Ứng dụng chống dịch ‘không thể mạnh ai nấy làm’

[ad_1]

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng ứng dụng phòng chống dịch cần triển khai đồng bộ trên diện rộng, tránh gây khó khăn, bức xúc cho người dân.

Trong phiên thảo luận tại Quốc hội ngày 9/11, ông Lê Văn Dũng, đại biểu tỉnh Quảng Nam, cho rằng cần áp dụng đồng bộ việc ứng dụng công nghệ trong khai báo y tế, phòng chống dịch để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân.

Ông nêu thực trạng ứng dụng công nghệ phòng chống dịch đang được triển khai theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Mỗi ngành, mỗi địa phương có một app khai báo, không ai chấp nhận của ai, gây bức xúc cho người dân. “Tôi đề nghị tập trung quyết liệt công tác phòng chống dịch, nhất là các giải pháp thích ứng trong tình hình mới. Các giải pháp phải kịp thời, đồng bộ và hiệu quả, tránh mỗi địa phương làm một kiểu, dẫn tới lúng túng, bị động”, ông nói.

Nhiều ứng dụng hỗ trợ phòng chống dịch đã được xây dựng tại Việt Nam thời gian qua. Ảnh: Lưu Quý

Nhiều ứng dụng hỗ trợ phòng chống dịch được xây dựng tại Việt Nam thời gian qua. Ảnh: Lưu Quý

Ông Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu tỉnh Bình Định, cũng nhận xét “hiệu quả của các giải pháp công nghệ còn khiêm tốn so với tiềm năng của công nghệ thông tin”. Theo ông, rào cản của các ứng dụng hiện tại là chưa có sự thống nhất và tường minh trong các quy định, quy trình.

Đại biểu này đề xuất triển khai ứng dụng tin học trong việc phát hiện, theo dõi và điều trị Covid-19 trên phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, cần có hội đồng nghiệm thu phần mềm trước khi áp dụng.

“Hội đồng nghiệm thu phần mềm, ứng dụng cần có các chuyên gia kinh nghiệm và tâm huyết của ngành y tế, công an, quân đội và những người đang trực tiếp tham gia chống dịch. Sau khi thử nghiệm hoàn chỉnh, cần triển khai đồng bộ trên diện rộng, tránh hiện tượng đầu voi đuôi chuột”, ông Hiếu nói.

Ông đề nghị lấy tiêu chí đơn giản và rộng mở trong ứng dụng công nghệ. “Đơn giản là để bất cứ người dân nào có thể sử dụng được, thời gian nạp dữ liệu ngắn nhất. Rộng mở là có thể tích hợp với các phần mềm đã, đang và sẽ triển khai trong tương lai”, ông nói.

Thực tế tại Việt Nam trong gần hai năm qua, có hơn 10 ứng dụng phòng chống dịch được đưa lên các kho ứng dụng như Bluezone, VHD, Ncovi, VNeID, chưa tính đến các ứng dụng địa phương như Hue-S, Y tế HCM… Theo một lãnh đạo trong ngành thông tin và truyền thông, con số này lớn nhưng không đồng nghĩa người dùng phải cài tất cả. Trong số đó cũng có một số ứng dụng được các ban ngành, địa phương đưa ra để phục vụ những nghiệp vụ riêng. Người dùng được khuyến nghị cài 2-3 ứng dụng liên quan đến khai báo y tế và tiêm chủng.

Đến cuối tháng 9, ứng dụng PC-Covid ra đời, tích hợp tính năng của hầu hết các ứng dụng trước đó. Trong tháng 10, PC-Covid cũng đã được triển khai tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc.

Trong cuộc họp ngày 16/10, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế và Bộ Công an thống nhất PC-Covid là ứng dụng duy nhất phục vụ phòng chống dịch. Ứng dụng VNeID và Sổ sức khỏe điện tử vẫn được dùng về lâu dài, trong đó VNeID phục vụ định danh, xác thực người dân và do Bộ Công an quản lý, còn Sổ Sức khỏe điện tử – ứng dụng quản lý thông tin sức khỏe của người dân, trong đó có dữ liệu về tiêm chủng – do Bộ Y tế quản lý.

Lưu Quý

[ad_2]