẻ chip nội địa, tiến tới một nền kinh tế không dùng tiền mặt theo lộ trình của NHNN.
“Hệ sinh thái như một cái bắt tay. Ngân hàng chìa bàn tay ra thì bên kia cũng phải chìa bàn tay ra mới khớp với nhau”, ông Dũng ví von.
Theo ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt phải đến từ phía ngân hàng và người sử dụng. Trong đó, ngân hàng cần đẩy mạnh quảng bá và có chính sách về phí minh bạch, bao gồm miễn giảm phí hoặc khuyến mại, để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Để thúc đẩy lĩnh vực thẻ Việt Nam theo xu thế phát triển của thế giới Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh một số định hướng mà ngành ngân hàng cần tập trung trong thời gian tới, bao gồm việc tăng cường trao đổi, phối hợp cùng đảm bảo an ninh, an toàn, phát triển bền vững cho hệ sinh thái số, góp phần vào phát triển thanh toán điện tử trong khu vực dân cư, ứng dụng kịp thời những thành tựu tiến bộ của CMCN 4.0 trong hoạt động thanh toán của ngành ngân hàng.
Tất cả những hoạt động này sẽ giúp đem lại cho người dân sự tiện lợi và tin tưởng hơn nhờ các giao dịch thanh toán thẻ an toàn, bảo mật hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng phát triển tính năng thanh toán mới, hiện đại và mở ra cơ hội để thẻ nội địa mở rộng kết nối, hội nhập quốc tế.
Bà Nguyễn Tú Anh, Chủ tịch HĐQT NAPAS cho biết theo lộ trình của NHNN, đến 31/12/2021 toàn bộ thị trường Việt Nam sẽ chuyển đổi xong từ thẻ từ sang thẻ chip và NAPAS đã cấp chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn cho hầu hết các ngân hàng trên thị trường. Để hỗ trợ cho thị trường phát triển, NAPAS cũng đã cung cấp chứng chỉ cho nhiều đơn vị phát hành thẻ trắng và thiết bị POS cho thị trường để các ngân hàng có sự lựa chọn chuyển đổi thẻ và mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ.
Các giải pháp thúc đẩy công tác chuyển đổi thẻ chip của toàn thị trường nói riêng và phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử nói chung được bà Tú Anh chia sẻ bao gồm chuẩn hóa hạ tầng kỹ thuật, chuẩn hóa thông tin dữ liệu người dùng của các đơn vị thụ hưởng như giao thông, bệnh viện, y tế, giáo dục để có thể tích hợp nhiều mục đích sử dụng trên thẻ chip ngân hàng, phục vụ các hoạt động thanh toán thiết yếu trong cuộc sống của người dân.
Thêm vào đó là việc đẩy mạnh ứng dụng thanh toán tại các ngành hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như xăng dầu, bán lẻ, điện, nước, siêu thị. “Tốc độ phát triển thẻ trên thế giới vẫn rất tốt từ nhiều năm qua và dự đoán năm 2020 tốc độ phát triển sẽ vẫn đạt 40%. Chúng tôi không nghĩ thẻ sẽ dừng lại mà thẻ sẽ tiếp tục phát triển nhưng bên cạnh đó hệ sinh thái thanh toán điện tử sẽ không thể phủ nhận được vai trò của ví điện tử, QR là những công nghệ có thể áp dụng tại thị trường Việt Nam”, bà Tú Anh chia sẻ.
“Trên thế giới thẻ thanh toán chip đang chiếm khoảng 90%, tại Châu Á là 60% và Việt Nam không quá lùi lại so với thế giới. Câu chuyên của Việt Nam chuyển đổi sang thẻ chip trong 3 năm tới cũng sẽ còn rất nhiều việc để làm.”