Vì sao tài sản NFT có giá hàng triệu USD?

[ad_1]

Nhiều NFT được đánh giá là đắt đến “điên rồ”, nhưng người dùng khắp thế giới vẫn sẵn sàng bỏ ra hàng triệu USD để thu thập, giao dịch.

NFT (non-fungible token) bắt đầu khuấy động cả thế giới từ tháng 3 khi ca sĩ Grimes bán bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số với giá gần 6 triệu USD. Còn NFT có giá trị cao nhất hiện là bức tranh ghép Everydays: The First 5000 days của nghệ sĩ Beeple, được bán giá 69,3 triệu USD qua Christie’s.

Bắt đầu từ các tác phẩm nghệ thuật, NFT sau đó lan rộng sang metaverse. Cuối tháng 11, Reuters cho biết nền tảng Decentraland bán được một khu đất ảo “565 mét vuông” với giá 2,43 triệu USD. Bên mua cho biết sẽ sử dụng khu đất ảo để đầu tư vào lĩnh vực thời trang kỹ thuật số và bán quần áo ảo cho người tham gia metaverse. Giá khu đất ảo thậm chí đắt hơn một số khu sầm uất ngoài đời thực của Manhattan. Vài ngày sau, Axie Infinity, game NFT đắt giá nhất mọi thời đại, cũng thông báo bán được một mảnh đất Genesis với giá 550 ETH, tương đương 2,3 triệu USD khi đó.

Tác phẩm Hoa mai may mắn của Xèo Chu được trả giá gần 23 nghìn USD trên sàn Binance NFT hôm 6/8.

Tác phẩm Hoa mai may mắn của Xèo Chu được trả giá gần 23.000 USD trên sàn Binance NFT hôm 6/8.

Lý do tài sản NFT quá đắt đỏ

Về việc NFT được định giá quá cao, một chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật số giải thích: “Trước tiên phải làm rõ tham chiếu đắt rẻ của NFT. Mọi người đang nhầm lẫn vì giá trị hàng triệu USD cho một NFT trên thị trường là giá quy đổi. Các giao dịch không mua bằng USD mà mua bằng token/coin được phát hành”. Ví dụ, lô đất ảo giá 2,43 triệu USD là giá quy đổi từ 618.000 Mana – đồng tiền số trên nền tảng Decentraland. Hoặc lô đất 2,3 triệu USD của Axie Infinity thực chất được mua bằng 550 Ethereum.

“Việc đắt hay rẻ tuỳ thuộc vào lúc quy đổi. Nếu mua các token này vào các đợt private sale (giá trước khi lên sàn), giá của chúng rất rẻ, bằng 1/10 hoặc 1/100 hiện tại. Hay như Ethereum, có giai đoạn giá tiền mã hóa này chỉ vài trăm USD chứ không phải 3-4 nghìn USD như bây giờ. Trong tương lai, Ethereum có thể lên đến 100.000 USD hoặc sụt về 0”, vị này nói.

Lý do thứ hai là niềm tin của nhà đầu tư vào một NFT nhất định. “Những người bỏ ra hàng triệu USD để mua một miếng đất trong metaverse vì tính duy nhất và tin vào tiềm năng của nó trong tương lai. Việc này giống như ai đó sẵn sàng bỏ tiền mua một bất động sản ngoài đời thực và chờ nó tăng giá. Niềm tin và giá trị kỳ vọng đã đẩy nhiều tác phẩm NFT có giá quá cao so với thực tế”, đại diện một sàn nghệ thuật về NFT tại Việt Nam nói.

Chuyên gia này cũng cho biết, tâm lý FOMO (sợ bị bỏ lỡ) của những người đến sau cũng vô tình đẩy giá NFT lên cao. Không ít người mua chỉ để đầu cơ, tích trữ chứ không hẳn vì thật sự muốn sở hữu nó.

Theo CNN, một lý do khác là đa số người giao dịch NFT là “triệu phú Bitcoin”. “Bitcoin đã tạo ra hơn 100.000 triệu phú và không có gì ngạc nhiên khi NFT trở thành hiện tượng vào tháng 3. Khi đó Bitcoin cán mốc 60.000 USD, tăng 500% so với 6 tháng trước đó. Khi bạn thấy thông tin về số tiền đang được chi cho một NFT, bạn có thể cảm thấy vô lý. Nhưng đừng quên, những thứ rất đắt tiền hầu như chỉ được mua bởi những người rất giàu. Và những người rất giàu chi tiêu rất nhiều để đánh bóng tên tuổi, địa vị của họ”, CNN bình luận.

Cuối cùng, các chuyên gia phân tích thị trường không loại trừ khả năng những tác phẩm NFT hàng triệu USD là chiêu trò để thổi phồng giá trị của các tài sản ảo. Cuối tháng 10, NFT có tên CryptoPunk 9998 bất ngờ được giao dịch với giá 124.457 ETH, tương đương 532 triệu USD lúc đó. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra giao dịch trong ví, các chuyên gia phát hiện người bán và người mua tác phẩm trên là một. Vì vậy, để xem giá trị thật sự của một NFT, cộng đồng không chỉ nhìn vào định giá mà còn phải tìm hiểu thêm về khả năng khai thác thương mại mới biết người mua là thật hay ảo.

Rủi ro của NFT

Trong khi có một nhóm nhỏ những người tin tưởng vào NFT, phần lớn lại coi đây là trò lừa bịp. Tuy nhiên, đứng ở góc độ nào, NFT vẫn phải đối mặt thách thức đầu tiên là công nghệ này khá khó tiếp cận với đại chúng. Để bắt đầu giao dịch, người dùng phải có kiến thức cơ bản về blockchain và một ví tiền điện tử. Ngay cả khi đã rành công nghệ, việc mua bán vẫn có thể gặp rủi ro. Việc tình cờ gửi tiền đến sai địa chỉ ví và không thể lấy lại là chuyện xảy ra hàng ngày.

Rủi ro tiếp theo nằm ở hạn chế về mặt công nghệ. Ví dụ, 100.000 người có thể mua đồng Shiba Inu cùng lúc vì trên thị trường đang có 1 triệu tỷ đồng được phát hành. Tuy nhiên, nếu 10.000 người cố gắng mua một NFT, phí giao dịch sẽ tăng đột biến do một số người sẵn sàng trả mức cao hơn để đẩy nhanh tốc độ mua hàng. Một giao dịch NFT đơn thuần có thể mất đến vài phút. Trong thời gian chờ đó, nhiều thay đổi có thể xảy ra. CNet cho biết, có trường hợp người dùng mất cả nghìn USD vì giao dịch thất bại nhưng tiền vẫn bị trừ và không thể lấy lại.

Theo ông Trần Dinh, quản trị viên của Diễn đàn Phổ cập Blockchain, những người chơi chơi vì tâm lý FOMO mà không nghiên cứu kỹ dự án hoàn toàn có khả năng mất tiền. Ngay cả nhà đầu tư kinh nghiệm cũng có thể gặp rủi ro nhất định với thị trường số.

Cuối cùng, rủi ro lớn nhất với NFT luôn được giới phân tích cảnh báo là bong bóng có thể vỡ bất kỳ lúc nào. Theo CNBC, thị trường NFT đang phát triển quá nhanh do sự thổi phồng và đầu cơ quá mức.

Michael Every, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường tài chính khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Rabobank, đánh giá: “NFT có thể là đỉnh điểm của mọi loại mô hình bong bóng. Tôi vô cùng lo lắng ngay cả khi hiểu rõ động lực thúc đẩy thị trường cũng như lý do khiến người dùng trẻ bị hấp dẫn”.

Tương lai NFT sẽ đi về đâu

Dựa trên những xu hướng và nền tảng công nghệ, giới chuyên gia tin số lượng người tham gia vào thị trường này sẽ mở rộng đáng kể trong năm 2022.

CNet ước tính có khoảng 250.000 người giao dịch NFT mỗi tháng trên OpenSea – thị trường NFT lớn nhất. CoinBase cũng sẽ sớm mở thị trường NFT của riêng mình với 2 triệu người dùng đang nằm trong danh sách chờ. Robinhood cũng có kế hoạch tương tự.

Số lượng người tham gia vào thị trường NFT ngày một lớn khiến các “ông lớn” công nghệ không thể bỏ qua. Một người khó có thể chi 200.000 USD cho một avatar hình con vượn, nhưng họ sẵn sàng bỏ ra 10 USD cho một vài sản phẩm nào đó trong metaverse của Facebook.

Do đó, các công ty công nghệ và giải trí hàng đầu cũng thể hiện tham vọng tiến vào thị trường NFT. Niantic, nhà phát triển game Pokemon Go, công bố một trò chơi trong đó người chơi có thể kiếm Bitcoin. Twitter và Meta lên kế hoạch tích hợp NFT vào nền tảng mạng xã hội của họ. Epic Games cho biết đã sẵn sàng cho các dự án metaverse.

Theo ông Trần Dinh, việc tài sản NFT đang được định giá quá cao có thể khiến nhiều người khó tiếp cận thị trường này. Tuy nhiên theo thời gian, giá trị của NFT cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với cộng đồng. Cộng thêm sự phổ biến của blockchain, NFT sẽ sớm trở nên phổ biến trong thời gian tới.

Khương Nha

[ad_2]